Quy định về đạo đức nhà giáo
Quy định đạo đức nhà giáo mới nhất được Trường Tiểu học Thủ Lệ sưu tầm và đăng tải, là tài liệu kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tài liệu quy định rõ về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tác phong…
Bạn đang xem: Quy định về đạo đức nhà giáo
- Nghị định 138/2013/NĐ-CP
- Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT
Contents
1. Quy định về đạo đức nhà giáo hiện hành
Tóm tắt nội dung Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT
Quy định về đạo đức nhà giáo là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho người học noi theo.
Đạo đức nhà giáo phải đặt lên hàng đầu. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật một cách nghiêm minh.
Quyết định này ban hành ngày 16 tháng 4 năm 2008 và có hiệu lực ngày 17 tháng 05 năm 2008.
QUY ĐỊNH
Về đạo đức nhà giáo
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT
ngày 16 tháng 4 năm2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Văn bản này quy định về đạo đức nhà giáo.
2. Đối tượng áp dụng bao gồm các nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều 2. Mục đích
Quy định về đạo đức nhà giáo là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho người học noi theo.
Chương II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Phẩm chất chính trị
- Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận chính trị để vận dụng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm sự điều động, phân công của tổ chức; có ý thức tập thể, phấn đấu vì lợi ích chung.
- Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội.
Điều 4. Đạo đức nghề nghiệp
- Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.
- Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành.
- Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
- Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Điều 5. Lối sống, tác phong
- Sống có lý tưởng, có mục đích, có ý chí vượt khó vươn lên, có tinh thần phấn đấu liên tục với động cơ trong sáng và tư duy sáng tạo; thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Có lối sống hoà nhập với cộng đồng, phù hợp với bản sắc dân tộc và thích ứng với sự tiến bộ của xã hội; biết ủng hộ, khuyến khích những biểu hiện của lối sống văn minh, tiến bộ và phê phán những biểu hiện của lối sống lạc hậu, ích kỷ.
- Tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; có thái độ văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo.
- Trang phục, trang sức khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học, không gây phản cảm và phân tán sự chú ý của người học.
- Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ; đấu tranh, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật và các quy định nghề nghiệp. Quan hệ, ứng xử đúng mực, gần gũi với nhân dân, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và người học; kiên quyết đấu tranh với các hành vi trái pháp luật.
- Xây dựng gia đình văn hoá, thương yêu, quý trọng lẫn nhau; biết quan tâm đến những người xung quanh; thực hiện nếp sống văn hoá nơi công cộng.
Điều 6. Giữ gìn, bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo
- Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và nhân dân.
- Không gian lận, thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu khoa học và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
- Không trù dập, chèn ép và có thái độ thiên vị, phân biệt đối xử, thành kiến người học; không tiếp tay, bao che cho những hành vi tiêu cực trong giảng dạy, học tập, rèn luyện của người học và đồng nghiệp.
- Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.
- Không tổ chức dạy thêm, học thêm trái với quy định.
- Không hút thuốc lá, uống rượu, bia trong công sở, trong trường học và nơi không được phép hoặc khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.
- Không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi.
- Không gây bè phái, cục bộ địa phương, làm mất đoàn kết trong tập thể và trong sinh hoạt tại cộng đồng.
- Không được sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền, phổ biến những nội dung trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Không trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ việc; không đi muộn về sớm, bỏ giờ, bỏ buổi dạy, cắt xén, dồn ép chương trình, vi phạm quy chế chuyên môn làm ảnh hưởng đến kỷ cương, nề nếp của nhà trường.
- Không tổ chức, tham gia các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội như: cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín, dị đoan; không sử dụng, lưu giữ, truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy, độc hại.
Chương III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo ngành Giáo dục phối hợp với các Ban, Ngành, Đoàn thể tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo.
- Đảm bảo các điều kiện cho công tác bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục về đạo đức nhà giáo, gương sáng nhà giáo.
- Định kỳ thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý giáo dục; xử lý nghiêm túc, kịp thời đúng pháp luật các cá nhân, tổ chức vi phạm Quy định này.
Điều 8. Các Sở Giáo dục và Đào tạo
- Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo cho đội ngũ nhà giáo ở địa phương; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo ở các cơ sở giáo dục và việc thực hiện của các nhà giáo; tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm túc, kỷ luật thích đáng các cá nhân, tổ chức vi phạm; định kỳ cuối năm học báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội của các địa phương trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo cho đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở dạy nghề tại địa phương theo phân cấp quản lý về dạy nghề.
- Tham mưu với cấp uỷ và chính quyền địa phương các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các quy định trong văn bản này.
Điều 9. Các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các cơ sở dạy nghề
Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, Hiệu trưởng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, Giám đốc các trung tâm dạy nghề căn cứ vào Quy định này để tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra việc thực hiện của các nhà giáo, tuyên dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm túc, kỷ luật thích đáng các cá nhân, tổ chức vi phạm; định kỳ cuối năm học báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 10. Các Bộ có quản lý các cơ sở giáo dục và đào tạo
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nhà giáo.
- Đảm bảo các điều kiện cho công tác bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục về đạo đức nhà giáo, gương sáng nhà giáo.
- Định kỳ thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện của các cơ sở giáo dục và đào tạo; xử lý nghiêm túc, kịp thời đúng pháp luật các cá nhân, tổ chức vi phạm Quy định này./.
2. Đạo đức và trách nhiệm nhà giáo trong nhà trường hiện nay
Về đạo đức
- Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.
- Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành.
- Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
- Thực hiện phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm túc; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Về trách nhiệm
- Hết mình với công việc của mình
- Luôn giảng dạy những kiến thức mới, sáng tạo, giúp học sinh dễ hiểu
- Cân bằng, truyền đạt tính cách hòa nhã với các mối quan hệ của học sinh trong lớp
- Luôn nắm vững mức độ hiểu của từng học sinh
- Liên hệ với phụ huynh để giải quyết các vấn đề của học sinh…
3. Văn bản quy định đạo đức nhà giáo mới nhất
Theo quy định pháp luật hiện hành thì văn bản quy định về đạo đức nhà giáo đó là Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT về quy định đạo đức nhà giáo.
Qua các năm, Bộ giáo dục ngước ta luôn có các văn bản để chỉ đạo sâu sát hơn và những biện pháp cụ thể thiết thực để tăng cường đạo đức nhà giáo ngày càng tốt hơn phù hợp với bối cảnh thời đại, ví dụ như:
- Công văn 924/BGDĐT-NGCBQLGD 2019 khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo.
- Công văn 5553/BGDĐT-NGCBQLGĐ 2018 thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo.
- Công văn 2743/BGDĐT-NGCBQLGD 2018 đổi mới chương trình đào tạo với nâng cao đạo đức nhà giáo.
4. Yêu cầu cơ bản về đạo đức nhà giáo trong bối cảnh mới 2022
Giáo viên không chỉ là những người truyền dạy kiến thức mà còn giáo dục, vun đắp tâm hồn cho học sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện đại hóa, công nghệ phát triển nhanh chóng, trẻ được tiếp xúc với lượng kiến thức rất lớn nhưng lại không có chọn lọc, vai trò của giáo viên trong giáo dục nhân cách cho trẻ được đặt lên quan trọng hơn bao giờ hết.
Muốn làm tốt công tác giáo dục trẻ hiện nay, giáo viên cũng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản về đạo đức trong bối cảnh mới. Để tìm hiểu các yêu cầu cơ bản về đạo đức mà giáo viên cần đáp ứng, mời các bạn tham khảo bài viết sau:
5. Xử phạt vi phạm đạo đức nhà giáo
Căn cứ Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ, giáo viên là viên chức nếu có hành vi vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo sẽ bị xử lý các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
– Đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng sẽ bị khiển trách, các hành vi cụ thể như:
- Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp…đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản
- Vi phạm về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của viên chức; kỷ luật lao động; quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị…
- Không chấp hành phân công công tác của cấp có thẩm quyền, nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng…
– Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với giáo viên có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà tái phạm
- Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng
– Đối với chức quản lý sẽ bị cách chức nếu:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm, sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm…
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại phần khiển trách.
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại phần cảnh cáo…
– Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
- Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức hoặc cảnh cáo mà tái phạm
- Sử dụng các văn bằng, chứng chỉ và giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng
- Nghiện ma túy, có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền…
Ngoài ra,Theo Công văn 924/BGDĐT-NGCBQLGD, đối với giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo sẽ không bố trí đứng lớp đồng thời giáo viên vi phạm nghiêm trọng sẽ phải chịu hình phạt bổ sung là hạn chế hoạt động nghề nghiệp hoặc đưa ra khỏi ngành Giáo dục theo quy định của pháp luật.
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giáo dục – đào tạo được Trường Tiểu học Thủ Lệ cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ
Chuyên mục: Hỏi Đáp