Xây nhà trên đất bố mẹ vợ cho khi ly hôn xử lý thế nào?
Việc xây nhà trên đất bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng cho rất phổ biến hiện nay. Khi ly hôn, rất nhiều gia đình không thể tự thỏa thuận được về việc chia tài sản dẫn đến tranh chấp. Đặc biệt là các trường hợp vợ, chồng xây nhà trên đất cha, mẹ cho riêng con trai/gái mà không cho con dâu/rể. Xây nhà trên đất bố mẹ vợ cho khi ly hôn xử lý thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
Bạn đang xem: Xây nhà trên đất bố mẹ vợ cho khi ly hôn xử lý thế nào?
Contents
1. Xây nhà trên đất bố mẹ vợ cho khi ly hôn phân chia thế nào?
Câu hỏi:
Vợ chồng tôi kết hôn năm 2011, năm 2015 cha mẹ vợ cho vợ tôi lô đất (sổ đỏ đứng tên vợ), tôi xây nhà trên đó và gia đình ở đến nay.
Toàn bộ tiền xây nhà là tiền của tôi (vì trong thời gian kết hôn vợ chỉ ở nhà nội trợ và chăm con, không tạo ra thu nhập). Nay vợ chồng tôi bất đồng quan điểm, có thể dẫn đến ly hôn, nếu ly hôn thì phần nhà đất nêu trên tôi có được chia hay không?
Trả lời:
Khoản 1 điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Căn cứ quy định nêu trên, quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ (vì cha mẹ vợ cho riêng vợ lô đất, không phải cho chung vợ chồng). Đối với phần nhà xây dựng trên đất, chia thành hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Nếu chi phí xây nhà phát sinh từ tiền lương của chồng trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng (theo điểm b khoản 4 điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm).
Trường hợp 2: Nếu chi phí xây nhà xuất phát từ tài sản riêng của chồng (tiền có trước khi kết hôn; được tặng cho, thừa kế riêng… theo điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014) thì phần nhà xây dựng trên đất là tài sản riêng của chồng.
Căn cứ khoản 3 điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Căn cứ khoản 1, 2 và 3 điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, khi ly hôn, vợ chồng được phép thỏa thuận phân chia tài sản chung. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết; khi đó, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
2. Xây nhà trên đất bố mẹ vợ cho, người chồng cần lưu ý gì?
Thường xuyên tư vấn, giải quyết các vụ việc liên quan tới hôn nhân, Luật sư Nguyễn Thành Trung – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, cả vợ và chồng cần nắm rõ một số thông tin để có cách ứng xử phù hợp đối với việc phân định tài sản.
Lấy ví dụ liên quan tới đất đai, Luật sư Trung cho hay, trường hợp nhà vợ cho đất trong thời kỳ hôn nhân, thì vẫn là tài sản riêng của người vợ nếu không muốn cho chồng đứng tên chung.
Do đó, nếu có ý định xây nhà trên mảnh đất này, mà người chồng không cùng đứng tên, nên thỏa thuận rõ ràng với bên thứ ba (bên thi công) để có đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Tránh trường hợp không có chứng cứ, nếu chẳng may vợ chồng ly hôn sẽ xảy ra tranh chấp rất khó đòi.
Trường hợp người chồng mua đất trước khi lấy vợ, nhưng sau kết hôn mới xây nhà, thì phần đất là của người chồng, ngôi nhà trên đất là tài sản chung.
“Nếu không may ly hôn, người vợ có quyền đòi giá trị đóng góp vào công trình trên đất”, luật sư Trung thông tin và chia sẻ thêm, nhưng thực tế, các vụ kiện đòi tài sản trên đất rất phức tạp, khó khăn và kéo dài.
Một trường hợp liên quan tới bất động sản được nhiều người quan tâm hiện nay là sau li hôn nhiều năm, người vợ quay lại đòi chia tài sản.
Trong trường hợp này, tòa án sẽ giải quyết theo hai cách. Cách đầu tiên, tòa giải quyết vấn đề nuôi con, cấp dưỡng, tài sản chung, nợ chung trong cùng một vụ án ly hôn. Khi đó, vụ án sẽ kéo dài và tòa án sẽ giải quyết toàn bộ những gì liên quan tới cả hai.
Cách thứ hai theo luật sư Trung là chỉ giải quyết ly hôn và con chung. Đây cũng là phương án được nhiều người áp dụng. Phần tài sản chung và nợ chung sẽ giải quyết bằng một vụ án dân sự riêng.
Đáng nói, nếu việc ly hôn theo cách hai, thì dù 20-30 năm sau, người vợ hoặc chồng vẫn có quyền đòi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Đưa ra nhiều phương án xử lý, song, luật sư Trung cho rằng, đã là vợ chồng thì nên xác định ở với nhau lâu dài. Vợ chồng cùng nhau làm và phát triển, nếu tính toán quá thì sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hôn nhân gia đình.
Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết hữu ích khác như: Đơn xin ly hôn mới nhất , Cách viết đơn xin ly hôn từ chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của trang Trường Tiểu học Thủ Lệ.
Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ
Chuyên mục: Hỏi Đáp