Giáo DụcLớp 12

Thuyết minh về tác giả Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Bác là một cuộc đời trong sáng, cao đẹp của một vị anh hùng dân tộc, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc. Để hiểu hơn về Bác các em có thể cùng Trường Tiểu học Thủ Lệ tham khảo bài văn mẫu Thuyết minh về tác giả Hồ Chí Minh dưới đây. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh – Phần 1: Tác giả.

Bạn đang xem: Thuyết minh về tác giả Hồ Chí Minh

Contents

1. Sơ đồ gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

* Giới thiệu chung về Hồ Chủ tịch:

– Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng vô sản kiệt xuất, chiến sĩ hòa bình, danh nhân văn hóa thế giới.

– Với dân tộc Việt Nam: Người là Cha, là Bác, là Anh…

– Đất nước ta tự hào về Bác.

b. Thân bài:

* Tinh thần yêu nước nồng nàn của Hồ Chủ tịch:

– Vào đầu thế kỉ XX, thấm thía nỗi nhục nô lệ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước.

– Sau ba chục năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, năm 1941, Bác về Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.

– Bác lãnh đạo toàn dân vùng lên làm Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có chủ quyền, độc lập, tự do. Bác Hồ là vị chủ tịch nước đầu tiên.

– Bác sáng suốt và kiên trì lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ xâm lược.

– Lí tưởng và mục đích phấn đấu cao cả của Bác là vì dân, vì nước.

– Lòng nhân ái của Bác bao trùm khắp non sông, mọi tầng lớp nhân dân.

– Phẩm chất thanh cao, giản dị, đức khiêm tốn của Bác có sức thuyết phục rất lớn.

* Sự tôn vinh của dân tộc và nhân loại đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh

– Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng cứu nước mà tên tuổi đời đời sống mãi với lịch sử và trong lòng nhân dân.

– Bác là chiến sĩ hòa bình xuất sắc của thế giới, danh nhân văn hóa của nhân loại.

c. Kết bài:

– Chúng ta tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết tinh tinh hoa truyền thống bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

– Bác Hồ là hình ảnh đẹp nhất về một con người chân chính của mọi thời đại.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn thuyết minh về tác giả Hồ Chí Minh.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Trong hành trình gian nan và vô tận, con người luôn tìm kiếm những hình mẫu có thật trong cuộc sống để tôn vinh và noi theo với mong muốn trở nên hoàn thiện hơn. Một trong những hình mẫu lý tưởng ấy là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bác là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là người anh hùng giải phóng dân tộc, và đồng thời là một danh nhân văn hóa thế giới.

Nếu Lê-nin là niềm tự hào của nước Nga, Phi-đen Ca-xtơ-rô là vì sao của nhân dân Cuba, thì Bác Hồ chính là người anh hùng vĩ đại trong lòng người dân Việt Nam. Bác đã soi sáng con đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Làm thế nào người con bé nhỏ của xứ Nghệ có thể thực hiện được điều lớn lao ấy? Trước Bác cũng có rất nhiều người đi khắp thế giới, nhưng là đi thám hiểm, đi buôn, đi truyền đạo. Người đi khắp thế giới để cứu dân tộc mình thì chỉ có một. Đó chính là Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Đi đến đâu, Bác cũng để lại biểu tượng đẹp về lòng yêu nước. Bác lên tàu tìm đường cứu nước khi còn trẻ, khi trở về thì mái tóc Bác đã điểm bạc. Bác không tiếc cống hiến trọn tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bác đã mang lại cuộc sống ấm no mơ ước cho nhân dân Việt Nam. Tất cả những gì Bác đã làm, từ bé nhỏ đến lớn lao, đều xuất phát từ lòng yêu nước chân thành và mãnh liệt. Chính lòng yêu nước ấy đã tạo nên Bác Hồ, người anh hùng dân tộc của chúng ta ngày hôm nay.

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác, quân dân ta đã anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược với một niềm tin tưởng tuyệt đối về ngày toàn thắng. Thế nhưng, Bác không chỉ cứng rắn trong hoạt động quân sự mà còn rất lãng mạn trong lĩnh vực văn học. Thơ của Bác không thật nhiều nhưng rất cô đọng và súc tích. Từng câu từng chữ đều thể hiện sự kiên định, niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dù lúc ấy Bác đang trong cảnh ngục tù hay đang sống giữa muôn vàn gian khổ. Một vị danh nhân đã từng nói: “Nói đến văn học Việt Nam thì trước hết cần hiểu về Bác, hiểu con người văn hóa Hồ Chí Minh”. Quả thật như thế, Bác đã hòa trộn tinh hoa văn hóa nhân loại với gốc rễ văn hóa Việt Nam, tạo nên một đặc trưng văn hóa rất riêng ở Bác. Tất cả những điều trên đã thuyết phục UNESCO trao tặng Bác danh hiệu “Danh nhân văn hóa thế giới”.

Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Sam Cao, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Tháng 8 năm 1945, Người cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và chủ trì Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cuộc đời của Bác được biết đến không chỉ bằng những công lao to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mà còn là bởi phong cách sống giản dị không giống với bất kì một vị nguyên thủ quốc gia nào trên thế giới. Vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh đến từ sự giản dị trong cuộc sống hằng ngày. Hàng loạt những dẫn chứng cụ thể và toàn diện để chứng minh điều ấy. Với cương vị của một nhà lãnh đạo nhưng Bác Hồ lại “lấy chiếc nhà sàn nhỏ bé bằng gỗ bên cạnh chiếc áo làm “cung điện” của mình”. Chiếc nhà sàn “vỏn vẹn có vài phòng dùng làm nơi tiếp khách, nơi họp Bộ chính trị, nơi làm việc và ngủ”. Trang phục của Bác cũng đơn giản hết mực “với bộ áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ”. Món ăn hàng ngày thì vô cùng đạm bạc – toàn là món ăn dân tộc không chút cầu kì: “cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”. Bác sống ở đó một mình với “tư trang ít ỏi là một chiếc va li con và một bộ quần áo, vài vật kỉ niệm”. Dường như, ta có thể cảm nhận được hình ảnh của chính người nông dân Việt Nam trong con người Bác – một vị lãnh tụ của dân tộc. Lối sống giản dị của Người khiến mỗi người dân Việt Nam cảm nhận được sự gần gũi, thân tình không thể tìm thấy được trong bất kì một vị chủ tịch hay tổng thống nào trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng ngời để các thế hệ sau học tập và làm theo.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Hồ Chủ tịch là lãnh tụ cách mạng vô sản kiệt xuất, một chiến sĩ cộng sản lão thành, Danh nhân văn hóa của thế giới. Với dân tộc Việt Nam, Người là Cha, là Bác, là Anh, Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ… (Tố Hữu). Đất nước ta, dân tộc ta tự hào về Hồ Chủ tịch – con người giản dị và vĩ đại – tiêu biểu cho truyền thống bốn ngàn năm lịch sử vẻ vang.

Đầu thế kỉ XX, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành thấu hiểu nỗi nhục nô lệ dưới ách xâm lược của thực dân Pháp nên đã noi gương các sĩ phu tiền bối như Phạn Bội Châu, Phan Chu Trinh tìm đường cứu nước. Rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) năm 1911, Nguyễn Tất Thành nung nấu ý chí là phải sang tận nước Pháp để tìm hiểu kẻ thù, từ đó có cách chống lại chúng.

Ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc đã cống hiến rất nhiều cho phong trào đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thuộc địa bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới và trở thành người sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1941, với vốn sống thực tế, với kinh nghiệm dày dặn và trình độ hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Có thể thấy Hồ chủ tịch là một người có lòng yêu nước nồng nàn. Một người lãnh đạo tài ba, dũng cảm. Ngoài ra Người còn được thế giới biết đến với vai trò của một nhà thơ lớn. Mặc dù thời gian Bác dành cho thơ ca không nhiều nhưng vốn là người có tâm hồn thơ nhạy cảm, lãng mạn và là người có phong thái ung dung, tự tại nên Người có nhiều bài thơ gắn với từng hoàn cảnh của cuộc đấu tranh của dân tộc cũng như hoạt động cách mạng của Người.

Khi hoạt động ở bên Trung Quốc, Bác Hồ đã từng bị chính quyền Tưởng bắt giam. Cũng lúc này người đã sáng tác một tập thơ có giá trị và được nhiều người biết đến, tập thơ “Nhật ký trong tù”. Có thể thấy dù hoàn cảnh như thế nào thì Người vẫn rất tự tại, vẫn rất nhạy cảm trước thiên nhiên, trước thời cuộc. Thơ của Người chính là sự kết hợp tinh túy giữa tinh hoa dân tộc và văn hóa thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành tấm gương về nhiều mặt cho nhiều lớp người noi theo. Người không chỉ tài giỏi, dũng cảm, ý chí quyết tâm sắt đá mà còn là người mang nhiều phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Một người là chủ tịch của cả một quốc gia nhưng lại hết sức giản dị. Sự giản dị của Bác đã được bác Phạm Văn Đồng viết rất rõ trong bài “Đức tính giản dị của Bác Hồ”. Giản dị từ cách ăn mặc, sinh hoạt đến lời nói, cử chỉ. Những chiếc áo nâu sờn cũ, đôi dép cao su đã theo bác từ những ngày còn ở chiến khu đến khi về thủ đô. Nó đã theo Bác đi khắp nẻo đường. Rồi những bữa cơm giản dị, nơi ở là một căn nhà sàn nhỏ, đơn sơ. Bác luôn có thái độ gần gũi với nhân dân, yêu quý và chăm lo cho đời sống của mọi người, của các cháu thiếu nhi. Mỗi câu chuyện về Bác đều đem lại những cảm xúc nghẹn ngào thấm thía, những bài học cho chúng ta noi theo. Chính vì vậy chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân yêu quý và gọi bằng tên gọi rất đỗi thân thương, kính trọng: Bác Hồ – vị cha già của dân tộc.

Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nhắc đến Bác, nhân dân Việt Nam đều kính trọng và thương yêu vô cùng.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 12

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button