Giáo DụcLớp 12

Nghị luận về đức hi sinh trong cuộc sống

Nhằm giúp các em học sinh lớp 12 có thêm tư liệu ôn tập cho các kì thi đồng thời rèn cách viết văn nghị luận, Trường Tiểu học Thủ Lệ mời các em cùng tham khảo tài liệu văn mẫu Nghị luận về đức hi sinh trong cuộc sống dưới đây. Chúc các em học tập vui vẻ!

Bạn đang xem: Nghị luận về đức hi sinh trong cuộc sống

Contents

Nghị luận về đức hi sinh trong cuộc sống

1. Sơ đồ gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

– Giới thiệu về đức hi sinh trong cuộc sống

2.2. Thân bài

a. Giải thích

– Hi sinh là một đức tính cao quý của con người.

– Hi sinh là vì người khác mà chịu sự thiệt thòi về bản thân mình.

– Đó là những suy nghĩ, hành động tự nguyện vì người khác, không vụ lợi cá nhân, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân mình.

b. Biểu hiện

– Trong chiến tranh:

+ Rất nhiều anh hùng, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, mang lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho nhân dân.

+ Họ không ngại gian khổ mà hăng hái tham gia chiến đấu.

+ Các dẫn chứng tiêu biểu: Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân; người anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo,…

– Trong đời sống hàng ngày:

+ Cha mẹ lao động vất vả, hi sinh vì các con để các con có một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp.

+ Những con người hi sinh bản thân để cứu bạn bè hoặc người khác khi họ gặp nạn: anh Trần Hữu Hiệp trong vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ, em Nguyễn Văn Nam đã hi sinh cứu 5 em nhỏ bị đuối nước,…

+ Những người chiến sĩ, giáo viên tình nguyện ra biển đảo hoặc lên miền núi để công tác, làm việc,…

c. Bàn luận

– Người có đức hi sinh được mọi người tôn trọng, yêu quý.

– Đức hi sinh giúp con người sống gần gũi với nhau hơn, biết yêu thương nhau hơn.

– Phê phán những con người sống vô cảm, ích kỉ, không biết hi sinh vì người khác.

d. Liên hệ bản thân

– Phải biết sống vì người khác, rèn luyện đức hi sinh cho bản thân.

– Không quên ơn những người đã hi sinh vì mình.

– Phát huy đức tính cao đẹp của dân tộc.

2.3. Kết bài

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Nghị luận về đức hi sinh trong cuộc sống

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nếu sự ích kỉ khiến con người trở nên tầm thường, nhỏ bé thì sự hi sinh lại giúp con người trở nên cao thượng. Đức hi sinh luôn hiện hữu và tồn tại trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nó đã trở thành lẽ sống, lí tưởng sống trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.

Hi sinh là vì người khác mà chịu sự thiệt thòi về bản thân mình. Đó là những suy nghĩ, hành động tự nguyện vì người khác, không vụ lợi cá nhân, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân và có thể hi sinh tính mạng của mình vì sự sống của người khác. Đây là đức tính cao quý của nhân dân ta mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Trong thời kì chiến tranh ác liệt, biết bao người anh hùng đã tham gia chiến đấu để giành lấy hòa bình, tự do cho Tổ quốc. Họ là người anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng hay người thanh niên quả cảm Tô Vĩnh Diện đã dùng thân mình để chèn pháo,…Một tấm gương về đức hi sinh mà chúng ta không thể không nhắc đến đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Những năm tháng tuổi trẻ Bác đã bôn ba khắp các nước trên thế giới để tìm ra con đường giải phóng dân tộc, khi trở về Bác lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Những câu hát: “Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam…Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư. Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam…” (Bác Hồ một tình yêu bao la – Thuận Yến) vẫn còn vang mãi trong tâm thức mỗi chúng ta. Bên cạnh những anh hùng được tổ quốc ghi công được nhiều người biết đến thì vẫn có vô số những con người vô danh đã ngã xuống vì màu cờ sắc áo của dân tộc. Họ là những người “Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm). Đức hi sinh của họ đã trở thành lí tưởng sống. Đối với họ, sống là cống hiến, là hi sinh để có thể mang lại hạnh phúc cho đồng bào, dân tộc. Bao nhiêu gian nan, khổ cực cũng không thể khiến họ lùi bước.

Khi bom đạn chiến tranh đã qua đi, đức hi sinh của con người vẫn luôn được thể hiện trong cuộc sống thường nhật. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến anh Trần Hữu Hiệp hay anh Nguyễn Văn Nam và nhiều tấm gương khác vì cứu người mà hi sinh tính mạng của mình. Anh Trần Hữu Hiệp đã có một hành động thật dũng cảm khi nhường chiếc áo phao của mình cho một phụ nữ trong vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ để nhận lấy cái chết về mình. Giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết, con người ấy đã nhường lại cơ hội sống của mình cho người khác. Khi trông thấy năm em nhỏ đang bị đuối nước, Nguyễn Văn Nam đã không ngần ngại mà nhảy xuống cứu các em. Ngay cả khi bản thân đã đuối sức thì Nam vẫn liều mình để cứu một em nhỏ còn lại và anh bị dòng nước nhấn chìm. Những hành động đó cao cả và đáng quý biết nhường nào!

Đức hi sinh không chỉ thể hiện ở việc nhận lấy cái chết về mình để đánh đổi lấy sự sống cho người khác mà nó còn được thể hiện ở những hành động thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa. Những người cha, người mẹ đã dùng cả cuộc đời chăm lo cho các con để các con có một cuộc sống đầy đủ. Họ không quản ngại mưa nắng, khó khăn, cực khổ lao động để mua cho con một chiếc cặp sách mới, một bộ quần áo mới. Bao nhiêu giọt mồ hôi cũng chính là bao nhiêu sự vất vả, hi sinh của cha mẹ. Họ luôn giấu đi sự mệt mỏi để dành cho ta những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Sự hi sinh của các bậc cha mẹ là vô bờ bến. Công ơn ấy chúng ta dành cả một đời cũng không thể nào đền đáp hết được. Ngoài ra, chúng ta còn biết đến những người chiến sĩ, giáo viên tự nguyện lên vùng cao hay vùng biển đảo xa xôi để công tác và làm việc. Những người giáo viên đã hi sinh cả tuổi trẻ, thậm chí là cả cuộc đời của mình để gắn bó với những nơi hẻo lánh, những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn để mang kiến thức đến cho mọi người. Những người lính cũng góp sức mình để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Tất cả những con người ấy đều xứng đáng được ngợi ca và tôn trọng.

Người có đức hi sinh sẽ luôn được mọi người yêu quý. Đức hi sinh xuất phát từ lòng yêu thương con người vì vậy nó là sợi dây gắn kết con người lại với nhau. Đức hi sinh giúp ta biết yêu thương người khác, biết hành động vì người khác. Cũng vì lẽ đó mà chúng ta sống đẹp hơn, sống có ích hơn bởi “Có gì trên đời đẹp hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu). Bên cạnh việc ngợi ca những người có đức hi sinh chúng ta cũng cần phê phán lối sống theo chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỉ của một số cá nhân trong xã hội. Họ chỉ quan tâm đến bản thân mình mà vô cảm, thờ ơ, không biết hi sinh vì người khác.

Để có được cuộc sống no ấm, tươi đẹp như hôm nay, chúng ta cần bày tỏ lòng biết ơn đối với những người anh hùng đã hi sinh vì nền độc lập, hòa bình của dân tộc, biết ơn những người cha, người mẹ đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho chúng ta. Đồng thời mỗi cá nhân cần rèn luyện đức hi sinh cho bản thân và phát huy đức tính cao đẹp ấy để xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng gắn kết.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Đạo đức truyền thống của chúng ta đề cao Đức hi sinh ở người phụ nữ, có mục đích giáo dục Đức hi sinh ở người phụ nữ, và có ý thức đòi hỏi Đức hi sinh ở người phụ nữ, nhưng lại không có những biểu hiện tương tự đối với nam giới. Tại sao vậy?

Điều này đã làm dấy lên không biết bao nhiêu cuộc tranh luận giữa chúng ta, đặc biệt là trong giai đoạn gần đây khi tư tưởng bình đẳng nam nữ ngày càng được quan tâm và phổ biến trong xã hội. Những cuộc tranh luận diễn ra giữa người nam và người nữ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới, giữa người trẻ với người già… Nhưng hầu hết những cuộc tranh luận đều không đi đến sự thống nhất tổng thể hay những giải pháp cụ thể và toàn diện, bởi chúng ta đã không nhìn nhận từ gốc rễ của vấn đề.

Trước hết, cần phải hiểu thế nào là “Đức hi sinh”.

Chúng ta vẫn thường cho rằng hi sinh là sự mất mát, nhưng đó là một cái nhìn phiến diện, hẹp hòi. Hi sinh là một sự đánh đổi, đánh đổi những lợi ích trước mắt để lấy cái lợi ích lâu dài, đánh đổi cái niềm vui nhỏ bé để được cái ý nghĩa lớn lao, đánh đổi sự thỏa mãn của một bộ phận để đảm bảo sự ổn định của toàn thể… Người ta sẽ cảm thấy hi sinh là sự mất mát chỉ khi không nhìn thấy được cái lợi ích lâu dài, không cảm nhận được những ý nghĩa lớn lao, không ý thức được cái trường tồn của toàn thể.

Một người mẹ dành nhiều thời gian, tâm huyết và tiền bạc để nuôi dưỡng và giáo dục đứa con của mình sẽ được nhìn nhận là gì? Sẽ nhìn nhận đó là sự hi sinh nếu người mẹ đó không cảm nhận được niềm vui khi chứng kiến đứa con mình ngày một trưởng thành, không thấy trước được viễn cảnh đứa bé kia sẽ trở thành một con người hoàn thiện và đẹp đẽ. Sẽ nhìn nhận đó là sự đánh đổi tích cực nếu người mẹ đó hiểu rằng chỉ cần 1/3 thời gian trong 1/3 cuộc đời của mình thôi cũng đã tạo ra được một cuộc đời mới, một con người mới, một nhân cách mới hoàn chỉnh. Và sẽ là hạnh phúc khi người mẹ đó có tình yêu với đứa con của mình, với gia đình của mình, với người chồng của mình, nhìn nhận việc nuôi dạy đứa trẻ cùng chồng như là một sự tận hưởng tình yêu và trải nghiệm cuộc sống.

Đức hi sinh không phải là sự hi sinh. Đức hi sinh là ý thức sẵn sàng hi sinh, khả năng sẵn sàng hi sinh được tích lũy trong tâm thức ở mỗi con người. Nó có thể được tích lũy dưới dạng những cảm xúc thiêng liêng được vun đắp từ nhỏ, hay là sự lựa chọn của những suy nghĩ thấu đáo.

Một con người có Đức hi sinh có khả năng coi việc hi sinh những lợi ích của mình cho một giá trị nào đó xứng đáng như là một điều hết sức tự nhiên, như là một bổn phận hay trách nhiệm, như là chính ý nghĩa sự tồn tại của mình, như là chính niềm vui, là hạnh phúc của mình. Và bởi vì thế, Đức hi sinh không phải là một gánh nặng, một trách nhiệm, mà là một sự cứu rỗi cho cảm xúc, cho nhận thức, cho tâm hồn của họ.

Chúng ta, dù ít hay nhiều cũng đều hiểu và tin vào luật nhân quả, rằng ở hiền thì gặp lành, ác giả thì ác báo. Đều tin rằng cuộc sống này vốn công bằng và không ai chỉ cho đi mà không được nhận lại, hay chỉ biết nhận mà không phải cho đi. Chúng ta cũng biết rằng sự cho đi là tiền đề để xây dựng những mối quan hệ, những tình cảm, những giá trị sống đẹp đẽ… Thế nên, có được ý thức sẵn sàng cho đi đã là một sự may mắn, bởi khi đó con người không phải nuối tiếc khi phải cho đi mà vẫn có cơ hội tận hưởng niềm vui khi nhận lại. Sẽ còn may mắn hơn nếu như con người biết dành sự hi sinh cho những điều xứng đáng, bởi khi đó họ có cơ hội nhận lại gấp nhiều lần. Và, hạnh phúc thay, khi những người cho đi kia nhìn nhận sự cho đi như là một niềm hạnh phúc, khi ấy, cuộc sống của họ sẽ ngập tràn hạnh phúc, và chúng ta nói rằng những con người ấy có Đức hi sinh.

Vậy tại sao lại gọi là “Đức hi sinh” mà không gọi bằng một cái tên khác như “Dám đánh đổi”?
Là bởi vì trước kia phụ nữ vốn không được học hành nên nhận thức bị hạn chế, cộng thêm với cuộc sống khó khăn đã giam hãm năng lực cảm nhận của họ nên họ khó có thể hiểu được những điều phức tạp, trừu tượng. Sẽ là khó khăn hơn để giúp một người phụ nữ không được học hành hiểu rằng những gì họ đang cho đi là một sự đánh đổi giữa hiện tại và tương lai, giữa cái cụ thể và cái khái quát, giữa cái bộ phận và cái bao hàm. Họ không được trang bị hoặc không dễ được trang bị những năng lực nhận thức để nhìn ra những điều đó, để hiểu rằng việc nuôi dạy con cái là một bổn phận với xã hội, với giống nòi, rằng việc chăm sóc cho chồng là vun đắp cho gia đình, cho tương lai, rằng việc yêu thương, bao dung và tha thứ với người khác là làm đẹp cho môi trường xã hội mình đang sống… Nên, sẽ phù hợp hơn với họ khi gọi tên đức tính đó là Đức hi sinh.

Nhưng đạo đức truyền thống vốn khôn ngoan và công bằng. Truyền thống khôn ngoan vì đã khéo léo ca ngợi đức hi sinh của người phụ nữ bằng cách gọi tên bổn phận của họ là những thiên chức, bằng cách gợi lên ở người chồng, người con trong gia đình những tình cảm trân trọng và yêu thương, bằng cách vẽ lên hình ảnh người vợ, người mẹ thật đẹp đẽ trong tư tưởng hay văn hóa xã hội, bằng cách xây dựng những ngày lễ quan trọng để ngợi ca những đức tính, những con người này… Những điều ấy là những gì mà cuộc sống, mà xã hội hay gia đình bù đắp cho cảm xúc của người phụ nữ, động viên và thúc đẩy người phụ nữ rèn luyện và bồi đắp Đức hi sinh cho mình. Trong mô hình truyền thống hoàn chỉnh, mọi sự tương tác giữa người với người đều hết sức nhân văn và đẹp đẽ.

Truyền thống công bằng vì truyền thống cũng đòi hỏi ở người nam giới những sự hi sinh tương tự, nhưng được gọi tên bằng những ngôn từ khác đi, đó là sự cao thượng, sự che chở, sự tranh đấu, sự dựng xây, là trách nhiệm dòng tộc, trách nhiệm quốc gia xã tắc… Ẩn bên trong những giá trị đạo đức này vẫn là sự đánh đổi, đánh đổi giữa cái ngắn ngủi trong hiện tại để lấy cái bền vững ở tương lai, đánh đổi nhu cầu của một bộ phận để lấy cái ổn định của toàn thể.

Nhưng người nam giới đã được giáo dục nhiều hơn để hiểu ra bản chất và sự cần thiết của những đức tính ấy, nên có thể gọi tên những đức tính ấy bằng những ngôn từ cụ thể và chính xác hơn, thích hợp với từng bổn phận và trách nhiệm với từng đối tượng và sắc thái hơn.

Cao thượng là sự đánh đổi những lợi ích của bản thân để đạt được sự tồn tại cho một giá trị nào đó của cái chung, của tập thể. Che chở là sự hi sinh những nhu cầu của bản thân để thỏa mãn những nhu cầu cấp thiết và quan trọng hơn đối với những người khác. Tranh đấu là hi sinh sự an toàn của bản thân để đổi lấy những nền tảng thuận lợi cho xã hội. Dựng xây là sự đánh đổi những nguồn lực của hiện tại để đạt được những thành tựu lâu dài và bền vững trong tương lai.

Bởi thế, “Đức hi sinh” là đức tính cần thiết ở tất cả mọi người, cần được khơi gợi và bồi đắp ở tất cả mọi người. Và để quá trình này được thuận lợi, thì đã đến lúc để bất cứ ai cũng nên được hiểu, được nhìn nhận về nó một cách rõ ràng hơn, tường tận hơn. Như thế, bản thân mỗi người mới có thể tự mình bồi đắp cho mình và không bị những hiện tượng hay xu hướng nhất thời làm cho nản chí.

Đức hi sinh là một giá trị đạo đức, là sự khôn ngoan của tâm hồn. Và vì thế nó luôn mang lại những điều tốt đẹp cho con người, hay cho mối quan hệ giữa người với người. Đức hi sinh chỉ gây ra đau khổ khi người ta không hiểu đúng về nó, không cảm nhận được nó, hay không sử dụng nó đúng cách.

Từ trước đến giờ, con người chỉ đau khổ vì hi sinh cho những gì không xứng đáng để hi sinh, con người chỉ đau khổ vì hi sinh mà không cảm nhận được tình yêu thương và lẽ công bằng trong sự hi sinh đó. Từ trước đến giờ, con người chỉ đau khổ vì sự ngu dốt của mình mà thôi.

–Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp—

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 12

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button