Giáo Dục

Tả hoạt động đang giảng bài của cô giáo hoặc thầy giáo trong một tiết học (hay nhất)

Trường Tiểu học Thủ Lệ mời các em học sinh lớp 5 cùng tham khảo tài liệu Tả hoạt động đang giảng bài của cô giáo hoặc thầy giáo trong một tiết học dưới đây nhằm giúp các em biết cách viết một bài văn tả về thầy, cô giáo của mình có bố cục ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài đầy đủ. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bạn đang xem: Tả hoạt động đang giảng bài của cô giáo hoặc thầy giáo trong một tiết học (hay nhất)

Đề bài: Em hãy tả về hoạt động đang giảng bài của thầy hoặc cô giáo mà em quý mến dưới dạng một bài văn ngắn.

Gợi ý làm bài:

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. Khi hát những câu hát này em lại nhớ ngay đến cô Nhàn, cô giáo chủ nhiệm lớp 5A10 và cũng là người dìu dắt chúng em trong năm học vừa qua.

Cô giáo lớp em có một dáng người thon gọn, cân đối, mái tóc đen bóng luôn được cô xõa ngang vai khiến cho bạn nữ nào cũng phải trầm trồ khen ngợi. Trên khuôn mặt trái xoan của cô đôi mắt to, đen láy, luôn nhìn chúng em với ánh mắt thương yêu, trìu mến. Mũi cô thanh tú, đôi môi luôn nở những nụ cười thân thiện được cô khéo thoa một chút son hồng thật đẹp. Khi cười, cô để lộ hàm răng trắng, đều tăm tắp. Cô sở hữu một làn da trắng hồng, trang điểm chút phấn. Khi đến lớp, cô luôn mặc bộ áo dài trông rất thướt tha.

Cô Nhàn rất tận tụy dạy chúng em, cô giảng bài rất hay. Ở lớp, những bạn học sinh kém, không hiểu bài, cô đều ân cần giảng dạy, chỉ bảo từng li, từng tí. Hằng ngày, khi trống vào học vừa dứt cũng là lúc cô bước vào lớp. Sau vài phút ổn định và kiểm tra bài cũ, lời giới thiệu bài mới của cô vang lên cuốn hút cả lớp. Cô viết những nét chữ tròn trịa và mềm mại lên bảng. Cả lớp im phăng phắc chỉ còn nghe thấy tiếng ngòi bút sột soạt đưa trên giấy. Cô đọc bài, giọng của cô ngân vang ấm áp, thánh thót. Cô dẫn dắt chúng em tìm hiểu bài qua các câu hỏi, các vấn đề thảo luận. Ánh mắt cô lúc dịu dàng tha thiết, lúc xa xăm vời vợi. Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay với những ngón tay thon nhỏ lên vuốt vuốt mái tóc dài, điềm tĩnh chờ chúng em trình bày câu trả lời. Bỗng “Tùng!Tùng!Tùng!” một hồi trống vang lên báo hiệu giờ học đã kết thúc nhưng cả lớp vẫn còn luyến tiếc vì lời giảng say sưa hút hồn, vì cử chỉ yêu mến và tình cảm cô dành cho học trò.

Dù sau này sẽ không được cô dìu dắt nữa nhưng chúng em sẽ luôn ghi nhớ những kỉ niệm khi ở bên cô. Mỗi khi cô Nhàn giảng bài đều có sức hấp dẫn kì lạ và rất riêng. Cô đã tạo cho chúng em nhiều cơ hội khám phá những điều hay vẻ đẹp muôn màu của kiến thức. Điều đó làm chúng em thích thú và ước ao cô luôn là cô giáo dạy chúng em trong những năm học tới.

2. Bài văn mẫu số 2

Nếu cha mẹ là những người cho em nhìn thấy ánh mặt trời, cho em được khôn lớn thành người thì cô giáo chính là ngọn đuốc sáng đưa em đến bến bờ tri thức. Cô đã dạy em từng nét chữ, từng phép toán, biết yêu thương và chia sẻ với mọi người. Hình ảnh về cô giáo Ngọc Anh đã dạy em từ lớp 1 đến nay luôn khắc sâu trong tâm trí em.

Hàng ngày, sau khi tiếng trống trường rộn rã vang lên, cô giáo bước vào lớp mang theo nụ cười hiền dịu như cơn gió mát lành đưa chúng em vào những giờ học đầy say mê và hứng thú. Cô giáo của em cao cao, dáng người mảnh dẻ và nước da trắng. Cô thường mặc váy đến lớp hàng ngày, những chiếc váy với màu sắc dịu nhẹ càng tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của cô.

Cô Ngọc Anh rất tận tụy dạy chúng em, cô giảng bài rất hay. Ở lớp, những bạn học sinh kém, không hiểu bài, cô đều ân cần giảng dạy, chỉ bảo từng li, từng tí. Em thích nhất là những giờ học Tiếng việt của cô dạy. Ngày hôm nay chúng em được cô giảng bài Tập đọc: Sắc màu em yêu. Cô yêu cầu chúng em nhắm mắt và tưởng ra một màu sắc mà mình yêu thích nhất, màu sắc ấy gắn với những đồ vật, những cảnh vật nào mà chúng em nhìn thấy. Tất cả các bạn trong lớp đều hào hứng tham gia trò chơi của cô. Sau đó, từng nét chữ mềm mại, tròn trịa được cô giáo nhẹ nhàng viết lên bảng. Bàn tay cô lướt nhanh như một người họa sĩ làm ảo thuật trên bức tranh của mình. Vào bài giảng, giọng nói truyền cảm, ấm áp của cô đã dẫn dắt chúng em vào bài học. Khuôn mặt cô luôn tươi cười khi giảng bài. Cô dẫn dắt chúng em tìm hiểu bài qua các câu hỏi, các vấn đề thảo luận. Thỉnh thoảng cô đưa bàn tay với những ngón tay thon nhỏ lên vuốt vuốt mái tóc dài, điềm tĩnh chờ chúng em trình bày câu trả lời. Có những câu hỏi khó chúng em chưa biết trả lời, cô nhẹ nhàng gợi ý để chúng em khám phá kiến thức. Đôi mắt cô nhìn chúng em hiền dịu, luôn thể hiện sự cổ vũ, tin tưởng với học sinh. Chính vì vậy, chúng em dần dần hiểu hơn ý nghĩa của bài học. Vừa say sưa giảng bài, cô vừa viết lên bảng những kiến thức quan trọng cần nhớ, khuôn mặt cô lấm tấm giọt mồ hôi mà cô không để ý. Có những bụi phấn thoáng bay trên bục giảng và vương trên mái tóc của cô. Chúng em cảm nhận được sự vất vả của cô nên đều cố gắng lắng nghe cô giảng và hiểu bài. Ngoài khung cửa sổ lớp học, có những chú chim nhỏ cũng như lặng tiếng hót, nán lại thêm một lát để lắng nghe tiếng cô giảng bài.

Có những lúc các bạn phạm lỗi hay không làm bài tập cô giao về nhà. Cô không bao giờ đánh hay mắng chúng em mà ôn tồn giảng giải và phân tích để chúng em hiểu những lỗi sai của mình. Cô luôn có những cách giảng bài hay hoặc cô tổ chức những trò chơi, hoạt động sôi nổi trong bài học để chúng em tham gia tích cực. Vì vậy, cả lớp ngày càng đoàn kết và thêm gắn bó. Chúng em ngày càng yêu quý cô và cô chính là người mẹ thứ hai đã giúp chúng em khám phá bầu trời tri thức rộng mở của nhân loại.

Dù sau này sẽ không được cô dìu dắt nữa nhưng chúng em sẽ luôn ghi nhớ những kỉ niệm khi được cô giảng bài. Có những lúc chúng em nghịch ngợm hay không nghe lời cô khiến cô phải buồn, thực lòng chúng em muốn nói lời xin lỗi và mong cô tha thứ. Mong rằng cô sẽ luôn khỏe mạnh để có những bài giảng thật hay cho chúng em và những thế hệ học sinh được cô dạy dỗ. Với em, ước mơ sau này lớn lên sẽ được làm cô giáo và ước mơ ấy được ấp ủ, nuôi dưỡng từ những bài giảng của cô hôm nay.

3. Bài văn mẫu số 3

“Tùng… tùng… tùng…!”

Bác trống trường cất vang hồi trống, báo hiệu giờ vào lớp. Chúng em ai nấy chạy vội về chỗ của mình để bắt đầu tiết học. Cô Mai – cô giáo chủ nhiệm lớp bước vào với nụ cười rạng rỡ, trông cô thật đáng mến và gần gũi.

Cả lớp đứng dậy, đứng nghiêm chào cô. Cô mỉm cười và mời chúng em ngồi xuống để bắt đầu bài học. Cô đặt chiếc cặp đen xuống bàn giáo viên rồi nhìn chúng em và đố cả lớp “Nhỏ như hạt thóc/ Trong ngọc trắng ngà/ Khắp muôn vạn nhà? Ai ai cũng có. Các em có biết đó là hạt gì không?”. Cả lớp hô vang: “Thưa cô! Đó là hạt gạo ạ.” Cô gật đầu và nói: “Hoàn toàn chính xác! Hạt thóc vô cùng quen thuộc với tất cả chúng ta. Hằng ngày, các em ăn những miếng cơm ngon dẻo chính từ hạt thóc mà ra. Ngày hôm nay, cô và cả lớp sẽ học một bài thơ. Đó là…?”. Chúng em lại hô vang “Hạt gạo làng ta”.

Cô cầm viên phấn trắng, viết những dòng chữ ngay ngắn trên bảng. Tà áo dài xanh xanh cô đang mặc cứ tung bay trong gió. Cô giới thiệu về nhà thơ Trần Đăng Khoa với nhiều câu chuyện thú vị từ thuở nhỏ của ông. Khóe miệng nhỏ nhắn cứ mấp máy nói. Giọng nói vang vọng, ấm áp lại cất lên với những vần thơ tha thiết “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy…” Cả lớp im ắng lắng nghe cô đọc. Tay cô cầm quyển sách, cô bước xuống giữa lớp. Những bước đi trên đôi guốc uyển chuyển đến lạ. Các bạn lần lượt đọc bài. Cô dẫn dắt chúng em tìm hiểu từng khổ thơ qua những câu hỏi và gợi mở lí thú. Lúc nào, cô cũng giữ nụ cười rạng rỡ trên đôi môi hình trái tim đỏ thắm của mình. Nụ cười ấy làm gương mặt cô trở nên xinh đẹp hơn bao giờ hết. Thi thoảng, cô khẽ đưa bàn tay thon nhỏ lên để vuốt mái tóc dài ngang vai của mình cho được gọn gàng. Bài giảng của cô cứ vang lên, đầy ấm áp. Đôi mắt nâu đen của cô dõi theo từng học sinh như dò xét xem chúng em đã hiểu bài chưa. Cô nói, những hạt gạo mà chúng ta ăn là kết tinh của đất trời, thiên nhiên và bao mồ hôi, công sức của những người nông dân. Ngoài sân, mặt trời đã lên cao, rọi mấy tia nắng qua khe cửa sổ vào lớp. Hàng ấy im ắng như cũng đang lắng nghe cô giáo Mai say sưa giảng bài.

Một lần nữa, bác trống trường lại làm nhiệm vụ của mình, cất vang một hồi tùng tùng. Giờ học kết thúc, cô Mai đứng dậy chào cả lớp rồi cho chúng em ra chơi. Bầu không khí lúc nãy được thay bằng những âm thanh vui nhộn của các bạn học sinh. Đó là giờ học mà em nhớ nhất, cho tới bây giờ, hình ảnh cô Mai cùng những vần thơ ấy vẫn còn hiện hữu trong tâm trí em.

4. Bài văn mẫu số 4

Em đã từng rất ghét và sợ môn văn, em đã từng nghĩ rằng tại sao trên cuộc đời này lại có một môn học nhàm chán như thế, chẳng thú vị như toán, hay vui nhộn như Anh,.. nhưng có lẽ cô Thủy đã khiến em thay đổi suy nghĩ sai lè ấy, cô đã khiến vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của môn văn học chạm đến trái tim sắt đá của con người khô cằn như em. Tiết học văn hô ấy đã khiến em phải xúc động.

Em còn nhớ ý nguyên hôm ấy cô mặc chiếc áo dài màu xanh, dáng cô thanh mảnh, dịu dàng bước trên bục giảng, cô nở nụ cười thật tươi. Hôm ấy cô có giao bài văn Tả mẹ. Giọng cô nhẹ nhàng, du dương như tiếng vĩ cầm, cô bảo chúng em rằng phải quan sát mẹ cho kĩ như thế nào, phải tả như nào cho chân thực, và đặc biệt từng câu chữ phải được xuất phát từ con tim, từ tình yêu thương ngọt ngào mà chính chúng em dành cho mẹ. Thỉnh thoảng cô lại gọi một vài bạn đứng lên kể về kỉ niệm đáng nhớ với mẹ. Rồi giọng cô trầm trầm :

– Hồi cô còn nhỏ, cô đã từng rất lười học văn, hồi ấy cô toàn bị điểm kém thôi, nhưng có một lần cô được giao về nhà đề văn kể về mẹ như hôm nay cô giao cho các em này, và cô đã dành thật nhiều thời gian quan sát mẹ, để dành yêu thương cho mẹ, và cô mới thật sự nhận ra rằng, mẹ đã thực sự vất vả như thế nào để cố gắng kiếm tiền cho đủ học phí đóng học cho đủ tiền ăn. Và từ hôm ấy cô quyết tâm học tập và kết quả dần tiến bộ hơn.

Nghe cô kể, em lại nghĩ đến hình ảnh mẹ đang lau từng giọt mồ hôi đứng cấy lúa giữa cái nắng oi ả của mùa hạ, em thương mẹ, em thương những vất vả nhọc nhằn của mẹ. Và từ tiết học hôm ấy, em quyết tâm học tập nghiên cứu thật kĩ về môn văn, kết quả học tập dần dần tiến bộ hơn. Em cảm ơn cô Thủy và tiết học thần kì hôm đấy, nhờ có cô mà có lẽ em đã thấy được tình yêu mãnh liệt của mình với môn văn đáng yêu ấy.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button