Giáo DụcLớp 11

Phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo

Chí Phèo tên ban đầu là Cái lò gạch cũ in năm 1941 trong tập truyện Đôi lúa xứng đôi, với bút danh Nam Cao do nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành, được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Đề hiểu sâu hơn về tác phẩm này, Trường Tiểu học Thủ Lệ xin giới thiệu đến các em bài văn mẫu Phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo dưới đây. Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài soạn văn Chí Phèo.

Bạn đang xem: Phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo

Contents

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

a. Mở bài:

– Giới thiệu bát cháo hành trong truyện Chí Phèo.

– Ví dụ: Chí phèo là một tác phẩm lột tả rõ ràng và chính xác nhất số phận cùng cực và khổ sở của những người nông dân trong cuộc sống phong kiến. Những người nông dân bị xã hội chà đạp, áp bức và đưa vào những cảnh cùng đường tù tội. Bởi ấy mà con người trở nên tàn ác hơn, nóng nảy hơn và vô cùng xấu xa. Truyện Chí Phèo là tên của nhân vật chính của truyện, nhân vật này đã có những chuyển biến tâm trạng hết sức sâu sắc, một diễn biến tâm trạng thú vị là lúc Chí Phèo gặp Thị Nở và hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở chúng ta cùng đi tìm hiểu về tình hình ảnh này.

b. Thân bài: Phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong truyện Chí Phèo:

– Bi kịch mất nhân tính của Chí Phèo:

+ Chí Phèo bị bỏ rơi bên lò gạch.

+ Từ nhỏ Chí Phèo đã sống và làm việc cho Bá Kiến.

+ Vì ghen mà Bá Kiến hại Chí Phèo đi tù.

+ Khi vào tù Chí Phèo đã bị tha hóa cả về nhân cách và nhân hình.

+ Chí Phèo trở nên nóng nảy, rượu chè và hung hăng.

+ Hắn tự hủy hoại nhân hình của hắn bởi những lần rạch mặt, đập đầu của chính mình.

– Ý nghĩa bát cháo hành:

+ Sự xuất hiện của bát cháo hành:

  • Lần sau khi Chí Phèo tỉnh.
  • Sau lần Chí Phèo gặp Thị Nở ngủ hớ hên dưới trăng.
  • Sau hôm đêm thơ mộng hữu tình Chí Phèo bị trúng gió.

+ Ý nghĩa của bát cháo hành:

  • Là sự chăm sóc tận tâm của Thị Nở.
  • Là lần đầu tiên sau bao năm cướp giật của người khác.
  • Bát cháo không chỉ giúp Chí Phèo giải cảm mà còn giúp Chí Phèo thức tỉnh.

c. Kết bài: Nêu cảm nhận của em về ý nghĩa bát cháo hành.

C. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Em hãy phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Nam cao đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, đó là tác phẩm Chí Phèo. Các nhân vật trong truyện là những con người hiền lành lương thiện nhưng do xã hội xô đẩy khiến họ thành những con người mất hết lương tri. Hình ảnh bát cháo hành trong truyện chính là phần thưởng quý giá mà tác giả ban tặng cho nhân vật, tạo cơ hội cho nhân vật trở về với cuộc sống đời thường.

Hình ảnh Chí Phèo hiện lên trước mắt người đọc trong những trang đầu của tác phẩm là một người ngang ngược, độc ác, xấu xa. Chí cứ sống trong men say và trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến. Rồi một ngày Chí gặp thị nở, bát cháo hành của thị đã thức tỉnh lương tri đã mất từ lâu của Chí. Nếu như trước đây, Chí chỉ biết uống rượu, chửi bới, dọa nạt, cướp giật, nằm vạ… thì giờ đây khi được ăn bát cháo hành của thị Nở, hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ổi sao mà hắn hiền…? Bát cháo có gì đâu, một chút cháo, vài cọng hành và ba hạt muối mà hiệu quả thật không ngờ, bát cháo hành quả là liều thuốc giải độc. Nó vừa giúp Chí Phèo thoát ra khỏi cơn Ốm sau khi say rượu vừa khơi dậy bản chất ý thức con người ở Chí. Phải chăng bát cháo hành đơn sơ chân quê đó đã được nấu bằng tất cả tấm lòng yêu thương chân thật của thị Nở? Đúng vậy, “bát cháo hành” tượng hình cho tình cảm của thị Nở với Chí Phèo, một tình cảm dịu dàng, giản dị nhưng đong đầy ân tình, nhân nghĩa… Đó là thứ tình cảm thiêng liêng giữa con người với con người, thứ tình cảm đó có thể cảm hóa được con người, khiến họ từ bỏ những cái xấu xa để sống đúng với bản chất vốn có của một con người.

Những tưởng cuộc đời hắn sẽ trượt dài trong tội lỗi nhưng rồi ở phần cuối của tác phẩm, Chí Phèo đã có ý thức vươn lên khao khát được làm người lương thiện, đỉnh điểm của khát khao đó là hành động xách dao đến nhà bà cô Thị Nở nhưng lại đi thẳng đến nhà Bá Kiến để đòi lương thiện. Khi nhận ra một sự thật đau khổ đến mức tuyệt vọng là hắn không thể trở lại làm người lương thiện được nữa thì hắn đã giết Bá Kiến – nguyên nhân chính tạo nên mọi bi kịch của cuộc đời Chí và tự kết liễu đời mình để giải thoát khỏi cuộc sống đau khổ hiện tại. Vậy động lực nào đã thúc đẩy Chí hoàn lương? Đó chính là tình thương của Thị Nở và bát cháo hành của Thị.

Bát cháo hành của Thị Nở tuy giản đơn, mộc mạc chỉ có một chút cháo trắng với hành nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự hồi sinh thức tỉnh của Chí. Bát cháo được nấu lên bằng tình yêu thương chân thành, sự cảm thông, thấu hiểu của Thị Nở dành cho Chí, chính vì vậy mà nó có sức lay động mạnh mẽ bản chất lương thiện vốn đã bị vùi sâu trong tâm hồn Chí. Nếu như trước đây, hắn chỉ biết uống rượu, rạch mặt, ăn vạ, rồi gây nên biết bao nhiêu tội ác thì giờ đây sau khi ăn bát cháo hành của Thị Nở hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với Thị như với mẹ. Chưa bao giờ ta thấy hắn hiền như lúc này…Khi nhận được bát cháo hành từ tay Thị, Chí rất ngạc nhiên, hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình ươn ướt. Vậy là Chí đã khóc, một con người đã lấy đi biết bao nhiêu nước mắt của người khác vậy mà giờ đây chính hắn lại khóc. Hắn đã khóc, khóc vì đây là lần thứ nhất hắn được người ta cho, lại được cho bởi tay một người đàn bà. Trước đây, chỉ toàn là đi cướp giật của người khác, hắn thấy “xưa nay có thấy tự nhiên ai cho ai cái gì”. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng, vừa vui vừa buồn và một cái gì nữa giống như là ăn năn, hối lỗi…Và đây cũng là lần đầu tiên Chí biết đến cái duyên của một người, đó là khi Thị Nở múc cháo “nhìn trộm hắn rồi lại cười toe toét. Trông Thị thế mà có duyên”. Nhìn Thị hắn nghĩ lại quá khứ khi mà hắn phải chăm sóc cho bà ba, phải làm những việc xấu xa hắn thấy nhục hơn là thích. Bát cháo hành của Thị Nở có sức mạnh thật kì diệu, nó đã làm cho một người như Chí phải suy nghĩ: “Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây thù?”.

Bát cháo hành – vị thuốc giải độc cuộc đời Chí. Chính bát cháo đã gợi thức phần lương tri ngủ quên trong lốt “con quỷ dữ làng Vũ Đại”. Từ ăn năn, hối hận, Chí bỗng thấy thèm lương thiện, thèm trở về cuộc sống ngày trước. Bát cháo hành dẫn đường cho hi vọng hoàn lương. Khát khao lương thiện bùng dậy khiến Chí dồn hết hi vọng vào Thị Nở. Bát cháo hành đã hoàn thiện thiên chức gọi chất người, đưa Chí qua cuộc lột xác để trở về với lương thiện.

Nhưng bát cháo hành cũng là chi tiết đẩy bi kịch của Chí lên đến đỉnh điểm. Sau năm ngày ở với Chí, Thị Nở bỗng nhớ ra mình còn bà cô và quyết quay về xin ý kiến. Thị bị bà cô xỉa xói vào mặt và khi quay lại nhà Chí Phèo, thị cũng chửi lại bằng tất cả những lời của bà cô và vùng vằng bỏ về. Chí níu kéo nhưng bị Thị xô đẩy, Chí rơi xuống hố sâu của tuyệt vọng. Thị Nở đã phụ bạc hắn, hắn không còn cơ hội để quay về với cuộc sống lương thiện. Tuyệt vọng hắn uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh và thoang thoảng “hơi cháo hành”. Đó là biến thể của bát cháo hành. Hắn không say, vị ngọt của tình người cứ thoang thoảng để hắn đau khổ “khóc rưng rức”. Cuối cùng hắn lựa chọn cầm dao đến nhà Bá Kiến, đâm Bá Kiến và tự sát. Hơi cháo hành không cho phép hắn trở lại con đường cũ, cuộc sống của con quỷ dữ. Hắn trở về lương thiện chỉ có thể bằng tự sát. Bát cháo hành gọi dậy con người trong Chí để nó thức dậy dù đau khổ, bi kịch. Bát cháo hành chính là cánh cửa đưa nó thoát khỏi kiếp đọa đầy.

Bát cháo hành – một chi tiết nghệ thuật mang đầy dụng công của Nam Cao. Nó góp phần thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà văn: Điều mà chúng ta thiếu đó chính là lòng tốt – một lòng tốt rất bình thường cũng có thể cứu rỗi con người. Và kết cục của Chí Phèo thể hiện một niềm tin của nhà văn: dẫu có bị bầm dập về nhân hình lẫn nhân tính, lương thiện trong con người đặc biệt là những người nông dân cũng không mất đi, nó chỉ cần đợi có cơ hội là sẽ bùng lên mạnh mẽ.

Qua chi tiết nó cũng cho ta thấy một hiện thực mà nhà văn đau đáu: đó là những định kiến làng xã nông thôn đã tước đi quyền được sống của con người… Qua đó nhà văn cũng gióng lên một hồi chuông khẩn thiết đòi thay máu cho xã hội để ít nhất con người được sống lương thiện.

Đọc Chí Phèo chắc chắn ta không thể quên chi tiết bát cháo hành, chi tiết rất hay và xuất sắc, bộc lộ được một ngòi bút nhân đạo từ trong cốt tủy của Nam Cao. Người ta vẫn thấy Nam Cao lạnh lùng và tàn nhẫn với nhân vật của mình lắm, nhưng thực ra là không, Nam Cao không yêu nhân vật, không cảm thông cho Chí, sao có thể để Chí thức tỉnh được như vậy. Mỗi chi tiết đắt giá được xem như một chữ trong thơ tứ tuyệt, và chi tiết bát cháo hành xứng đáng với điều đó.

2. Bài văn mẫu số 2

Đề tài người nông dân từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong nền văn học Việt Nam, là mảnh đất màu mỡ để các nhà thơ, nhà văn đi sâu vào khai thác. Nam Cao là người tiếp cận sau với đề tài, nhưng với ông ” Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”, bằng tất cả tâm huyết và tình cảm của mình đối với những con người nghèo khổ Nam Cao đã tìm được cho mình một chỗ đứng riêng. Tác phẩm Chí Phèo là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao đặc biệt là chi tiết bát cháo hành trong truyện đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng về tình cảm con người.

Nam Cao là một người có đời sống nội tâm vô cùng phong phú. Đằng sau cái bề ngoài vụng về, hiền lành, ít nói là một tâm hồn nóng bỏng, luôn diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu. Ông là người có tấm lòng nhân hậu, có tấm lòng thương yêu đối với những con người nghèo khổ bị áp bức. Mỗi tác phẩm của ông là sự đồng cảm sâu sắc, là sự chia sẻ đầy ân tình đối với những số phận bất hạnh và là sự khẳng định bản chất tốt đẹp bất diệt của người lao động. Tác phẩm của Nam Cao xoay quanh hai mảng đề tài chính là người trí thức nghèo và người nông dân nghèo. Với cả hai đề tài, nhà văn đều chú ý đến việc thể hiện tấn bi kịch tinh thần của con người, đó là tấn bi kịch bị tha hoá. Nhân vật của Nam Cao dù là ai cũng đều rơi vào tình trạng bị tha hoá, tất cả vì miếng cơm manh áo, vì bị áp bức, dồn ép đến đường cùng. Nam Cao là nhà văn có tâm huyết và tài năng. Ông đã đưa văn học hiện thực phê phán Việt Nam đến trình độ phát triển mới, góp phần hoàn thiện thể truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam trên con đường hiện đại hoá. Tác phẩm Chí Phèo là một thành công của Nam Cao viết về đề tài người nông dân. Nhân vật Chí Phèo thể hiện tấn bi kịch tinh thần lớn nhất của con người, đó là bi kịch bị tha hoá.

Hình ảnh “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo trong truyện gắn liền với mối tình “đôi lứa xứng đôi” Chí Phèo – thị Nở. Trước khi gặp thị, Chí đã từng là một người nông dân lương thiện, hiền lành như cục đất. Con người ấy dù có tuổi thơ bất hạnh, bị chuyên tay như một món hàng nhưng vẫn giữ trọn những vẻ đẹp tâm hồn cao quý, thiêng liêng của một đời lương thiện, biết phải trái, đúng sai, biết tự trọng. Nhưng bàn tay của bọn cường hào phong kiến (mà đại diện là Bá Kiến) và cái nhà tù thực dân không cho con người hiền ấy sống đời lương thiện. Chúng hùa với nhau, tước đi của Chí cả nhân hình, nhân tính của người nông dân lương thiện, để biến anh Chí thành thằng Chí Phèo, biến anh canh điền hiền lành, chăm chỉ thành kẻ lưu manh có mỗi một nghề là rạch mặt ăn vạ. Sau 7, 8 năm đi khỏi làng Vũ Đại, Chí Phèo hồi hương trong tình cảnh vô sản “trần như nhộng”. Sự hiện hữu của Chí Phèo ở làng Vũ Đại là một con số “không” tròn trĩnh, không nhà không cửa, không bạn bè người thân, không một tấc đất cắm dùi, không được thừa nhận là một con người. Đó là cái bi kịch đau đớn của con người cô đơn đi giữa đồng loại. Chí chửi mong nhận được sự hồi đáp – dù là sự hồi đáp thấp hèn nhất nhưng cũng không có. Chẳng ai cho Chí chút quan tâm, không ai coi hắn là người. Hắn chửi vào khoảng không bao la của sự vô tình, lạnh lẽo. Hắn chửi thì tai gần miệng đấy, hắn lại nghe. Chỉ còn một thằng say rượu cùng ba con chó dữ. Còn gì thê thảm hơn thân phận của con người ấy – thân phận của con người – vật.

Hương cháo là hương cuộc đời, hương tình yêu mà từ trước đến nay chưa ai cho Chí cả…Bát cháo hành giản dị nhưng bao nhân tính chứa ẩn, nó giữ chân Chí Phèo đứng lại ở bờ của phần người…Từ một con quỷ, nhờ Thị Nở, Chí thực sự được trở lại làm người, với tất cả những năng lực vốn có. Một chút tình thương, dù là tình thương của một con người dở hơi, thô kệch, xấu xí cũng đủ làm sống dậy cả một bản tính nơi Chí. Thế mới biết sức cảm hóa của tình thương kì diệu biết nhường nào! Bát cháo hành đã hoàn thiện thiên chức gọi chất người, đưa Chí qua cuộc lột xác để trở về với lương thiện.

Ông trời nhiều khi run rủi, thương người nhưng thực sự ở trường hợp Chí Phèo – thị Nở này ta có thể nói ông thương hay ông ác, gây nghịch cảnh trớ trêu? Trách trời chi cho xa, trách nhà văn Nam Cao sao không tác thành cho mối tình “đôi lứa xứng đôi” ấy? Song làm sao mà tác thành được, ai cho phép họ đến với nhau. Cả một xã hội với bao định kiến không cho họ đến với nhau, không cho họ hạnh phúc trọn vẹn. Xét đến cùng ta mới thấy Nam Cao thương người, nếu không có ngòi bút của ông thì những kẻ tha hóa như Chí Phèo, những người đàn bà cùng khốn như Thị Nở chẳng bao giờ được biết đến chút ít hạnh phúc của tình ái. Họ đã gặp nhau trong một đêm gió mát, rười rượi ánh trăng ở vườn chuối cạnh bờ sông mà những tàu chuối bị gió bay lại giãy lên đành đạch như là hứng tình. Khung cảnh lãng mạn đang tác thành cho họ. Chí Phèo uống rượu ở nhà Tự Lãng đã say từ nửa đường; thị Nở đi kín nước cũng hớ hênh tựa vào gốc chuối ngủ trong cái gió mát như quạt hầu. Hai con người dị dạng, hai số phận trớ trêu đã trải qua một đêm tình lãng mạn đúng kiểu “Chí Phèo – thị Nở”. Nhưng Nam Cao dựng lên mối tình “người – ngợm” này không phải để câu khách rẻ tiền mà làm tỏa sáng tình người, tình yêu thương và sự săn sóc ấm áp của một người đàn bà xấu xí ngoại hình nhưng lại có một tấm lòng vàng.

Đồng thời, bát cháo ấy đã lấy lại sức khỏe cho hắn bởi vì hắn càng ăn mồ hôi lại càng ra nhiều. Và tất nhiên, điều này rất tốt đối với một người bị cảm gió như hắn. Tuy chỉ là bát cháo hành bình thường thôi nhưng nó đã giúp Chí khỏi bệnh, hắn thấy bát cháo mới thơm ngon làm sao, những người suốt đời không ăn cháo hành sẽ không biết rằng cháo hành ăn rất ngon…nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo, tự hỏi để rồi tự mình trả lời. Đó chính là bởi vì đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi tay một người đàn bà. Sự gặp gỡ với Thị Nở như là một điều kì diệu đối với Chí, hình ảnh của Thị giống như một vị cứu tinh trong cuộc đời u ám, say triền miên với những chuỗi dài bi kịch của Chí Phèo. Điều đặc biệt hơn, đây là tình cảm đáng trân trọng giữa những con người có cảnh ngộ khốn cùng.

Tình yêu thương, sự đồng cảm của Thị Nở cùng bát cháo hành như một liều thuốc đã kéo Chí ra khỏi hàng loạt những bi kịch của cuộc đời, giúp Chí tìm lại được chính bản chất lương thiện của mình vốn từ lâu đã bị vùi lấp trong sâu thẳm tâm hồn Chí, nay bỗng được tái hiện như một tia sáng trong cuộc đời tăm tối của Chí Phèo.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 11

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button