Top 6 Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm học 2021-2022 hay nhất
Top 6 Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm học 2021-2022 hay nhất, bao gồm 6 đề thi, có kèm theo cả đáp án để học sinh ôn tập, rèn luyện kiến thức nhằm đạt kết quả tốt nhất cho kì thi cuối kì II. Mời các em tham khảo.
Bạn đang xem: Top 6 Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm học 2021-2022 hay nhất
Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 được biên soạn theo sát với nội dung chương trình trong sách giáo khoa, giúp các em ôn tập, luyện giải đề để chuẩn bị thật tốt cho kì thi học kì 2 đạt kết quả cao nhất.
Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 được biên soạn phù hợp với năng lực của học sinh lớp 4 giúp các em luyện giải đề thật nhuần nhuyễn, để chuẩn bị thật tốt kiến thức và kĩ năng cho kỳ thi cuối năm học 2021 – 2022 đạt kết quả cao nhất. Dưới đây là 6 Đề thi học kì II môn Tiếng Việt lớp 4 có kèm đáp án và ma trận để các em học sinh và giáo viên tham khảo, sau đây là nội dung chi tiết.
Contents
1. Ma trận đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4
Mẫu số 1:
STT | Chủ đề | Mức 1 | Mức 2 | Mức 3 | Mức 4 | Tổng số | |||||
TN | TL | TN | TL | TN | TL | TN | TL | ||||
1 | * Đọc hiểu văn bản – Biết nêu nhận xét đơn giản một số hình ảnh, nhân vật và chi tiết trong bài Câu chuyện về chị Võ Thị Sáu. – Nêu được cảm nhận và bày tỏ tình cảm qua bài đọc. | Số câu | 2 | 2 | 1 | 1 | 6 | ||||
Câu số | 1,2 | 3,4 | 5 | 6 | |||||||
Số điểm | 1đ | 1đ | 1đ | 1đ | 4đ | ||||||
2 | *Kiến thức tiếng Việt – Xác định được câu kể Ai là gì?, Ai làm gì? – Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong câu. – Hiểu và định nghĩa được từ “lạc quan” – Vận dụng kiến thức đã học viết đoạn văn có sử dụng câu kể Ai làm gì?. | Số câu | 1 | 1 | 1 | 1 | 4 | ||||
Câu số | 7 | 8 | 9 | 10 | |||||||
Số điểm | 0,5đ | 0,5đ | 1đ | 1 | 3đ | ||||||
Tổng số câu | 3 | 3 | 2 | 2 | 10 | ||||||
Tổng số điểm | 1,5đ | 1,5đ | 2đ | 2đ | 7đ |
Mẫu số 2:
Mạch kiến thức, kĩ năng | Số câu và số điểm | Mức 1 | Mức 2 | Mức 3 | Mức 4 | Tổng | |||||||||||
TNKQ | TL | HT khác | TNKQ | TL | HT khác | TNKQ | TL | HT khác | TNKQ | TL | HT khác | TNKQ | TL | HT khác | |||
Đọc hiểu văn bản: Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất. Biết được: thời gian, mục đích, hành trình, kết quả của đoàn thám hiểm. | Số câu | 2 | 1 | 1 | 1 | 1 | 4 | 2 | |||||||||
Câu số | 1,3 | 2 | 4 | 5 | 6 | ||||||||||||
Số điểm | 1.0 | 0,5 | 0.5 | 0,5 | 1,0 | 2,0 | 1.5 | ||||||||||
Kiến thức tiếng việt: – Câu cảm – Câu khiến – Trạng ngữ | Số câu | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 3 | ||||||||||
Câu số | 7 | 8 | 9 | 10 | |||||||||||||
Số điểm | 1,0 | 0,5 | 1,0 | 1,0 | 0,5 | 3,0 | |||||||||||
Tổng | Số câu | 1 | 1 | 2 | 1 | 1 | 2 | 1 | 6 | 4 | |||||||
Số điểm | 1.0 | 1.0 | 1,0 | 0,5 | 0,5 | 2,0 | 1,0 | 2.5 | 4.5 |
2. Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm học 2021-2022
Trường Tiểu học ………….. | KIỂM TRA ĐỊNH KÌ CUỐI HỌC KÌ II |
A. KIỂM TRA ĐỌC (10 điểm)
1. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
2. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức Tiếng Việt: (7 điểm – 35 phút)
Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:
CÂU CHUYỆN VỀ CHỊ VÕ THỊ SÁU
Vào năm mười hai tuổi, Sáu đã theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng. Mỗi lần được các anh giao nhiệm vụ gì Sáu đều hoàn thành tốt. Một hôm, Sáu mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng, một tên Việt gian bán nước ngay tại xã nhà. Lần đó, Sáu bị giặc bắt. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, giặc Pháp đưa chị ra ở Côn Đảo.
Trong ngục giam, chị vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của đất nước. Bọn giặc Pháp đã lén lút đem chị đi thủ tiêu, vì sợ các chiến sĩ cách mạng trong tù sẽ nổi giận phản đối. Trên đường ra pháp trường, chị đã ngắt một bông hoa còn ướt đẫm sương đêm cài lên tóc. Bọn chúng kinh ngạc vì thấy một người trước lúc hi sinh lại bình tĩnh đến thế. Tới bãi đất, chị gỡ bông hoa từ mái tóc mình tặng cho người lính Âu Phi. Chị đi tới cột trói: mỉm cười, chị nhìn trời xanh bao la và chị cất cao giọng hát.
Lúc một tên lính bảo chị quỳ xuống, chị đã quát vào mặt lũ đao phủ “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”.
Một tiếng hô: “Bắn”.
Một tràng súng nổ, chị Sáu ngã xuống. Máu chị thấm ướt bãi cát.
Trích trong quyển Cẩm nang đội viên
Khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng và viết câu trả lời của em:
Câu 1: (M1- 0,5 điểm) Chị Sáu tham gia hoạt động cách mạng khi chị bao nhiêu tuổi?
A. Mười một tuổi.
B. Mười hai tuổi.
C. Mười ba tuổi.
D. Mười bốn tuổi.
Câu 2: (M1- 0,5 điểm) Chị Sáu bị giặc Pháp bắt giữ, tra tấn, giam cầm ở Côn Đảo trong hoàn cảnh nào?
A. Chị luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
B. Chị đã tham gia hoạt động cách mạng cùng anh trai.
C. Chị mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng, một tên Việt gian bán nước.
D. Chị tin tưởng vào ngày chiến thắng của đất nước.
Câu 3: (M2-0,5 điểm) Khi bị giam trong ngục, thái độ của chị Sáu như thế nào?
A. Lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào ngày chiến thắng của đất nước.
B. Không sợ chết, quát vào mặt bọn giặc Pháp.
C. Vui vẻ ngắt một bông hoa ướt đẫm sương đêm cài lên tóc.
D. Nhìn trời bao la và cất cao giọng hát.
Câu 4: (M2-0,5 điểm) Vì sao bọn giặc Pháp phải lén lút đem chị đi thủ tiêu?
A. Vì sợ bị phục kích.
B. Vì sợ người dân phản đối.
C. Vì sợ các chiến sĩ cách mạng trong tù sẽ nổi giận phản đối.
D. Vì sợ chị Sáu thoát thân.
Câu 5: (M3-1 điểm) Nêu cảm nhận của em khi đọc bài “Câu chuyện về chị Võ Thị Sáu”
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
Câu 6: (M4-1 điểm) Là một học sinh, em sẽ làm gì để đền đáp công lao của những người có công với cách mạng như chị Võ Thị Sáu?
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
Câu 7: (M1- 0,5 điểm) Nối câu ở cột B phù hợp với kiểu câu ở cột A:
Câu 8: (M2- 0,5 điểm) Hãy cho biết nghĩa của từ “lạc quan” là gì?
A. Luôn sống vui vẻ, thoải mái.
B. Luôn buồn bã, lo âu.
C. Không biết buồn phiền.
D. Cách nhìn, thái độ tin tưởng ở tương lai tốt đẹp.
Câu 9 (M3-1 điểm) Xác định trạng ngữ, chủ ngữ và vị ngữ trong câu sau:
Trong ngục giam, chị vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của đất nước.
– Trạng ngữ:…………………………………………………………………………
– Chủ ngữ:…………………………………………………………………………..
– Vị ngữ:…………………………………………………………………………….
Câu 10: (M4 -1 điểm) Viết một đoạn văn ngắn (3-5 câu) nói về người yêu nước, dũng cảm mà em biết. Trong đoạn văn có sử dụng câu kể Ai là gì?
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
………………………………………………………………………………………………………………
B. KIỂM TRA VIẾT
I. Chính tả Nghe – viết (2 điểm – 15 phút)
Bài “Con chuồn chuồn nước” (sách TV4 – tập 2/127), đoạn từ “Ôi chao … lướt nhanh trên mặt hồ.”.
II. Tập làm văn: (8 điểm – 35 phút)
Đề bài: Em hãy tả một con vật nuôi ở nhà (hoặc ở nhà bạn em) mà em thích.
2.1. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm học 2021-2022
I. KIỂM TRA ĐỌC: 10 điểm
1. Đọc thành tiếng: (3 điểm)
- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm
- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm
- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm
2. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt: (7 điểm) Đọc thầm bài: “Câu chuyện về chị Võ Thị Sáu” trả lời các câu hỏi và làm các BT sau:
Câu 1 | Câu 2 | Câu 3 | Câu 4 | Câu 8 | |
Đáp án | B | C | A | C | D |
Số điểm | 0,5đ | 0,5đ | 0,5đ | 0,5đ | 0,5đ |
Câu 5: (1 điểm) Gợi ý: Chị Sáu là người con gái kiên cường, là tấm gương lạc quan yêu đời, luôn tin tưởng vào thắng lợi cách mạng.
Câu 6: (1 điểm) Gợi ý: Để đền đáp công lao ấy em luôn ra sức học tập, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi. Tích cực thăm viếng, dọn vệ sinh tượng đài liệt sĩ của xã nhà.
Câu 7: (0,5 điểm) 1-c ; 2-b (Nối đúng 1 câu được 0,25 điểm)
Câu 9: (1 điểm) – Trạng ngữ: Trong ngục giam – Chủ ngữ: chị
– Vị ngữ: vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của đất nước.
Câu 10 (1 điểm) VD: Anh Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền. Anh là người thông minh, dũng cảm, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là tấm gương sáng để chúng em noi theo.
I. KIỂM TRA VIẾT: 10 điểm
1. Chính tả: (2 điểm)
- Tốc độ viết đạt yêu cầu, chữ viết rõ ràng, đúng kiểu chữ, cỡ chữ, trình bày đúng quy định, sạch đẹp: 1điểm
- Viết đúng chính tả, không mắc quá 5 lỗi: 1 điểm
2. Tập làm văn: (8 điểm)
TT | Điểm thành phần | Mức điểm | ||||
1,5 | 1 | 0,5 | 0 | |||
1 | Mở bài (1 điểm) | |||||
2 | Thân bài (4 điểm) | Nội dung (1,5 điểm) | ||||
Kĩ năng (1,5 điểm) | ||||||
Cảm xúc (1 điểm) | ||||||
3 | Kết bài (1 điểm) | |||||
4 | Chữ viết, chính tả (0,5 điểm) | |||||
5 | Dùng từ, đặt câu (0,5 điểm) | |||||
6 | Sáng tạo (1 điểm) |
3. Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 1
A. Kiểm tra kĩ năng đọc hiểu và kiến thức Tiếng Việt: 7 điểm
* Đọc thầm bài: “NHỮNG ĐIỀU VÔ GIÁ” và trả lời các câu hỏi sau.
NHỮNG ĐIỀU VÔ GIÁ
Người mẹ đang bận rộn nấu bữa tối trong bếp, bất ngờ cậu con trai bé bỏng chạy ùa vào và đưa cho mẹ một mẩu giấy nhỏ. Sau khi lau tay vào chiếc tạp dề, người mẹ mở tờ giấy ra và đọc:
Cắt cỏ trong vườn | 5 đô la |
Dọn dẹp phòng của con | 1 đô la |
Đi chợ cùng với mẹ | 50 xu |
Trông em giúp mẹ | 25 xu |
Đổ rác | 1 đô la |
Kết quả học tập tốt | 5 đô la |
Quét dọn sân | 2 đô la |
Mẹ nợ con tổng cộng | 14,75 đô la |
Sau khi đọc xong, người mẹ nhìn cậu con trai đang đứng chờ với vẻ mặt đầy hi vọng. Bà cầm bút lên, lật mặt sau của tờ giấy và viết:
– Chín tháng mười ngày con nằm trong bụng mẹ: Miễn phí.
– Những lúc mẹ bên cạnh chăm sóc, cầu nguyện mỗi khi con ốm đau: Miễn phí.
– Những giọt nước mắt của con làm mẹ khóc trong những năm qua: Miễn phí.
– Những đêm mẹ không ngủ vì lo lắng cho tương lai của con: Miễn phí.
– Tất cả những đồ chơi, thức ăn, quần áo mà mẹ đã nuôi con trong suốt mấy năm qua: Miễn phí.
– Và đắt hơn cả chính là tình yêu của mẹ dành cho con: Cũng miễn phí luôn con trai ạ.
Khi đọc những dòng chữ của mẹ, cậu bé vô cùng xúc động, nước mắt lưng tròng. Cậu nhìn mẹ và nói: “Con yêu mẹ nhiều lắm!”. Sau đó, cậu đặt bút viết thêm vào tờ giấy dòng chữ thật lớn: “MẸ SẼ ĐƯỢC NHẬN LẠI TRỌN VẸN. ”
Khoanh vào chữ cái có câu trả lời đúng:
Câu 1: Theo lời cậu bé trong câu chuyện, mẹ đã nợ cậu tổng cộng là bao nhiêu đô la?(0,5 điểm)
A. 14,57 đô la.
B. 14,75 đô la.
C. 41,75 đô la.
D. 41,57 đô la.
Câu 2: Dòng nào nêu đúng và đầy đủ những việc tốt cậu bé trong câu chuyện đã làm được và ghi lại để tính công? (0,5 điểm)
A. Nấu cơm chiều, quét dọn sân, đi chợ cùng mẹ, quét nhà lau nhà.
B. Đổ rác, rửa bát, kết quả học tập tốt, trồng cây trong vườn.
C. Cắt cỏ trong vườn, dọn dẹp phòng của mình, đi chợ cùng mẹ, trông em, đổ rác, kết quả học tập tốt, quét dọn sân.
D. Kết quả học tập tốt, dọn dẹp phòng của mình, đi chợ cùng mẹ, nấu cơm chiều, cắt cỏ trong vườn.
Câu 3: (0,5 điểm) Em hãy nêu một trong số những việc mà người mẹ đã làm cho con được kể ra trong bài?
Câu 4. (0,5 điểm) Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng: Những điều vô giá có nghĩa là gì?
A. Những điều không có giá trị.
B. Những điều rất quý, có giá trị, có ý nghĩa to lớn, không gì sánh được.
C. Những điều chưa xác định được giá trị.
D. Những điều hết sức đơn giản.
Câu 5: (1 điểm)Theo em, câu chuyện trên có ý nghĩa gì?
Câu 6: (0,5 điểm) Dòng nào dưới đây là những đồ dùng cần thiết cho cuộc thám hiểm:
A. Quần áo bơi, la bàn, lều trại, điện thoại, dụng cụ thể thao.
B. Va li, cần câu, bật lửa, vũ khí, đồ ăn.
C. Dụng cụ thể thao, la bàn, lều trại, thiết bị an toàn
D. Quần áo, đồ ăn, nước uống, vũ khí, đèn pin, la bàn, lều trại.
Câu 7: (0,5 điểm) Tìm chủ ngữ trong câu sau: “Ngày mai, tôi và các đồng chí lại lên đường hành quân ra Bắc” .
A. Ngày mai.
B. Tôi.
C. Tôi và các đồng chí.
D. Lại lên đường hành quân ra Bắc.
Câu 8: (1 điểm) Tìm và gạch chân trạng ngữ chỉ thời gian trong các câu sau:
A. Với đôi chân mạnh mẽ, tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào tôi muốn.
B. Sáng sáng, hoa tóc tiên nở rộ như đua nhau khoe màu, biến đường viền xanh thành đường viền hồng cánh sen.
C. Sau khi đọc xong, người mẹ nhìn cậu con trai đang đứng chờ.
D. Ở nhà, em thường giúp mẹ quét nhà.
Câu 9: (1 điểm) Nối ý bên trái với ý bên phải sao cho phù hợp.
1. Căn nhà trống vắng. a. Câu kể “Ai làm gì?”.
2. Ngày nhỏ, tôi là một búp non. b. Câu kể “Ai thế nào?”.
3. Bạn đừng giấu! c. Câu kể “Ai là gì?”.
4. Các thanh niên lên rừng làm rẫy. d. Câu cầu khiến.
Câu 10: (1 điểm) Đặt câu cảm bày tỏ sự thán phục cho tình huống sau: Cô giáo ra một bài toán khó, cả lớp chỉ bạn Hùng làm được.
B. PHẦN VIẾT
I. CHÍNH TẢ: (Nghe – viết) (2 điểm)
LÁ BÀNG
Có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân, lá bàng mới nảy trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng ấy, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Bạn có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất sơn mài.
Đoàn Giỏi
II. TẬP LÀM VĂN: (8 điểm)
Thời gian: 35 phút
Học sinh chọn một trong hai đề sau:
Đề 1: Em hãy tả một loài cây mà em yêu thích. (Có thể là cây bóng mát, cây cảnh, hoặc cây ăn quả).
Đề 2: Em hãy tả một con vật mà em yêu thích.
3.1. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 1
A. Phần đọc
1. Đọc thầm và trả lời câu hỏi
Câu 1: B
Câu 2: C
Câu 3: HS nêu được một trong các công việc sau:
– Chín tháng mười ngày nằm trong bụng mẹ, chăm sóc cầu nguyện mỗi khi con ốm đau.
– Không ngủ vì lo lắng cho tương lai của con
– Tất cả những đồ chơi, thức ăn, quần áo mà mẹ đã nuôi con trong suốt mấy năm qua.
– Tình yêu mẹ dành cho con.
Câu 4: B
Câu 5: HS nêu được một trong các ý sau: chẳng hạn
– Câu chuyện nói lên tình yêu thương của mẹ đối với con là vô điều kiện.
– Câu chuyện mang đến môt bài học về “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
– Câu chuyện nói lên được tính cảm mẹ con là tình cảm thiêng liêng, cao quý. Biết đón nhận tình yêu thương, sự quan tâm của mẹ thì phải biết ơn và mang đến cho mẹ niềm vui, niềm hạnh phúc.
Câu 6: D
Câu 7: C
Câu 8: Trạng ngữ ở các câu lần lượt là:
B – sáng sáng
C – Sau khi đọc xong
D. Ở nhà,
Câu 9:
1 – b
2 – c
3 – d
4 – a
Câu 10: Chẳng hạn:
– Ôi! Hùng giỏi quá!
– Cậu thật là tuyệt!
– Bạn siêu quá!
2. Đọc thành tiếng (3 điểm):
Bài 1. Con chuồn chuồn nước (TV 4 tập 2 trang 127)
Bài 2. Đường đi Sa Pa (TV 4 tập 2 trang 102)
Bài 3. Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất (TV 4 tập 2 trang 114)
Bài 4 . Ăng – co – Vát (TV 4 tập 2 trang 123)
Bài 5. Vương quốc vắng nụ cười (TV 4 tập 2 trang 133)
Học sinh bốc thăm và đọc 1 trong các bài tập đọc sau:
Bài 1. Con chuồn chuồn nước (TV 4 tập 2 trang 127)
1. Chú chuồn chuồn nước được miêu tả bằng những hình ảnh so sánh nào?
(Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng, cái đầu tròn và hai con mặt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon dài như màu vàng của nắng mùa thu. Bốn cánh khẻ rung rung như đang còn phân vân)
2. Cách miêu tả chú chuồn bay có gì hay?
(Tả rất đúng cách bay vọt lên của chuồn chuồn, tả theo cánh bay của chú chuồn chuồn nhờ thế tác giả kết hợp tả được một cách tự nhiên phong cảnh làng quê. )
Bài 2. Đường đi Sa Pa (TV 4 tập 2 trang 102)
1. Vì sao tác giả gọi Sa Pa là món quà tặng kì diệu của thiên nhiên?
(Vì phong cảnh ở Sa Pa rất đẹp. Vì sự đổi mùa một ngày ở Sa Pa lạ lùng, hiếm có).
2. Nêu nội dung từng đoạn của bài tập đọc
Đoạn 1 : Phong cảnh đường lên Sa Pa
Đoạn 2 : Phong cảnh một thị trấn trên đường lên Sa Pa
Đoạn 3 : Cảnh đẹp Sa Pa
Bài 3. Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất (TV 4 tập 2 trang 114)
1. Ma- gien – Lăng thực hiện cuộc thám hiểm với mục đích gì?
(Khám phá những con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.)
2/ Đoàn thám hiểm đã gặp những khó khăn gì dọc đường?
(Cạn thức ăn, hết nước ngọt, thủy thủ phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn. Mỗi ngày có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. Phải giao tranh với thổ dân.)
Bài 4. Ăng – co – Vát (TV 4 tập 2 trang 123)
1. Ăng co Vát được xây dựng ở đâu và từ bao giờ?
(Được xây dựng ở Căm – pu – chia từ đầu thế kỉ 12)
2. Khu đền chính đồ sộ như thế nào?
(Khu đề chính gồm ba tầng với những ngọn tháp lớn, ba tầng hành lang dài gần 1500m. Có 398 gian phòng. )
Bài 5. Vương quốc vắng nụ cười (tiết 1) (TV 4 tập 2 trang 133)
1. Tìm những chi tiết cho thấy cuộc sống ở vương quốc nọ rất buồn?
(Buổi sáng , mặt trời không muốn dậy…. . trên những mái nhà. )
2. Nhà vua làm gì để thay đổi tình hình?
(Nhà vua đã cử một viên đại thần đi du học chuyên về môn cười. )
B. Phần viết
I. Chính tả: (2 điểm)
– Bài viết đúng chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ: 2 điểm.
– Sai, lẫn phụ âm đầu, vần, viết hoa không đúng quy định: hai lỗi trừ 0. 25 điểm.
II. Tập làm văn: 8 điểm
Hướng dẫn chấm chi tiết: (8 điểm)
– Nội dung: HS viết được đoạn văn gồm các ý theo đúng yêu cầu nêu trong đề bài: điểm
– Kỹ năng: 4 điểm
+ Kỹ năng viết đúng chính tả: 1 điểm
+ Kỹ năng dùng từ, đặt câu: 1 điểm
+ Kỹ năng sáng tạo: 2 điểm
4. Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 2
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:
CÔ GIÁO VÀ HAI EM NHỎ
Nết sinh ra đã bất hạnh với bàn chân trái thiếu ba ngón. Càng lớn, đôi chân Nết lại càng teo đi và rồi Nết phải bò khi muốn di chuyển.
Khi em Na vào lớp Một, ở nhà một mình Nết buồn lắm, chỉ mong Na chóng tan trường về kể chuyện ở trường cho Nết nghe. Na kể rất nhiều về cô giáo: tà áo dài của cô trắng muốt, miệng cô cười tươi như hoa, cô đi nhẹ nhàng đến bên từng học sinh dạy các bạn viết, vẽ…Nghe Na kể, Nết ước mơ được đi học như Na.
Trong một tiết học vẽ, cô giáo cầm vở vẽ của Na. Na vẽ một cô gái đang cầm đôi đũa nhỏ đứng bên một cô gái. Na giải thich: “ Em vẽ một cô tiên đang gõ đôi đũa thần chữa đôi chân cho chị em, để chị em cũng được đi học”. Cô giáo ngạc nhiên khi biết chị gái Na bị tật nguyền. Tối hôm ấy, cô đến thăm Nết. Biết Nết ham học, mỗi tuần ba buổi tối, cô dạy Nết học.
Còn một tháng nữa là kết thúc năm học. Mấy hôm nay, cô giáo thường kể cho 35 học trò của mình về một bạn nhỏ. Đôi chân bạn ấy không may bị tê liệt nên bạn phải ngồi xe lăn nhưng bạn vẫn quyết tâm học. Có lúc đau tê cứng cả lưng nhưng bạn vẫn cố viết và viết rất đẹp. Năm học sau, bạn ấy sẽ vào học cùng các em. Nghe cô kể, mắt Na sáng lên, Na vui và tự hào về chị mình lắm.
Bố mẹ Nết rơm rớm nước mắt khi biết nhà trường sẽ đặc cách cho Nết vào học lớp Hai. Còn Nết, cô bé đang hình dung cách cô giáo cùng các bạn nhỏ xúm xít đầy chiếc xe lăn.
(Theo Tâm huyết nhà giáo)
* Khoanh tròn vào chữ cái đặt trước ý trả lời đúng:
Câu 1: Nết là một cô bé: (0,5 điểm)
a. Thích chơi hơn thích học.
b. Có hoàn cảnh bất hạnh.
c. Yêu mến cô giáo.
d. Thương chị.
Câu 2: Hoàn cảnh của bạn Nết có gì đặc biệt? (0,5 điểm)
a. Bị tật bẩm sinh và càng lớn đôi chân càng teo đi .
b. Gia đình Nết khó khăn không cho bạn đến trường.
c. Nết mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
d. Nết học yếu nên không thích đến trường.
Câu 3: Vì sao cô giáo lại biết được hoàn cảnh của Nết mà giúp đỡ bạn? (0,5 điểm)
a. Vì cô gặp Nết đang ngồi xe lăn trên đường đi dạy về .
b. Vì Na đã kể cho cô nghe về hoàn cảnh của chị mình.
c. Vì ba mẹ đến trường kể cho cô nghe và xin cho Nết đi học.
d. Vì cô đọc được hoàn cảnh của nết trên báo.
Câu 4: Cô giáo đã làm gì để giúp Nết? (0,5 điểm)
a. Mua cho bạn một chiếc xe lăn.
b. Cho Nết sách vở để đến lớp cùng bạn.
c. Đến nhà dạy học, kể cho học trò nghe về Nết, xin cho Nết vào học lớp Hai
d. Nhờ học sinh trong lớp kèm cặp cho Nết việc học ở nhà cũng như ở trường.
Câu 5: Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì? (1 điểm)
Câu 6: Em học được điều gì từ bạn Nết qua câu chuyện trên? (1 điểm)
Câu 7: Nhóm từ nào dưới đây chỉ gồm những từ miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên? (0,5 điểm)
a. đằm thắm, lộng lẫy, dịu dàng
b. tươi đẹp, hùng vĩ, sặc sỡ
c. Xanh tốt, xinh tươi, thùy mị
d. hùng vĩ, dịu dàng, lung linh
Câu 8: Câu: “Na vẽ một cô gái đang cầm đôi đũa nhỏ đứng bên một cô gái” thuộc kiểu câu kể nào? (0,5 điểm)
a. Ai là gì?
b. Ai thế nào?
c. Ai làm gì?
d. Không thuộc câu kể nào.
Câu 9: Chủ ngữ trong câu: “Năm học sau, bạn ấy sẽ vào học cùng các em” là: (1 điểm)
a. Năm học sau
b. Năm học sau, bạn ấy
c. Bạn ấy
d. Sẽ vào học cùng các em
Câu 10: Trong giờ học, một bạn bên cạnh nói chuyện không nghe cô giảng bài, em đặt một câu khiến đề nghị bạn giữ trật tự trong giờ học: (1 điểm)
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết: (3 điểm) – Thời gian viết: 15 phút
Sầu riêng
Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam. Hương vị nó hết sức đặc biệt, mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí. Còn hàng chục mét nữa mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi. Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn. Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn.
II. Tập làm văn: (7 điểm) – Thời gian: 40 phút
Đề bài: Tả một cây hoa mà em yêu thích.
4.1. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 1
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
+ Học sinh bốc thăm 1 đoạn văn (trong 5 bài đã học ở sách Tiếng Việt lớp 4 tập 2) rồi đọc thành tiếng.
+ Học sinh trả lời 1 câu hỏi về nội dung đoạn đọc do giáo viên đưa ra.
* Lưu ý: GV ghi rõ tên bài, đoạn đọc và số trang vào phiếu cho từng học sinh bốc thăm.
Bài 1: Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (SGK / 21- TV 4 tập 2)
+ Đọc đoạn: “ Năm 1946…………..của giặc”
Trả lời: Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã có đóng góp gì lớn trong kháng chiến?
Bài 2: Sầu riêng (SGK/ 34 – TV 4 tập II)
+ Đọc đoạn: “ Sầu riêng …………..kì lạ”
Trả lời: Sầu riêng là loại trái quý của vùng nào?
+ Đọc đoạn: “ Hoa sầu riêng……………..tháng năm ta”.
Trả lời: Hoa sầu riêng được miêu tả như thế nào?
Bài 3: Hoa học trò (SGK/ 43, – TV 4 tập 2)
+ Đọc đoạn: “ Nhưng hoa càng đỏ…………..bất ngờ vậy?”
Trả lời: Vẻ đẹp của hoa phượng có gì đặc biệt?
Bài 4: Khuất phục tên cướp biển (SGK/ 66, 67 – TV 4 tập II)
+ Đọc đoạn: “ Tên chúa tàu………..nhìn bác sĩ, quát”
Trả lời: Tính hung hãn của tên cướp biển được thể hiện qua những chi tiết nào?
+ Đọc đoạn: “ Cơn tức giận……………………..nhốt chuồng”
Trả lời: Cặp câu nào trong bài khắc họa hai hình ảnh đối nghịch nhau của bác sĩ Ly và tên cướp biển?
Bài 5: Thắng biển (SGK/ 76, 77 – TV 4 tập 2)
+ Đọc đoạn: “ Mặt trời lên cao dần ………điên cuồng”
Trả lời: Tìm những từ ngữ, hình ảnh nói lên sự đe dọa của cơn bão biển?
+ Đọc đoạn: “ Một tiếng reo……………….cứng như sắt”
Trả lời: Những từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện lòng dũng cảm, sức mạnh và chiến thắng của con người trước cơn bão biển?
Biểu điểm chấm đọc thành tiếng:
– Đọc vừa đủ nghe, rõ rang, tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm (1 điểm)
– Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng từ (không đọc sai quá 5 tiếng) (1 điểm)
– Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: (1 điểm)
II. Kiểm tra đọc hiểu (đọc hiểu văn bản kết hợp kiến thức Tiếng Việt): (7 điểm)
Câu 1: Ý b;
Câu 2: Ý a;
Câu 3: Ý b;
Câu 4: Ý c.
Câu 5: Trả lời: Trong cuộc sống mỗi người có một hoàn cảnh, ai cũng muốn mình được hạnh phúc, không ai muốn gặp điều bất hạnh(0,5 điểm). Vì vậy, chúng ta cần phải biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau để cuộc sống tươi đẹp hơn . (0,5 điểm) – Tùy theo bài làm của HS để GV tính điểm.
Câu 6: Tùy vào bài làm của HS để giáo viên tính điểm: Nếu HS nêu được 1 điều có ý nghĩa thì sẽ tính 1 điểm.
VD: Em học được ở bạn Nết sự kiên trì vượt qua khó khăn để học tập thật tốt dù bị tật nguyền; Hoặc: Em học tập ở bạn Nết lòng lạc quan, vượt lên chính mình, chăm chỉ học hành …
Câu 7: Ý b; Câu 8 Ý c.
Câu 9: Ý c
Câu 10: Học sinh đặt câu đúng yêu cầu và đủ ý, đầu câu viết hoa, cuối câu có dấu chấm cảm (1 điểm).
* Lưu ý: Ví dụ: Bạn hãy giữ trật tự để nghe cô giảng bài!
Bạn nên giữ trật tự cho mình còn nghe cô giảng bài!…
– Các câu 1, 2, 3, 4, 7, 8 (tính mỗi câu 0,5 điểm)
– Các câu: 5, 6, 9, 10 (tính mỗi câu 1 điểm).
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả: (3 điểm)
– Tốc độ đạt yêu cầu (0,5 điểm), chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ
(0,25 điểm), trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp. (0,25 điểm)
– Viết đúng chính tả cả đoạn: 2 điểm.
* Điểm viết được trừ như sau:
– Mắc 1 lỗi trừ 0,25đ; mắc 2- 3 lỗi trừ 0,5đ; mắc 4 lỗi trừ 0,75đ; mắc 5 lỗi trừ 1đ; mắc 6 lỗi trừ 1,25đ; mắc 7 – 8 lỗi trừ 1,5đ; mắc 9 lỗi trừ 1,75đ; mắc 10 lỗi trở lên trừ 2đ.
* Lưu ý: Nếu HS viết thiếu 2, 3 chữ chỉ trừ lỗi sai, không trừ điểm tốc độ. Nếu HS viết bỏ một đoạn thì tính trừ hai lần (lỗi sai và tốc độ). Phần chữ viết, trình bày: Tuỳ theo mức độ mà trừ có sự thống nhất trong tổ.
II. Tập làm văn: (7 điểm)
* Học sinh viết được một bài văn tả một cây hoa mà em yêu thích.
a) Điểm thành phần được tính cụ thể như sau:
1. Mở bài: (1,5 điểm)
2. Thân bài: (4 điểm) . Cụ thể:
+ Nội dung: (1,5 điểm)
+ Kĩ năng: (1,5 điểm)
+ Cảm xúc: (1 điểm)
3. Kết bài: (1,5 điểm)
b) Đánh giá:
+ Học sinh viết được bài văn miêu tả đồ chơi mà em thích.
+ Khả năng tạo lập văn bản, khả năng dùng từ, đặt câu, liên kết câu, khả năng lập ý,
sắp xếp ý, lỗi chính tả, dấu câu, chữ viết, trình bày.
+ Khả năng thể hiện tình cảm của HS với đồ chơi đó.
c) Chú ý:
Bài đạt điểm tối đa (7 điểm) phải viết đúng thể loại, đủ 3 phần (MB, TB, KB).
Giáo viên căn cứ vào ý diễn đạt, cách trình bày bài văn mà trừ điểm cho phù hợp.
– Nội dung từng phần phải đảm bảo.
– Nếu lạc đề tùy vào mức độ nội dung của cả bài mà trừ điểm cho hợp lí.
5. Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 2
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng (3 điểm)
– Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.
– Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)
Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Anh bù nhìn
Một cái que cắm dọc, một thanh tre nhỏ buộc ngang, thành hình chữ thập. Khoác lên đấy một cái áo tơi lá cũ, hoặc một mảnh bao tải rách, cũng có thể là một manh chiếu rách cũng được. Trên đầu que dọc là một mê nón rách lơ xơ. Thế là ruộng ngô, ruộng đỗ, ruộng vừng hoặc một ruộng mạ mới gieo… đã có một người bảo vệ, một người lính gác: một anh bù nhìn. Để cho đủ lệ bộ, anh bù nhìn cầm một cái vọt tre mềm như cần câu. Đầu cần buộc một túm nắm giấy, tốt hơn thì dùng một túm lá chuối khô tước nhỏ, giống như vẫn buộc ở đầu gậy của người chăn vịt trên đồng.
Có nhiều loài chim bị mắc lừa, rất sợ anh bù nhìn, sợ cái cần câu ấy, vì chỉ hơi thoảng gió thì từ tấm áo, cái nón, đến thanh roi ấy đều cử động, phe phẩy, đung đưa… Bọn trẻ chúng tôi đứng từ xa mà nhìn cũng thấy đúng là một người đang ngồi, tay cầm que để đuổi chim…
Những anh bù nhìn thật hiền lành, dễ thương, chăm chỉ làm việc của mình, chẳng đòi ăn uống gì và cũng chẳng bao giờ kể công. Các anh cũng không sợ nắng gắt, gió lạnh, mưa bão. Anh có bị gió xô ngã thì rồi cũng có người đỡ anh dậy, anh chẳng kêu khóc bao giờ.
Chỉ tiếc là cũng có những con chim ranh ma, một lần sà xuống biết đấy là anh bù nhìn, không có gì nguy hiểm, không có gì đáng sợ thế là lần sau nó cứ xuống và còn đi gọi cả đàn xuống, vừa tra ngô, tỉa đỗ, mà lại phải đi làm lại từ đầu, vì chúng đã ăn hết cả hạt vừa gieo. Người ta vốn khôn ngoan hơn, lại phải thay lại tấm áo, cái nón và cái cần câu mới, buộc thêm vào đấy nhiều mẩu giấy có các màu, làm như đó là một người bảo vệ mới.
Bọn trẻ chúng tôi thích các anh bù nhìn ấy vì các anh không bao giờ dọa chúng tôi, không bao giờ lên mặt hoặc cáu gắt, dù chúng tôi có ào xuống ruộng bắt châu chấu, đuổi cào cào, giẫm cả lên cái mầm ngô, mầm đỗ mới nhú…
Quả là các anh bù nhìn hiền lành đáng yêu, đã giúp người nông dân, trong đó có cha mẹ tôi, một cách khá tốt.
(Băng Sơn)
Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:
– Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời mà em chọn.
– Viết ý kiến của em vào chỗ trống.
Câu 1. Những anh bù nhìn được làm từ nguyên liệu gì? (0,5 điểm)
A. Những thanh tre và đất sét.
B. Những thanh tre và mảnh áo, mảnh bao rách.
C. Quần áo cũ và những miếng xốp.
D. Đất sét và những mảnh áo, mảnh bao rách.
Câu 2. Anh bù nhìn có tác dụng gì? (0,5 điểm)
A. Giúp cây cối phát triển nhanh hơn.
B. Bảo vệ ruộng đỗ, ruộng ngô trước lũ chim.
C. Bảo vệ mùa màng trước sự khắc nghiệt của thời tiết.
D. Bảo vệ mùa màng trước sự tấn công của sâu bọ.
Câu 3. Điều gì khiến cho anh bù nhìn có thể cử động như con người? (0,5 điểm)
A. Những tia nắng.
B. Những cơn mưa.
C. Những đám mây.
D. Những làn gió.
Câu 4. Vì sao các anh bù nhìn rất dễ thương? (0,5 điểm)
A. Vì các anh luôn canh giữ cho mùa màng của người nông dân được bội thu.
B. Vì các anh làm việc chăm chỉ, không bao giờ kể công, không bao giờ đòi ăn uống.
C. Vì các anh làm việc suốt ngày đêm không ngừng nghỉ, không lấy tiền công.
D. Vì các anh luôn thân thiện, vui vẻ với các bạn nhỏ, giúp các bạn làm đồ chơi.
Câu 5. Hình ảnh anh bù nhìn thể hiện điều gì? (1,0 điểm)
Câu 6. Em thích phẩm chất nào của anh bù nhìn nhất? Vì sao? (1,0 điểm)
Câu 7. Câu nào dưới đây thuộc mẫu câu kể “Ai thế nào?” ? (0,5 điểm)
A. Anh bù nhìn bị gió xô ngã chẳng kêu khóc bao giờ.
B. Anh bù nhìn thật hiền lành, dễ thương.
C. Anh bù nhìn cầm một cái vọt tre mềm như cần câu.
D. Anh bù nhìn là người bạn thân thiết của người nông dân.
Câu 8. Gạch chân bộ phận trả lời cho câu hỏi “Ai (Cái gì, Con gì)?” trong câu dưới đây: (0,5 điểm)
Bù nhìn là người giả làm bằng rơm thường được đặt giữa ruộng lúa để doạ và xua đuổi chim chóc, chuột bọ cắn phá mùa màng.
Câu 9. Chọn từ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống trong các câu sau cho thích hợp (1 điểm):
a) Anh bù nhìn rất … (tốt bụng, hào phóng, rộng lượng) khi luôn giúp đỡ các bác nông dân mà không đòi hỏi điều gì.
b) Anh bù nhìn … (nâng niu, giữ gìn, bảo vệ) ruộng đỗ, ruộng ngô trước sự phá hoại của lũ chim.
Câu 10. Viết câu văn miêu tả cánh đồng lúa trong đó có sử dụng từ ngữ gợi tả và hình ảnh so sánh. (1,0 điểm)
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (2 điểm – 15 phút)
Tầng ô-dôn hấp thụ 90% lượng tia tử ngoại của mặt trời, giúp cho bề mặt trái đất chỉ bị một lượng nhỏ tia tử ngoại chiếu tới và sinh vật có thể tự do sinh trưởng. Khi tầng ô-dôn bị phá hoại thì một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu thẳng xuống trái đất khiến cho mùa màng bị thất thu, giảm chức năng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến nhiều loại bệnh, thậm chí dẫn đến bệnh ung thư da và bệnh bạch tạng…
(Theo Hỏi đáp về tài nguyên môi trường, Lê Văn Khoa chủ biên)
II. Tập làm văn (8 điểm – 35 phút)
Hãy viết một đoạn văn giới thiệu một cảnh đẹp trên quê hương em.
5.1. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 2
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng (3 điểm)
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)
Câu 1. Chọn câu trả lời B: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác B: 0 điểm
Câu 2. Chọn câu trả lời B: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác B: 0 điểm
Câu 3. Chọn câu trả lời D: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác D: 0 điểm
Câu 4. Chọn câu trả lời B: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác B: 0 điểm
Câu 5. Gợi ý:
Hình ảnh anh bù nhìn thể hiện sự sáng tạo của những người nông dân trong lao động sản xuất. Để xua đuổi lũ chim phá hoại mùa màng, họ đã lấy tre ghép lại, khoác lên đó những chiếc áo để đánh lừa lũ chim.
Câu 6. Gợi ý:
Em thích tính chăm chỉ làm việc, không bao giờ kể công của anh bù nhìn. Anh là một người bạn tốt của người nông dân, luôn giúp đỡ họ mà không đòi trả ơn.
Câu 7. Chọn câu trả lời B: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác B: 0 điểm
Câu 8. Trả lời đúng: 1,0 điểm; trả lời khác: 0 điểm
Bù nhìn là người giả làm bằng rơm thường đặt giữa ruộng lúa để doạ và xua đuổi chim chóc, chuột bọ cắn phá mùa màng.
Câu 9. Chọn đúng 2 từ: 1 điểm; đúng 1 từ: 0,5 điểm; không đúng từ nào: 0 điểm.
a) Tốt bụng
b) Bảo vệ
Câu 10.
– Viết thành câu theo yêu cầu (có sử dụng từ ngữ gợi tả và hình ảnh so sánh): 1,0 điểm
– Viết thành câu nhưng việc dùng từ chưa chính xác, các từ ngữ gợi tả và hình ảnh so sánh chưa hay: 0,5 điểm
– Viết câu trả lời chưa thành câu: 0 điểm
Gợi ý: Cánh đồng lúa đang vào mẩy, từng bông trĩu xuống, căng đầy sức
sống như người con gái đang độ xuân thì.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)
II. Tập làm văn (8 điểm)
Tham khảo:
Đất nước quê hương ta rừng vàng biển bạc, đồng bằng, đồi núi đâu đâu cũng đẹp, cũng đáng yêu. Em luôn tự hào về điều đó, và tự hào hơn bao giờ hết về Hồ Gươm quê em. Hồ Gươm hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm vì nó gắn liền với sự tích Lê Lợi trả Rùa Vàng cây gươm thần sau khi đánh đuổi giặc xong. Hồ Gươm ngày nay nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội. Hồ Gươm có hình bầu dục, sáng trong như một tấm kính phản chiếu mây trời thủ đô. Giữa hồ, trên thảm cỏ xanh rờn là Tháp Rùa nổi lên uy nghi. Xa xa là cầu Thê Húc cong cong như con tôm dẫn vào đền Ngọc Sơn. Gần lối vào cầu là Đài Nghiên – Tháp Bút nổi bật với dòng chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh). Xung quanh hồ là những hàng liễu rủ, hàng phượng vĩ rực đỏ, hàng lộc vừng thướt tha. Hồ Gươm không chỉ mang vẻ đẹp lịch sử mà còn mang vẻ đẹp của thiên nhiên, của nhịp sống con người. Quanh Hồ Gươm là những bồn hoa rực rỡ, những hàng ghế đá rợp mát. Biết bao cô bác đi tập thể dục, bao gia đình đi dạo chơi ngồi bên hồ hóng mát và ngắm cảnh. Tất cả đều muốn tận hưởng vẻ đẹp của hồ. Và hồ cũng luôn dang tay che chở cho con người. Dù trải qua bao chặng đường phát triển của đất nước, Hồ Gươm vẫn nằm đó, đẹp và trở thành niềm tự hào của người dân thủ đô chúng em.
6. Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 4
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng (3 điểm)
– Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.
– Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)
Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Đôi cánh của Ngựa Trắng
Ngày xưa có một chú Ngựa Trắng, trắng nõn nà như một đám mây. Mẹ chú yêu chiều chú lắm, lúc nào cũng giữ chú bên cạnh, còn dặn: “Con phải ở bên cạnh mẹ và hí to khi mẹ gọi nhé!”. Ngựa Mẹ gọi Ngựa Con suốt ngày. Tiếng ngựa con hí làm Ngựa Mẹ hạnh phúc nên Ngựa Mẹ chỉ dạy con hí vang hơn là luyện cho con vó phi dẻo dai, đá hậu mạnh mẽ. Gần nhà Ngựa có Đại Bàng núi. Đại Bàng núi còn bé nhưng sải cánh đã vững vàng. Mỗi lúc nó liệng vòng, cánh không động, khẽ nghiêng bên nào là chao bên ấy, bóng cứ loang loáng trên mặt đất. Đại Bàng núi bay tài giỏi như một phi cơ chiến đấu điêu luyện thời nay. Ngựa Trắng ước ao được bay như Đại Bàng, chú nói:
– Anh Đại Bàng ơi! Làm sao để có cánh như anh? Đại Bàng núi cười:
– Phải đi tìm chứ, cứ quấn chặt lấy mẹ biết bao giờ mới có cánh.
Thế là Ngựa Trắng xin phép mẹ lên đường cùng Đại Bàng. Chưa trọn ngày đường. Ngựa Trắng thấy biết bao nhiêu là cảnh lạ. Trời mỗi lúc một tối, sao đã lấp lánh trên bầu trời. Ngựa Trắng thấy nơm nớp lo sợ. Bỗng có tiếng “hú… ú… ú” mỗi lúc một một gần, rồi từ trong bóng tối hiện ra một gã Sói xám dữ tợn. Ngựa Trắng mếu máo gọi mẹ. Sói xám cười man rợ và phóng đến.
– Ôi! – Tiếng Sói xám rống lên – Một cái gì từ trên cao giáng rất mạnh vào giữa trán Sói xám làm Sói ta hốt hoảng cúp đuôi chạy mất. Thì ra đúng lúc Sói vồ Ngựa, Đại Bàng núi từ trên cao đã lao tới kịp thời. Ngựa Trắng òa khóc, gọi mẹ. Đại Bàng núi dỗ dành:
– Nín đi! Anh đưa em về với mẹ!
– Nhưng mà em không có cánh – Ngựa Trắng thút thít. Đại Bàng cười, chỉ vào đôi chân của Ngựa Trắng:
– Cánh của em đấy chứ đâu! Nếu phi nước đại em chạy như bay ấy chứ!
Đại Bàng núi sải cánh. Ngựa Trắng chồm lên. Bốn chân chú như bay trên không trung.
(Bài làm của học sinh)
Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:
– Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời mà em chọn.
– Viết ý kiến của em vào chỗ trống.
Câu 1. Ngựa mẹ dạy con điều gì? (0,5 điểm)
A. Dạy con phi nước đại.
B. Dạy con hí vang.
C. Dạy con đá hậu mạnh mẽ.
D. Dạy con rèn luyện sức khoẻ.
Câu 2. Vì sao ngựa mẹ chỉ dạy con hí vang mà không dạy vó phi dẻo dai, đá hậu mạnh mẽ? (0,5 điểm)
A. Vì để mẹ yên tâm khi biết chú luôn bên cạnh.
B. Vì ngựa con không đủ sức khoẻ để học phi vó, đá hậu.
C. Vì ngựa con đã có mẹ luôn bảo vệ nên không cần học phi vó, đá hậu.
D. Vì ngựa mẹ không muốn con bị thương khi luyện tập những bài khó.
Câu 3. Ngựa con ao ước điều gì? (0,5 điểm)
A. Biết phi nước đại và đá hậu mạnh mẽ.
B. Biết rống vang rừng như Sói xám.
C. Vồ mồi nhanh như Đại Bàng.
D. Được bay như Đại Bàng.
Câu 4. Vì sao Đại Bàng lại chỉ vào đôi chân của Ngựa Trắng và nói đó là đôi cánh của chú? (0,5 điểm)
A. Vì khi Ngựa Trắng phi nước đại thì đôi chân ấy cũng chạy như bay.
B. Vì đôi cánh của Đại Bàng cũng là do đôi chân biến thành.
C. Vì Ngựa Trắng có thể bay bằng đôi chân ấy.
D. Vì tất cả các loài trong rừng đều dùng đôi chân để bay.
Câu 5. Câu nói của Đại Bàng núi dành cho Ngựa Trắng “Phải đi tìm chứ, cứ quấn chặt lấy mẹ biết bao giờ mới có cánh.” có nghĩa là gì? (1,0 điểm)
Câu 6. Em hãy nêu ý nghĩa của câu chuyện trên. (1,0 điểm)
Câu 7. Câu nào dưới đây thuộc mẫu câu kể “Ai thế nào?” ? (0,5 điểm)
A. Ngựa Trắng xin phép mẹ lên đường cùng Đại Bàng.
B. Ngựa Trắng òa khóc gọi mẹ.
C. Chú Ngựa Trắng trắng nõn nà như một đám mây.
D. Ngựa Mẹ gọi Ngựa Con suốt ngày.
Câu 8. Hãy viết một câu cảm thể hiện sự vui thích của Ngựa Trắng khi đã biết phi nước đại như bay trên không trung. (1,0 điểm)
Câu 9. Chọn từ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống trong các câu sau cho thích hợp: (1,0 điểm) (Tuần 22, Bài Mở rộng vốn từ: Cái đẹp)
a. Chú Ngựa Trắng có bộ lông vô cùng … (mềm mại, diễm lệ).
b. Ngựa Trắng … (rạng rỡ, hớn hở) vì được đi khám phá khu rừng cùng Đại Bàng núi.
Câu 10. Ngựa Trắng muốn xin phép mẹ lên đường cùng Đại Bàng. Ngựa Trắng phải nói với mẹ như thế nào? (0,5 điểm)
A. Mẹ ơi, mẹ hãy cho con đi xa.
B. Con phải đi xa cơ.
C. Mẹ đừng có mà giữ con.
D. Mẹ phải cho con đi xa.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (2 điểm – 15 phút)
Cửa sổ
Cửa sổ là mắt của nhà
Nhìn lên trời rộng, nhìn ra sông dài.
Cửa sổ là bạn của người
Giơ lưng che cả khoảng trời bão mưa.
Cửa sổ còn biết làm thơ
Tiếng chim cùng ánh nắng ùa vào em.
Tắt đèn, cửa mở vào đêm
Trời cao thành bức tranh riêng treo tường.
Cho em màu sắc hương thơm
Nhận về nắng gió bất thường ngày đêm.
(Phan Thị Thanh Nhàn)
II. Tập làm văn (8 điểm – 35 phút)
Hãy tả một đồ vật gắn bó với em hoặc gắn bó với một người trong gia đình em.
6.1. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 4
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng (3 điểm)
II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)
Câu 1. Chọn câu trả lời B: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác B: 0 điểm
Câu 2. Chọn câu trả lời A: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác A: 0 điểm
Câu 3. Chọn câu trả lời D: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác D: 0 điểm
Câu 4. Chọn câu trả lời A: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác A: 0 điểm
Câu 5. Gợi ý:
“quấn chặt lấy mẹ”: cứ bám lấy mẹ, không chịu đi xa khám phá thì không bao giờ trưởng thành, giỏi giang được.
Câu 6. Gợi ý:
Câu chuyện nhắc nhở chúng ta cần biết tự rèn luyện, cần đi xa để có hiểu biết.
Câu 7. Chọn câu trả lời C: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác A: 0 điểm
Câu 8. Viết câu đúng yêu cầu: 1,0 điểm; Viết được câu cảm nhưng dùng từ chưa chính xác: 0,5 điểm; không viết được câu: 0 điểm)
Gợi ý:
Ôi! Thế là em đã bay được rồi !
Phi nước đại thật là thích!
Câu 9. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ chấm, chọn đúng 2 câu: 1 điểm, đúng 1 câu: 0,5 điểm, không đúng câu nào: 0 điểm
a) mềm mại
b) hớn hở
Câu 10. Chọn câu trả lời A: 0,5 điểm; chọn câu trả lời khác A: 0 điểm
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả nghe – viết (2 điểm)
II. Tập làm văn (8 điểm)
Trong mỗi gia đình, chiếc phích là một đồ dùng không thể thiếu bởi nó gắn liền với những sinh hoạt thường ngày. Bố em dùng nước nóng chứa trong phích để pha trà tiếp khách, mẹ dùng nước nóng tắm cho em,… Chiếc phích vì thế mà trở nên thân thuộc. Phích nước được làm theo nguyên lí chống sự truyền nhiệt của nước, gồm hai bộ phận ruột phích và vỏ phích. Vỏ phích được làm bằng sắt hoặc nhựa, được sơn màu đẹp mắt và có in cả tên công ty sản xuất. Để nâng được chiếc phích lên, người ta thiết kế một quai phích gắn vào vỏ. Ở giữa là môi trường chân không làm mất khả năng truyền nhiệt của nước ra ngoài. Ruột phích là bộ phận quan trọng nhất. Ở phía trong lòng và ngoài của ruột phích là lớp thuỷ tinh được tráng bạc có tác dụng hắt nhiệt trở lại để giữ nhiệt. Vì thế phích giữ được nước nóng lâu lắm. Mỗi ngày mẹ em thường trữ hai ba phích nước để dùng trong ngày. Em thấy có phích để chứa nước nóng rất tiện lợi.
7. Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 5
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng: 3 điểm.
II. Đọc thầm và làm bài tập: 7 điểm.
ĐƯỜNG ĐI SA PA
Xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời, những rừng cây âm âm, những bông chuối rực lên như ngọn lửa. Tôi lim dim mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.
Buổi chiều, xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ. Nắng phố huyện vàng hoe. Những em bé Hmông, những em bé Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hang. Hoàng hôn, áp phiên của phiên chợ thị trấn, người ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.
Hôm sau chúng tôi đi Sa Pa. Phong cảnh ở đây thật đẹp. Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung quý hiếm.
Sa Pa quả là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.
Nguyễn Phan Hách
Khoanh vào trước câu trả lời đúng:
Câu 1: Sa Pa là một địa danh thuộc vùng nào của đất nước? (0,5đ)
a) Vùng núi
b) Vùng đồng bằng
c) Vùng biển
d) Thành phố
Câu 2: Những bức tranh phong cảnh bằng lời trong bài thể hiện sự quan sát tinh tế của tác giả. Em hãy cho biết chi tiết nào thể hiện sự quan sát tinh tế ấy? (0,5đ)
a) Những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa.
b) Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo khiến du khách tưởng như đang đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời.
c) Nắng phố huyện vàng hoe.
d) Tất cả các câu trên đều đúng.
Câu 3: Vì sao tác giả gọi Sa Pa là “món quà kì diệu của thiên nhiên” (0,5đ)
a) Vì phong cảnh của Sa Pa rất đẹp.
b) Vì Sa Pa có phong cảnh đẹp và sự đổi mùa trong một ngày ở Sa Pa rất lạ lùng, hiếm có.
c) Vì Sa Pa có núi non hùng vĩ.
d) Vì Sa Pa ở thành phố
Câu 4: Bài văn thể hiện tình cảm của tác giả đối với cảnh đẹp Sa Pa như thế nào? (0,5đ)
a) Tác giả thể hiện sự ngưỡng mộ, háo hức trước cảnh đẹp Sa Pa và ngợi Sa Pa là món quà kì diệu thiên nhiên dành cho đất nước ta.
b) Tác giả ca ngợi vẻ đẹp của Sa Pa.
c) Tác giả thể hiện tình cảm yêu quý thiên nhiên khi đến Sa Pa.
d) Tác giả quê ở Sa Pa.
Câu 5: Em hãy cho biết câu nào trong bài có sử dụng biện pháp so sánh?(1đ)
Câu 6: Câu: “Nắng phố huyện vàng hoe” là kiểu câu kể nào? (0,5đ)
a) Câu kể Ai là gì?
b) Câu kể Ai làm gì?
c) Câu kể Ai thế nào?
d) Tất cả các câu kể trên.
Câu 7: Những con ngựa ăn cỏ trong vườn đào có những màu sắc nào? (1,5đ)
Câu 8: Những hoạt động nào sau đây được gọi là du lịch? (0,5đ)
a) Đi chơi ở công viên gần nhà.
b) Đi chơi xa để nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
c) Đi làm việc xa nhà.
d) Đi học
Câu 9: Viết tiếp vào chỗ trống bộ phận vị ngữ, chủ ngữ còn thiếu để câu dưới đây cho hoàn chỉnh. (1đ)
a) Buổi chiều, xe……………………………………
b) … vàng hoe.
Câu 10: Phong cảnh ở Sa Pa thật đẹp có những mùa nào trong ngày. (0,5đ)
a) Mùa thu, mùa thu
b) Mùa thu, mùa đông, mùa xuân.
c) Mùa xuân, mùa hè.
d) Mùa hè, mùa thu.
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (nghe – viết 15-20 phút) (2 điểm)
Giáo viên đọc cho học sinh (nghe viết) một đoạn trong bài “Con chuồn chuồn nước” (SGK TV4 – T2 trang 127).
Con chuồn chuồn nước
Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu. Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài trên mặt hồ. Bốn cánh khẽ rung rung như còn đang phân vân.
Nguyễn Thế Hội
II. Viết đoạn, bài (Khoảng 35-40 phút) (8 điểm)
Đề bài: Tả một con vật nuôi trong gia đình mà em yêu thích.
7.1. Đáp án đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 số 5
A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói
I. Đọc thành tiếng: (3 điểm).
– Đọc đúng tiếng, từ: 1điểm.
(Đọc sai 2 từ trở lên trừ 0,25 điểm.)
– Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1điểm. (Đọc sai 2 từ trở lên trừ 0 điểm.)
– Tốc độ đọc đạt yêu cầu: 1điểm.
II. Đọc thầm và làm bài tập: (7 điểm).
Câu | Đáp án | Điểm |
---|---|---|
1 | A | 0,5 |
2 | D | 0,5 |
3 | B | 0,5 |
4 | A | 0,5 |
6 | A | 0,5 |
8 | B | 0,5 |
10 | B | 0,5 |
Câu 5: Em hãy cho biết câu nào trong bài có sử dụng biện pháp so sánh?
“Những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa” (1đ)
Câu 7: Những con ngựa ăn cỏ trong vườn đào có những màu sắc nào?
“Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son” (1,5đ)
Câu 9: Viết tiếp vào chỗ trống bộ phận vị ngữ còn thiếu để câu dưới đây cho hoàn chỉnh.
a) Buổi chiều, xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. (0,5đ)
b) Nắng phố huyệnvàng hoe. (0,5đ)
B. Kiểm tra Viết
I. Chính tả (nghe – viết 15-20 phút) (2 điểm)
Giáo viên đọc cho học sinh (nghe viết) một đoạn trong bài “Con chuồn chuồn nước” (SGK TV4 – T2 trang 127).
Con chuồn chuồn nước
– Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn: 2
điểm.
– Mỗi lỗi chính tả trong bài viết sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh không
viết hoa đúng qui định trừ: 0,25 điểm.
Lưu ý: Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, hoặc trình bày bẩn,… bị trừ 0,5 điểm toàn bài (nếu phạm 1 nội dung trừ 0,25 điểm).
II. Viết đoạn, bài (khoảng 35-40 phút) (8 điểm)
Đề bài: Tả một con vật nuôi trong gia đình mà em yêu thích.
1. Nội dung: (3,5 điểm).
a. Mở bài: (1 điểm).
Giới thiệu được con vật (được nuôi ở nhà em hay em được nhìn thấy).
b. Thân bài: (1,5 điểm).
– Tả hình dáng: đầu, mắt, tai, mõm, lông…(1 điểm).
– Tả thói quen sinh hoạt và các hoạt động chính: lúc ăn, ngủ…(0,5 điểm).
* Lưu ý: trong phần thân bài, học sinh có thể không làm rạch ròi từng phần mà có thể lồng ghép, kết hợp các ý trên.
c. Kết luận: (1 điểm)
– Ích lợi của con vật và suy nghĩ của bản thân.
2. Kỹ năng: (1,5 điểm)
3. Cảm xúc: (1 điểm)
4. Sáng tạo: (1 điểm)
5. Hình thức: (1 điểm).
– Chữ viết, chính tả: (0,5 điểm).
– Dùng từ, đặt câu: (0,5 điểm).
Trên đây là Top 6 Đề thi học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm học 2021-2022 hay nhất dành cho các em học sinh lớp 4 ôn tập, chuẩn bị cho kì thi kết thúc học kì 2. Các đề thi được chúng tôi lựa chọn kĩ càng, phù hợp với năng lực học sinh lớp 4, bao gồm luôn đáp án để các em học sinh so sánh kết quả ngay sau khi giải đề xong.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập thuộc mục Tài liệu.
Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ
Chuyên mục: Giáo dục