Giáo DụcLớp 12

Phân tích nhân vật cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu

Phân tích nhân vật cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các em học sinh lớp 12. Hy vọng đây là tài liêu bổ ích giúp mang lại cho các em học sinh tài liệu học tập tốt nhất, giúp các bạn cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm, thêm nhiều ý tưởng mới khi viết văn để đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra đặc biệt là kì thi thi THPT Quốc gia sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Rừng xà nu.

Bạn đang xem: Phân tích nhân vật cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu

Contents

1. Sơ đồ gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

– Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên, với nhiều tác phẩm đặc sắc.

– Rừng xà nu là khúc sử thi văn xuôi hiện đại tái hiện vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng, con người và truyền thống văn hóa Tây Nguyên.

– Một trong những nhân vật mang đậm chất sử thi là cụ Mết.

b. Thân bài:

– Ngoại hình:

+ Quắc thước: “râu dài đến ngực mà vẫn đen bóng”, “vết sẹo ở má phải láng bóng”, cụ là người đã trải qua nhiều thăng trầm

+ “Bàn tay nặng trịch như kìm sắt”, “ngực căng như một cây xà nu lớn”, …mang dáng dấp của anh hùng trong sử thi Tây Nguyên.

– Cụ là người quắc thước và nghiêm nghị:

+ Giọng nói “ồ ồ dội vang trong lồng ngực ”: vừa thể hiện sức mạnh thể chất vừa thể hiện sức mạnh quyền uy của người chỉ huy.

+ Mỗi câu nói như một chân lí “không có gì mạnh bằng cây xà nu trên đất ta”, “cán bộ là Đảng, Đản còn, núi nước này còn”, “chúng nó cầm súng mình phải cầm giáo”.

– Cụ Mết có tình yêu quê hương sâu sắc

+ Dẫn Tnú ra máng nước đầu làng gội rửa, để nhắc nhở những ai đi xa nhớ về ngườn cội, quê hương.

+ Tự hào về tất cả mọi thứ trên quê hương: “Không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “Gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi này”.

+ Vì muốn bảo vệ quê hương nên luôn tìm hướng đi đúng đắn cho buôn làng: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”.

– Là người giàu tình yêu thương:

+ Hết lòng thương yêu và tin tưởng Tnú – chàng trai trẻ có số phận bi tráng: nồng hậu đón Tnú trở về, xót thương khi nhìn những ngón tay còn hai đốt của Tnú, luôn động viên anh: “Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được”

+ Xúc động khi kể lại cho dân làng nghe câu chuyện của Tnú, cụ “vụng về trở bàn tay lau một giọt nước mắt”

+ Nhận được muối, dù ít ỏi cụ vẫn chia đều cho mọi người trong buôn làng.

c. Kết bài:

– Nêu cảm nhận của bản thân về hình ảnh cụ Mết.

– Khái quát nghệ thuật: với kết cấu truyện lồng trong truyện, đầu cuối tương ứng đặc sắc, ngôn ngữ đậm chất sử thi, nhưng cũng mộc mạc giản dị, xây dựng hình tượng, …

– Thông qua câu chuyện của dân làng Xô Man, tác giả đã đặt ra vấn đề có ý nghĩ lớn lao với dân tộc: Để cho sự sống của đất nước và nhân mãi trường tồn thì không có cách nào hơn là đoàn kết đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn phân tích nhân vật cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu của tác giả Nguyễn Trung Thành.

GỢI Ý LÀM BÀI

3.1. Bài văn mẫu số 1

Một trong những nhân vật mà góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm và làm đậm thêm chất sử thi cho truyện ngắn ‘Rừng xà nu’ của Nguyễn Trung Thành chính là nhân vật cụ Mết – kiểu nhân vật già làng tộc trưởng dường như vốn rất quen thuộc trong các thiên anh hùng ca Tây Nguyên, và nhân vật cụ Mết chính là biểu tượng cho sức mạnh truyền thống, tinh thần bất khuất kiên cường của nhân dân Tây Nguyên, là chỗ dựa tinh thần

Ta có thể nhận thấy rằng ngay khi vừa xuất hiện, ấn tượng về một vị già làng mạnh mẽ đã thể hiện trong chi tiết “một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy Tnú như một cái kìm sắt”. Tác giả Nguyễn Trung Thành như đã vẽ những nét vẽ ngoại hình về một cụ già “quắc thước … mắt sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng … ngực căng như một cây xà nu lớn” . Và những câu văn như đã khắc họa hình ảnh của một già làng sắc sảo, kiến nghị, vững chãi qua đó nói lên được vẻ tiềm tàng sức mạnh thể chất, tràn trề uy lực tinh thần, có sức lôi cuốn, thuyết phục mạnh mẽ với cộng đồng.

Và dường như ở hầu như nét miêu tả nào ở cụ Mết cũng có tính cá biệt. Qua chính những cách nói như ra lệnh, ngôn ngữ giản dị mà dứt khoát thể hiện sự quyết đoán của những người đứng đầu. Hay cả những việc cụ không bao giờ khen, khi vừa ý nhất cũng chỉ nói “được” là tính cách của những người luôn yêu cầu cao ở người khác cũng như ở chính mình. Có thể thấy đặc biệt ấn tượng ở cụ Mết mà người đọc có thể nhận thấy đó chính là giọng nói, đó là “tiếng nói ồ ồ đội vàng trong lồng ngực”, tiếng nói ấy hoặc “vang” khi hô hào dân làng Xô Man nổi dậy đánh giặc hoặc “trầm và nặng” như tiếng vọng của núi rừng. Và đó chính như lời phán truyền của quá khứ khi kể chuyện về cuộc đời Tnú, về lịch sử oanh liệt của làng, tiếng nói ấy tha thiết trang nghiêm khi nhắc nhở dân làng và con cháu: “Nghe rõ chưa các con? Rõ chưa? Nhớ lấy, ghi lấy!…”

Trong mối quan hệ với Đảng và Cách mạng, cụ Mết càng là sợi dây gắn kết dân làng với lí tưởng, chỉ dẫn của Đảng, bởi cụ luôn có niềm tin sâu sắc vào những đường lối của Đảng, tinh thần này càng được giáo dục một cách nghiêm khắc cho đám đông làng Xô-man để khắc cốt ghi tâm. Đã có lần cụ từng khẳng định niềm tin ấy: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn.” Nhưng quan trọng hơn là cụ Mết đã đưa chân lí đó vào thực tiễn của cuộc đấu tranh chống bọn đế quốc Mĩ bằng những chân lí thật giản dị: “Nhớ lấy, ghi lấy. Sau này tao chết rồi, bay còn sống kể lại cho con cháu: Chúng nó cầm súng, mình phải cầm giáo!…” Nhờ vào ý thức luôn giáo dục truyền thống vẻ vang của làng cho các thế hệ tiếp cận đó mà dân làng Xô-man giữ được truyền thống kiên cường bất khuất, khả năng giữ bí mật tuyệt đối, để làng Xô-man mãi tự hào khi trong suốt 5 năm kháng chiến chưa có cán bộ nào bị giặc bắt hay bị giết trong cánh rừng xà nu này. Nhưng để hiểu vì sao cụ Mết lại có niềm tin sâu sắc vào Đảng thì đó chính là nhờ vào sự am hiểu tường tận và giành giọt đường lối kháng chiến. Không chỉ là phương châm kháng chiến lấy bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng (chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo). Mà đặc biệt hơn cụ còn am hiểu về cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc: “đánh thằng MĨ phải đánh lâu dài”. Ngoài ra, qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trung Thành ta còn thấy được tính kỉ luật cao trong con người cụ Mết qua cách chỉ huy dân làng khi trốn vào rừng lánh giặc chờ đợi thời cơ tiến hành khởi nghĩa: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây dụ, một cây rựa. ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông”. Chính vì thế, cụ Mết được nhà văn miêu tả với hình tượng một cây xà nu đại thụ trong rừng xà nu, luôn là bóng lớn cho dân làng Xô-man chống bọn đế quốc Mĩ, góp phần vào sự thành công của cuộc cách mạng trong cả nước.

Khi nói đến nhân vật cụ Mết trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành, không thể không nói đến phẩm chất cao quý của cụ đối với Tnú, đối với dân làng Xô-man. Qua ngòi bút của nhà văn, cụ Mết hiện lên là một con người có lòng yêu dân làng, yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Đối với Tnú, cụ luôn lấy anh làm tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo, để học tập anh mà một lòng theo cách mạng, tiêu biểu cho sự giáo dục của cụ là bé Heng – bé Heng đã tiếp thu truyền thống của anh Tnú qua cách giáo dục của cụ Mết. Trong lòng cụ, Tnú hiện lên chân thật với “đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Cụ thương những người dân làng Xô-man như người thân trong nhà với một sự đùm bọc, lãnh đạo che chở cho tất cả các thành viên. Từ đó, mà cụ trở thành người cha tinh thần, người truyền ngọn lửa tự do, và là linh hồn cuộc khởi nghĩa đồng khởi của dân làng Xô- man.

Cụ Mết không phải là nhân vật chính trong ngòi bút của nhà văn.Nhưng qua tác phẩm,ta cũng thấy được vai trò to lớn của cụ Mết trong việc tô thắm hình tượng nhân vật Tnú với lối kể chuyện lồng trong chuyện qua chuyện một đêm của làng Xô-man. Hình ảnh cụ Mết khiến ta liên tưởng tới nhân vật chú Năm trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”.Hai con người ở hai vùng miền nhưng trong cùng một thời đại, là thế hệ đi trước, là lịch sử, là người giữ lửa và truyền ngọn lửa cho các thế hệ trẻ, là tinh thần của dân tộc góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả nước vào một ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, dân tộc được tự do.

Hình ảnh cụ Mết tuy xuất hiện ít qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Trung Thành, nhưng những gì nhà văn miêu tả về người già làng với một lòng theo Đảng, tin tưởng cách mạng càng làm thêm giá trị cho tác phẩm Rừng xà nu có sức âm vang tới hôm nay và mai sau. Trong lòng bạn đọc, cụ Mết mãi là hình tượng bất tử của cây xà nu đại thụ vươn sức bảo vệ cho thế hệ trẻ phát triển để thực hiện thắng lợi thành công cuộc cách mạng dân tộc này.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Nguyễn Trung Thành là một nhà văn tiêu biểu cho nền văn học hiện đại, cách mạng của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm của Nguyễn Trung Thành thường gắn liền với những số phận người con vùng Tây Nguyên. Những người dân chất phác, hiền hậu, nhưng vô cùng anh dũng, kiên cường, luôn một lòng một dạ hướng về sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, căm thù cái ác, căm thù giặc sâu sắc.

Trong tác phẩm “Rừng xà nu” bên cạnh những nhân vật anh hùng như Tnú, Mai, là những người đại diện cho lớp trẻ, kiên cường, bất khuất, như những cây xà nu non tới lúc trưởng thành. Thì nhân vật cụ Mết lại là hình ảnh đại diện của cây xà nu cao lớn trường thành, vững trãi, đã trải qua những thời kỳ giông bão, để trở nên hiên ngang, không gì có thể lung lay được.

Cụ Mết là một nhân vật góp phần làm cho tính sử thi trong tác phẩm trở nên đậm nét hơn. Cụ Mết giống như người già làng, trưởng bản kiên cường, là linh hồn của bản làng của núi rừng Tây Nguyên, là người dẫn dắt lớp trẻ đứng lên tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi kiếp nô lệ, hướng những người trẻ đi theo những giá trị chân chính.

Ngay từ khi xuất hiện, người đọc đã cảm nhận được rằng cụ Mết là người vô cùng mạnh mẽ thể hiện trong những chi tiết mà tác giả nêu ra “Một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy Tnú như một cái kìm sắt”.

Tuy đã qua thời kỳ xuân xanh không còn ở tuổi trai tráng lực lưỡng nhất nhưng cụ Mết vẫn giữ được uy lực của một người già làng, trưởng bản, một con người cả cuộc đời hiên ngang, quen dầm mưa dãi nắng, được núi rừng tô luyện cứng như đá, kiên cường, quắc thước….Không sợ bất kỳ một thế lực nào, hiên ngang, sừng sững..

Cụ Mết như những cây xa nu đã trưởng thành dù mưa bão cũng không làm lung lay được. Mưa bão chỉ có thể quật ngã làm đổ những cây non, những cây không đủ sức chống đỡ với bão táp, còn những cây xà nu trưởng thành thì không có gì làm nó gục ngã.

Con người cụ Mết, cũng giống như Tnú cũng như những cánh rừng xà nu đều hiên ngang bất khuất, mang đậm dấu ấn sử thi kiên cường vững chãi trước bão tố cuộc đời, trước hoàn cảnh lịch sử đầy tai biến.

Cụ Mết một lòng trung thành với Đảng, với cụ Hồ, với cách mạng. Khi thấy Tnú về và đạt được những chiến tích nhất định trong chiến đấu, cụ mừng lắm, cụ luôn tỏ thái độ tôn kính đối với Bác, với cộng sản. Cụ dù tuổi đã cao nhưng vẫn là một cây xà nu đại thụ giữa cánh rừng xà nu đại ngàn của núi rừng Tây Nguyên.

Nếu không có cụ Mết có lẽ câu chuyện về cuộc đời Tnú, về buôn làng Xô Man sẽ không được kể hoặc sẽ được kể trên một phương diện khác, cái nhìn khác. Cụ Mết chính là người giữ lửa, truyền lửa, truyền tinh thần yêu nước, nhiệt huyết cách mạng đến tất cả các thành viên trong buôn làng Xô Man. Cụ cũng là một biểu tượng anh hùng, một con người sử thi đối với câu chuyện Rừng xà nu nói riêng và đối với cả buôn làng Xô Man nói chung.

Hình ảnh cụ Mết tuy xuất hiện không nhiều trong tác phẩm Rừng xà nu nhưng lại là nhân vật vô cùng quan trọng, thông qua những gì mà nhà văn miêu tả về nhân vật này thì cụ Mết chính là già làng với tinh thần yêu nước sâu sắc một lòng tin tưởng vào cách mạng, vào Bác Hồ. Cụ Mết đã đọng lại trong lòng người đọc bởi hình ảnh mạnh mẽ, anh hùng, một người truyền lửa cho những người dân làng Xô Man, cụ tựa như cây xà nu trưởng thành hiên ngang, kiên cường trong gió bão.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 12

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button