Giáo DụcLớp 9

Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là bài thơ viết về đề tài biển khơi. Khổ thơ đầu bài thơ là khung cảnh thiên nhiên lúc con người ra khơi đầy màu sắc và khoáng đạt. Để hiểu hơn về khổ thơ này, mời các em cùng tham khảo tài liệu văn mẫu Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. Chúc các em học tập vui vẻ!

Bạn đang xem: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận

Contents

1. Sơ đồ gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích

– Huy Cận được biết đến là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới.

– “Đoàn thuyền đánh cá” là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông.

– Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh đoàn thuyền ra khơi lúc chiều tà.

2.2. Thân bài

* Hoàn cảnh ra đời

– Năm 1958, trong một chuyến đi thực tế của nhà thơ tại Hồng Gia, Cẩm Phả, Quảng Ninh.

* Phân tích đoạn thơ

– 2 câu thơ đầu: Thời gian ra khơi của đoàn thuyền

+ Mặt trời so sánh với “hòn lửa” → khung cảnh lung linh rực rỡ sắc màu, dù là thời khắc của ngày tàn nhưng hình ảnh đoàn thuyền ra khơi vẫn hiện lên thật đẹp, thật tráng lệ và căng tràn sức sống.

+ Ẩn dụ “sóng – cài then”, “đêm – sập cửa” → màn đêm đang dần buông xuống

– Khi vạn vật đã đi vào trạng thái nghỉ ngơi, chỉ có đoàn thuyền là căng tràn sức sống, hăng hái lên đường

– 2 câu thơ sau: không khí ra khơi vui tươi, sôi nổi đầy hứng khởi

+ Từ “lại” → Nhấn mạnh đến nhịp công việc quen thuộc, lặp lại hàng ngày của người dân làng chài.

+ “Câu hát” cùng “gió khơi” và con người với thiên nhiên như đang hòa làm một.

→ Khổ thơ thứ nhất với sự vui tươi cùng hình ảnh thiên nhiên tráng lệ đã thật sự mở ra một bức tranh, một hành trình ra khơi mới

2.3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Huy Cận được biết đến là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Ông sáng tác cả trước và sau cách mạng. Người ta biết đến ông với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Một trong số đó phải kể đến “Đoàn thuyền đánh cá” – bài thơ mang hơi thở của đất nước sau Cách mạng tháng Tám. Bài thơ được mở ra bằng hình ảnh lao động của những người dân chài lưới một cách rất thơ mộng, trữ tình:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Nếu trước Cách mạng tháng Tám hồn thơ của Huy Cận là một “mối sầu thiên cổ” thì đến giai đoạn sau Cách mạng thơ của ông đã chuyển mình sang âm hưởng vui tươi, lạc quan, tràn đầy tình yêu với thiên nhiên đất trời. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được ra đời vào năm 1958 trong một chuyến đi thực tế của Huy Cận ở vùng mỏ Hồng Gia, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Cả bài thơ là không khí tươi vui, hăng say lao động của những người dân chài lưới với tư thế làm chủ thiên nhiên đất trời. Đoạn thơ trên chính là những nét vẽ đầu tiên, mở đầu cho cảnh ra khơi của đoàn thuyền.

Hai câu thơ đầu đã nói lên được thời gian ra khơi của đoàn thuyền – đó là thời khắc của ngày tàn. Ở câu thơ thứ nhất mặt trời đã được so sánh với “hòn lửa”gợi ra một khung cảnh lung linh rực rỡ sắc màu. Dù là thời khắc của ngày tàn nhưng hình ảnh ra khơi qua biện pháp so sánh này vẫn hiện lên thật đẹp, thật tráng lệ và căng tràn sức sống. Trước khi bị nhấn chìm vào dòng nước lạnh lẽo, mặt trời – mái nhà của vũ trụ ấy vẫn kịp tỏa ra những hơi ấm, xua đi cái lạnh lẽo của đêm tối. Nhưng ngay sau đó thôi, biện pháp ẩn dụ đã kéo theo màn đêm đến, bao trùm khắp không gian: “Sóng đã cài then, đêm sập cửa”. Từng con sóng nhấp nhô xô vào bờ được Huy Cận ví như những chiếc then cài cửa, cẩn thận khóa lại màn đêm. Màn đêm như một tấm màn được thiên nhiên buông xuống. Tất cả đã đi vào trạng thái nghỉ ngơi, chỉ có đoàn thuyền là căng tràn sức sống, hăng hái lên đường.

Cái tươi vui, hứng khởi của đoạn thơ còn được thể hiện ở chỗ không phải một chiếc thuyền mà là một “đoàn thuyền” cùng nhau ra khơi. Từ “lại” ý nói lên rằng công việc này dường như đã trở thành một thói quen với những người dân nơi đây. Dù ra khơi vào lúc trời chiều nhưng tinh thần, và ý chí không vì thế mà giảm bớt: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Con người lúc này đã hòa cùng với thiên nhiên, thiên nhiên cũng đang góp sức ủng hộ con người: “câu hát” cùng “gió khơi”. Chính những câu hát vui tươi, hóm hỉnh đó cùng với gió khơi là nguồn động lực đưa chiếc thuyền ra khơi, bắt đầu một hành trình mới, một hành trình đầy cam go và thử thách phía trước.

Bằng việc kết hợp khéo léo biện pháp tu từ so sánh với ẩn dụ cùng với những hình ảnh thơ đặc trưng của biển cả, của thiên nhiên đất trời, khổ thơ thứ nhất với sự vui tươi cùng hình ảnh thiên nhiên tráng lệ đã thật sự mở ra một bức tranh, một hành trình ra khơi mới. Niềm vui sự hăng hái khi bắt đầu lao động đã được đáp trả bằng một chuyến ra khơi bội thu được Huy Cận thể hiện ở những khổ thơ sau đó.

Có thể nói, dù chỉ là bốn câu thơ ngắn thôi nhưng cũng đủ để ta thấy sự thay đổi trong hồn thơ của Huy Cận. Cũng chính vui tươi mới mẻ này đã góp thêm sắc màu mới cho phong trào thơ mới – sắc màu của một Huy Cận với hồn thơ đầy lạc quan, yêu đời.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Đã có rất nhiều nhà thơ, nhà văn lấy đề tài biển khơi và con người lao động làm cảm hứng cho những sáng tác của mình. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho chủ đề này mà chúng ta không thể không nhắc đến chính là bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. Ngay ở hai khổ thơ đầu, tác giả đã dẫn dắt bạn đọc đến với khung cảnh thiên nhiên lúc con người ra khơi:

Mặt trời xuống biển như ngọn lửa.
Sóng đã cài then đêm sập cửa.

Nghệ thuật so sánh và nhân hoá được sử dụng thật độc đáo. Mặt trời được ví như hòn lửa đang lặn dần vào lòng biển. Vũ trụ như một ngôi nhà lớn, màn đêm xuống mau khép lại ánh sáng như đóng sập cánh cửa khổng lồ mà những lượn sóng là chiếc then cài. Ngày đã khép lại, vũ trụ như đang bước vào trạng thái thư giãn sau một ngày lao động thì chính lúc ấy một ngày lao động mới của người dân đánh cá lại bắt đầu:

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Khi vị chủ nhân thứ nhất của thiên nhiên là mặt trời đi ngủ thì vị chủ nhân thứ hai – những người dân chài của cuộc sống mới lại mở cửa đêm để ra biển đánh cá. Công việc của những người dân chài diễn ra như một nhịp sống đều đặn trở thành quen thuộc, nền nếp. Nếu như sức sống của thiên nhiên như ngừng lại thì sự có mặt của đoàn thuyền như nối tiếp nhịp sống đó. Dù đã cài then, sập cửa nhưng biển không chìm trong lạnh lẽo hoang vu mà trái lại biển đang là chứng nhân cho sự làm việc hăng say, không nghỉ của những người lao động. Câu thơ xuất hiện ba sự vật khác biệt là câu hát, căng buồm và gió khơi nhưng lại được gắn kết, hòa quyện với nhau. Tiếng hát khỏe khoắn của cả tập thể hòa với tiếng gió thổi căng buồm đẩy thuyền phăng phăng rẽ sóng. Câu hát là niềm tin, sự phấn chấn của người lao động. Sự kết hợp của nhịp điệu gấp gáp khẩn trương ở hai câu đầu với cái thanh thoát, đĩnh đạc của nhịp thơ hai câu sau đã vẽ nên bức tranh hào hùng về cảnh đoàn thuyền ra khơi. Khổ thơ còn là sự kết hợp của những liên tưởng táo bạo với những phép tu từ so sánh, nhân hoá đặc sắc đã giúp tác giả thể hiện khúc ca ra khơi hào hùng của người dân chài.

Không chỉ hát khi ra khơi mà những con người lao động luôn cất tiếng hát hòa cùng với công việc của mình. Tiếng hát là mong ước, là niềm tin thu hoạch:

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi.

Từ con cá bạc báo biển lặng, biển hiện lên trong đêm như một khung cửi lớn và đẹp. Cá thu từng đoàn rẽ nước toả sáng, di chuyển như những con thoi. Sự liên tưởng từ khung cửi dệt đến khung cửa biển là sự liên tưởng độc đáo, là kết quả của sự quan sát thực tế. Qua sự liên tưởng ấy, trong cảm xúc vũ trụ của Huy Cận biển không còn xa lạ mà trở nên gần gũi. Trong lời hát của người ngư dân, biển thật giàu có:

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Nguyên liệu biển dồi dào, chỉ cần một tiếng gọi để thu cá vào lưới. Khổ thơ mang âm hưởng của dòng cảm hứng vũ trụ với sự lãng mạn của tâm hồn đã làm nên những khúc ca hoành tráng của người lao động.

Hai khổ thơ mở ra trước mắt bạn đọc thiên nhiên tươi đẹp và hình ảnh con người tràn đầy sức sống. Khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung đã góp phần làm cho kho tàng văn học Việt Nam thêm phong phú, đa dạng hơn. Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị tốt đẹp ban đầu của nó và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

–Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp—

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 9

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button