Giáo DụcLớp 11

Phân tích chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, chất thơ được chưng cất từ đời sống bình dị, thường nhật bằng chính rung động của tâm hồn nhà văn, chất thơ toả ra từ tình yêu cái đẹp. Để cảm nhận về chất thơ trong tác phẩm của Thạch Lam, Trường Tiểu học Thủ Lệ xin giới thiệu đến các em bài văn mẫu Phân tích chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam dưới đây. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Hai đứa trẻ.

Bạn đang xem: Phân tích chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài: 

– Dẫn dắt vấn đề bằng cách giới thiệu về nhà văn Thạch Lam và phong cách văn chương của ông. Sau đó, nêu vấn đề về chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.

– Ví dụ mở bài: Đọc truyện ngắn Thạch Lam, dễ thấy cốt truyện của ông không có gì đặc biệt, thậm chí đôi khi đơn giản đến như không có. Nhân vật của ông cũng không thuộc vào những lớp người có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội. Vậy mà tác phẩm vẫn có được một sức truyền cảm lớn để có thể neo đậu lâu bền trong lòng người đọc, tạo nên một sức cuốn hút nhẹ nhàng mà da diết cho người đọc mỗi lần đọc lại, sống lại cùng với nó. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sức truyền cảm, sự hấp dẫn, cuốn hút ấy chính là chất thơ lắng đọng lan tỏa từ những trang văn.

b. Thân bài:

* Giải thích: Chất thơ là gì?

– Chất thơ là 1 thuật ngữ lý luận chỉ một phẩm chất đặc biệt của văn xuôi. Tác phẩm văn xuôi đc xem là có chất thơ khi nội dung của nó đi sâu vào trạng thái cảm xúc diễn tả diễn biến trong trạng thái chủ quan với những rung động tinh tế.

* Phân tích: Chất thơ được thể hiện trong “Hai đứa trẻ” như thế nào?

– Kết cấu truyện ngắn: “Hai đứa trẻ” dường như không có cốt truyện. Tuy chỉ tập trung vào những diễn biến nội tâm của nhân vật, những mảnh ghép của bức tranh phố huyện nhạt nhòa, mòn mỏi, song Thạch Lam đã để lại ấn tượng đầy ám ảnh cho tác phẩm.

– Khung cảnh thiên nhiên: Đó là một mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát với vòm trời huyền bí lấp lánh những vì sao, những con đom đóm lập lòe. Những chi tiết thơ mộng đã làm giảm bớt màu sắc ảm đạm u tối của bức tranh đời.

– Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật: Nếu Nam Cao thường đi vào phân tích những quá trình tâm lý phức tạp thì Thạch Lam lại chủ yếu đi sâu vào những trạng thái của tâm hồn mà tâm hồn mới là đối tượng của chất thơ. Nếu Nguyễn Tuân thường đi sâu vào miêu tả những cảm xúc mạnh mẽ dữ dội thì Thạch Lam lại cố vẽ nên hình những cảm giác mong manh, mơ hồ, tinh tế “như những rung động của một cánh bướm non”.

– Nghệ thuật ngôn từ: Giọng điệu nhẹ nhàng, truyền cảm. Ngôn ngữ vừa giàu nhạc điệu vừa giàu tính tạo hình.

* Bình luận: Ý nghĩa của chất thơ?

– Chất thơ trong “Hai đứa trẻ” đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của truyện ngắn này, Thạch Lam đã phát hiện ra được “cái đẹp chứa ở chỗ ko ai ngờ tới”. Đó là cái đẹp kín đáo bị khuất lấp bởi đời sống nhọc nhằn, cái đẹp mà chỉ tâm hồn tinh tế hồn hậu mới có thể cảm nhận hết được.

– Chất thơ trong truyện ngắn của Thạch Lam thể hiện một trong những tôn chỉ của ông trong việc sáng tạo nghệ thuật. Đó là làm cho tâm hồn con người “thêm trong sạch và phong phú hơn”.

c. Kết bài:

– Khẳng định lại vấn đề

+ Ví dụ kết bài: Truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, từ hình thức nghệ thuật tới nội dung được biểu hiện điều chan chứa chất thơ – cái chất thơ được chưng cất từ đời sống bình dị, thường nhật bằng chính rung động của tâm hồn nhà văn, chất thơ toả ra từ tình yêu cái đẹp, từ cái nhìn tinh tế trước thiên nhiên, đời sống và niềm tin ở thiện căn của con người.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy phân tích chất thơ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

GỢI Ý LÀM BÀI

3.1. Bài văn mẫu số 1

Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện độc lập, mỗi câu chuyện mang âm điệu của một bài thơ trữ tình nhẹ nhàng, đượm buồn. Nhà văn thường đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những xúc cảm mơ hồ mong manh và tinh tế. Và nét văn phong ấy ta sẽ gặp qua Hai đứa trẻ, một truyện ngắn giàu chất thơ.

Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Linh, người gốc Hà Nội, xuất thân trong nhóm Tự lực văn đoàn, sau đó ông tách riêng ra sáng tác, bởi văn phong của ông ngoài những yếu tố lãng mạng, trữ tình thì ông còn đưa vào những yếu tố hiện thực, để văn chương không thoát li khỏi cuộc sống. Thạch Lam quan niệm rằng: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn” .

Hai đứa trẻ được in trong tập truyện ngắn Nắng trong vườn, truyện có sự kết hợp giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình, khắc họa bức tranh phố huyện nghèo, cảm thông sâu sắc trước cuộc sống cơ cực, của những con người quẩn quanh sau lũy tre làng trước cách mạng. Tác giả luôn luôn trân trọng những hy vọng đẹp đẽ, dẫu rất mong manh, hàm súc.

Bóng tối nơi phố huyện nghèo được miêu tả và cảm nhận đầy chất thơ. Thạch Lam đã tả ngọn đèn con của chị Tí, cái bếp của bác Siêu “chiếu sáng một vùng đất cát”, ngọn đèn trong cửa hàng của Liên “thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”. Chút ánh sáng le lói ấy đã tô đậm cái bóng đêm phủ dày nơi phố huyện nghèo, và đó cũng là những kiếp người lầm than, của chị em Liên, của những đứa bé lang thang trên nền chợ, là cuộc đời nghèo nàn lam lũ của mẹ con chị Tí, của gia đình bác xẩm, của bà cụ Thi “hơi điên” nghiện rượu.

Người đọc rất thú vị cảnh bầu trời đêm, qua ánh mắt vời vợi ngắm nhìn của hai đứa trẻ. Sao đêm “lấp lánh”. Đom đóm bay “là là” mang theo bao “vệt sáng”. Sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông là điểm nhìn và tìm kiếm, là niềm vui thơ ngây, nho nho của hai chị em Liên và An. Đỏ cũng là chất thơ của sự sống, Thạch Lam như san sẻ và chia vui cùng hai đứa trẻ.

Chất thơ của truyện “Hai đứa trẻ mà những chi tiết nói đến cuộc đời tăm tối, lầm than của những kiếp người bé nhỏ nơi phố huyện nghèo. Hình ảnh bà cụ Thi với tiếng cười “khanh khách”, với cử chỉ “ngửa cổ ra đằng sau, uống một hơi cạn sạch” cút rượu ti, ra về, đi “lẩn vào bóng tối” với “tiếng cười khanh khách”. Đó còn là hình ảnh bác phở Siêu, là mẹ con chị Tí, bán hàng nước và mò cua bắt tép, là gia đình bác xẩm với tiếng đàn bầu “bần bật”, với hình ảnh đứa con lê la trên mặt đất. Chất thơ trong truyện “Hai đứa trẻ” là sự xót thương, sự đồng cảm của tác giả đối với những kiếp người lầm than trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Chất thơ đó là giá trị nhân đạo của truyện “Hai đứa trẻ”.

Chất thơ của truyện còn là sự miêu tả một cách tinh tế tâm hồn, tâm lí của hai đứa Kẻ. An trước khi ngủ còn dặn chị đánh thức dậy khi chuyến tàu đêm chạy qua. Liên tự bào về cái dây xà tích vì chị cảm thấy mình là một cô gái đã “lớn và đảm đang”. Chỉ bái mùi âm ẩm của đất cát mà Liên cảm nhận đó là mùi vị của quê hương. Tâm trạng của Liên cố thức đợi chuyến tàu đêm chạy qua đâu chỉ để bán hàng mà còn là để mơ tưởng “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”, là để sống lại những kỉ niệm đẹp thời thơ ấu: bố còn đi làm, mẹ có nhiều tiền Liên được đi chơi Bờ Hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ.

Có thể nói, chất thơ của truyện “Hai đứa trẻ” là giá trị nhân đạo sâu sắc thức tỉnh hồn người những kiếp sống lầm than. Chất thơ ấy vừa tạo nên màu sắc lãng mạn và nội dung hiện thực truyện “Hai đứa trẻ một tác phẩm kết tinh phong cách nghệ thuật của Thạch Lam về truyện ngắn vậy.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Trên diễn đàn văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, Thạch Lam chưa được xếp ở vị trí số một nhưng cũng là một tên tuổi rất đáng coi trọng và khẳng định. Thạch Lam tuy có viết truyện dài nhưng sở trường của ông là truyện ngắn bởi tài năng nghệ thuật được bộc lộ một cách trọn vẹn, tài hoa. Nguyễn Tuân nhận xét: “Nói đến Thạch Lam người ta vẫn nhớ đến truyện ngắn nhiều hơn là truyện dài”. Đóng góp của Thạch Lam không chỉ ở nghệ thuật mà còn ở phương diện nuôi dưỡng tinh thần. Nó giúp ta thanh lọc tâm hồn. Vì mỗi truyện của ông “như một bài thơ trữ tình chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu chân thành và sự nhạy cảm (…) trước những biến thái của cảnh vật và lòng người” (Ngữ văn 11- chương trình cơ bản, trang 94). Truyện ngắn Hai đứa trẻ là “một bài thơ trữ tình” như thế.

Thạch Lam tuy là thành viên trong Tự lực văn đoàn nhưng tư tưởng thẩm mĩ lại theo một hướng riêng. Ông xây dựng trong tác phẩm một thế giới nhân vật khác. Ông lặng lẽ hướng ngòi bút của mình về phía những người nghèo khổ với tấm lòng trắc ẩn chân thành. Thế giới nhân vật của Thạch Lam thật nhỏ bé và tội nghiệp. Họ thường nép mình trong bóng tối của một không gian hẹp thường là nơi phố huyện tiêu điều, xơ xác hoặc những xóm nghèo ngoại ô Hà Nội. Nhân vật của Thạch Lam thường tìm kiếm nơi ẩn náu trong gia đình, giữa bốn bức tường hoặc trong trong sân vườn, có nghĩa là tách khỏi cuộc đời, nơi xã hội đầy bất trắc bên ngoài. Có lẽ như thể con người mới cảm nhận hết về mình và về cuộc sống xung quanh. Dường như họ thu mình trước thực tại, để xót mình và thương người, đệ bâng khuâng man mác khi hồi tưởng về quá khứ, không dám nhìn về tương lai, mang nặng một tình cảm mờ mịt trong lòng khi nghĩ về mai sau. Còn cảm quan của Thạch Lam có thể gói gọn trong ba chữ “niềm xót thương”. Những con người nhỏ bé ấy bao giờ cũng được nhà văn bao bọc trong một không khí trữ tình đầy mến thương tỏa ra một cách dịu dàng từ tấm lòng tác giả.

Truyện của Thạch Lam không có cốt truyện đặc biệt, giọng điệu và ngôn ngữ nhiều chất trữ tình. Mỗi truyện ngắn có cấu tứ và giọng điệu như một bài thơ trữ tình, gợi sự thương xót trước số phận của những con người nhỏ bé bất hạnh. Một giọng văn bình dị mà tinh tế! Âm điệu man mác buồn bao trùm hầu hết các thiên truyện từ mở đầu cho đến kết thúc. Văn cứ mềm mại, uyển chuyển, giàu hình ảnh, nhạc điệu. Đó chính là chất thơ trong truyện ngắn Thạch Lam, “có cái dìu dịu ở nơi đây” khiến ta vương phải. Hai đứa trẻ là đặc trưng của hồn văn Thạch Lam.

Chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” thể hiện ở vẻ đẹp cảm xúc, tâm trạng của nhân vật Liên. Khi chiều đến, Liên thấy “lòng mình buồn man mác’. Liên có những suy tư và nghĩ ngợi lúc đêm về. Chi tiết đó thể hiện một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm của nhân vật. Liên còn là một cô bé có tấm lòng nhân hậu, giàu lòng yêu thương. Cô thương cảm và cảm thấy xót xa khi nhìn thấy những em bé đi nhặt rác, những quan sát của Liên về các nhân vật khác thể hiện cô bé là người có giàu lòng trắc ẩn, đa cảm và có suy nghĩ rất nhân hậu. Liên thương cảm cho tất cả những con người đang ngày đêm bấu víu lấy cuộc sống ở khu phố huyện nghèo này. Liên còn là một cô bé biết hướng về tương lai, biết khao khát ước mơ. Điều đó thể hiện rõ nhất qua cảnh đợi tàu của hai chị em. Cả hai đợi tàu, cũng là đợi được sống trong kí ức của những ngày đầy đủ, được sống trong một không gian ngập tràn âm thanh và ánh sáng. Liên biết khao khát, ước mơ, hướng đến một cuộc sống nhiều ánh sáng, đủ đầy.

Chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” còn là vẻ đẹp, cảm xúc và tâm trạng của tác giả Thạch Lam. Đằng sau nhân vật Liên, người đọc thấy thấp thoáng bóng dáng của nhà văn Thạch Lam: dịu dàng, tinh tế, giàu cảm xúc, giàu tinh thần nhân đạo. Thạch Lam viết truyện ngắn “Hai đứa trẻ” bằng chính những trải nghiệm và kí ức tuổi thơ của mình ở phố huyện Cẩm Giàng. Vì vậy, người và cảnh hiện lên rất giản dị và chân thực. Liên và An là một góc nào đó trong cuộc đời của nhà văn Thạch Lam, hình bóng của Liên là một phần hình ảnh người chị của tác giả. Mẹ con chị Tí có thể là hình bóng của người mẹ Thạch Lam. Đằng sau những cuộc đời lam lũ vất vả ấy, người đọc nhận thấy một Thạch Lam rất gần gũi, rất đôn hậu và chan chứa yêu thương với cuộc sống và con người.

Thạch Lam xây dựng một thế giới hình ảnh vừa chân thực vừa xúc động, vừa gợi cảm. Nhà văn đã lựa chọn những chi tiết đặc sắc để thể hiện cảm xúc của nhân vật. Mạch truyện được triển khai đậm chất trữ tình. Truyện không có cốt truyện mà nó vận động theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Ngòi bút của Thạch Lam hướng nội là đi sâu vào thế giới bên trong của nhân vật, để miêu tả những biến thái tinh vi của lòng người, để nhận thấy những cảm xúc rất mong manh, mơ hồ và thoáng qua.

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là một truyện ngắn đậm chất thơ, là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 11

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button