Giáo DụcLớp 12

Nghị luận xã hội về ý kiến Hãy sống trọn vẹn nhất

Nhằm giúp các em học sinh lớp 12 rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội hay và độc đáo nhất, Trường Tiểu học Thủ Lệ xin giới thiệu đến các em tài liệu Nghị luận xã hội về ý kiến Hãy sống trọn vẹn nhất dưới đây bao gồm Sơ đồ gợi ý, dàn bài chi tiết cùng bài văn mẫu. Chúc các em sẽ có được những bài văn thật hay nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về ý kiến tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh.

Bạn đang xem: Nghị luận xã hội về ý kiến Hãy sống trọn vẹn nhất

Contents

1. Sơ đồ gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

– Cuộc đời con người vốn chỉ ngắn ngủi có vài chục năm, thời gian như thoi đưa, cuốn trôi hết tất cả, bao gồm cả thanh xuân của con người.

– Mấy mươi năm cuộc đời đã bỏ lỡ quá nhiều thứ, sống chưa trọn với ước mơ, chưa trọn với những người xung quanh và cả với chính bản thân mình. Ấy thế mà tuổi đã xế chiều, mắt đã mờ tay đã yếu, rồi người ta mới thở dài rút ra một điều rằng: Hãy sống cho trọn vẹn nhất!

b. Thân bài:

* Thế nào sống trọn vẹn?

– Là sự toàn vẹn và thống nhất giữa thể xác và tâm hồn, khi con người ta sống được là những gì mình yêu thích, có lý tưởng, có ước mơ, có cái “tôi” cá nhân, mà không ai có thể chi phối và khống chế được.

– Không lãng phí thời gian vào những trò vô bổ, thay vào đó, họ chọn cách nuôi dưỡng và lấp đầy tâm hồn bằng cách trau dồi, tu dưỡng đạo đức một cách tích cực, đọc nhiều, nghe nhiều, nhìn nhiều, mở lòng nhiều hơn.

– Biết cách để tận hưởng cuộc sống, học cách yêu thương nhiều hơn.

=> Sống trọn vẹn để cuộc đời không còn gì tiếc nuối, không phải chán chường than thở vì bế tắc, vì quẩn quanh trong cái suy nghĩ mình đã sống một cách nhàm chán và hoang phí cỡ nào.

* Ý nghĩa:

– Sống trọn vẹn giúp cho chúng ta cảm nhận được sự hạnh phúc và vui vẻ xuất phát từ chính tâm hồn, không phải băn khoăn day dứt vì bản thân làm trái với suy nghĩ, với con tim, thể xác và tâm hồn không phải gồng lên để tranh đấu, bạn có thể hoàn toàn vui vẻ với cuộc sống mà chẳng có gì phải phiền não, mệt mỏi.

– Ngược lại, những người sống trái với bản thân thì rất khó để hạnh phúc, họ luôn chìm trong mớ hỗn độn, phải chiều theo dòng chảy của cuộc sống, phải chia sẻ cuộc sống của mình cho những thứ không làm mình thấy thoải mái, đó là điều đau khổ đến nhường nào.

=> Phấn đấu nỗ lực hết mình vì đam mê, lý tưởng không có nghĩa là gạt bỏ mọi điều tốt đẹp khác trong cuộc sống sang một bên, có lao động thì phải có tận hưởng, nếu không khi đã già yếu, gần đất xa trời mới phát hiện ra bản thân mình thiếu thốn đến nhường nào thì đã muộn lắm rồi.

c. Kết bài:

– Hãy sống là chính bản thân mình, thích thì nói là thích, ghét thì cứ mạnh dạn bày tỏ, nghiêm túc với ước mơ, phấn đấu hết mình vì lý tưởng, yêu trọn con tim, dành những tình cảm ấm áp nhất cho những người quan trọng nhất, miễn đừng làm tổn thương người khác là được.

– Đó mới thực sự là sống, sống trọn vẹn một cuộc đời không nuối tiếc, mà chỉ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn nghị luận xã hội về ý kiến Hãy sống trọn vẹn nhất.

GỢI Ý LÀM BÀI

3.1. Bài văn mẫu số 1

Cuộc đời con người vốn chỉ ngắn ngủi có vài chục năm, thời gian như thoi đưa, cuốn trôi hết tất cả, bao gồm cả thanh xuân của con người. Điều đó dễ khiến người ta phải tiếc nuối, phải hoài niệm về những gì đã qua đi không lấy lại được. Mấy mươi năm cuộc đời đã bỏ lỡ quá nhiều thứ, sống chưa trọn với ước mơ, chưa trọn với những người xung quanh và cả với chính bản thân mình. Ấy thế mà tuổi đã xế chiều, mắt đã mờ tay đã yếu, rồi người ta mới thở dài rút ra một điều rằng: Hãy sống cho trọn vẹn nhất!

Sống trọn vẹn là thế nào, sống là sống thôi cớ sao còn thêm chữ trọn vẹn? Trọn vẹn ở đây ý muốn chỉ sự toàn vẹn, thống nhất giữa thể xác và tâm hồn, khi con người ta sống được là những gì mình yêu thích, có lý tưởng, có ước mơ, có cái “tôi” cá nhân, mà không ai có thể chi phối và khống chế được. Sống một cách thẳng thắn, chân thành luôn nỗ lực hết mình, sống đúng với bản chất của bản thân, lao động một cách tích cực, không phải ép mình làm những chuyện mà chúng ta không hề muốn. Đó đã là sống toàn vẹn rồi. Thêm nữa sống trọn vẹn còn là cách con người ta tận dụng quỹ thời gian của bản thân một cách hợp lý, không lãng phí vào những trò vô bổ, thay vào đó họ chọn cách nuôi dưỡng và lấp đầy tâm hồn bằng cách trau dồi và tu dưỡng đạo đức một cách tích cực, đọc nhiều sách, lắng nghe nhiều hơn, cũng biết cách bày tỏ tâm tư của bản thân, đầu tư cho bản thân được nhìn nhiều hơn bằng cách đi thăm thú đây đó, mở rộng cánh cửa tâm hồn. Sống trọn vẹn cũng là cách người ta chăm sóc và chu toàn cho bản thân, biết bảo vệ chính bản thân mình khỏi những bệnh tật, sống điều độ, ăn uống một cách khoa học; biết cách để tận hưởng cuộc sống, học cách yêu thương, quan tâm những người thân trong gia đình, giúp đỡ bạn bè vượt qua mọi khó khăn hoạn nạn; mạnh dạn đắm say với tình yêu đôi lứa, mạnh dạn nhận lấy những tổn thương và kinh nghiệm từ những cuộc tình tan vỡ ấy. Đó là cách để ta trưởng thành hơn trong cuộc sống. Sống trọn vẹn để cuộc đời không còn gì tiếc nuối, không phải chán chường than thở vì bế tắc, vì quẩn quanh trong cái suy nghĩ mình đã sống một cách nhàm chán và hoang phí cỡ nào.

Sống có ước mơ, khát khao, hoài bão đã là sống trọn vẹn nhất chưa? Con người sống còn phải có lí tưởng, ý chí, nghị lực vượt qua những khó khăn, giông tố của cuộc đời. Bởi chỉ như thế thì ta mới có thể biến ước mơ thành hiện thực. Cuộc đời mỗi người không phải bao giờ cũng rải đầy những bông hồng rực rỡ mà còn có những khó khăn, cạm bẫy rình rập. Vậy điều duy nhất mà ta phải làm để có thể sinh tồn trên đời chính là nỗ lực hành động. Sống sừng sững như một cái cây có giá trị giữa rừng già thì ta mới có thể in dấu ngàn năm trên mặt đất. Dũng cảm đương đầu và vượt qua thử thách giúp con người chín chắn, trưởng thành hơn và giấc mơ chạm tay đến cánh cửa của thành công sẽ không còn xa vời. Một quốc gia có những người có chí tiến thủ như vậy sẽ đi lên phát triển, vững mạnh, văn minh.

Nếu ước mơ là ngọn lửa cháy bỏng, cuồng nhiệt, nếu ý chí nghị lực là đôi cánh nâng ta vượt qua giông tố cuộc đời thì tình yêu thương, sẻ chia, đồng cảm là liều thuốc thần kì gắn kết người với người xiết lại gần nhau hơn. Người biết yêu thương, sẻ chia, biết đau trước nỗi đau của đồng loại là người có trái tim hoàn hảo và thánh thiện nhất. Nó có sức mạnh thanh lọc tâm hồn người, hướng con người đến tình cảm cao quý và tốt đẹp: tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nhân loại. Lòng tốt là thứ ngôn ngữ duy nhất người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy. Vì vậy đừng tiếc trao đi tấm lòng, cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao nếu có những người biết sống yêu thương, đồng cảm.

Nhịp đập cho trái tim sự sống, và nếu cuộc đời là một đường thẳng có lẽ bạn đã chết. Sống một cuộc đời quá ư bằng phẳng, không biết ước mơ, khát khao thì ta sẽ chẳng bao giờ biết nỗ lực, phấn đấu vươn lên để khẳng định mình. Rồi một ngày nào đó con người cũng sẽ dần tan biến như một hạt cát vô danh giữa xa mạc, như giọt nước giữa đại dương bao la. Liệu có ai muốn một cuộc đời tầm thường, vô vị như vậy không?

Hãy nhớ rằng nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình người. Sống không biết yêu thương, sẻ chia, đồng cảm thì con người có khác gì sự vật vô tri vô giác. Nó là cơ hội cho những thói hư tật xấu, lòng ghen ghét, đố kị xâm nhập vào tâm hồn, là nguyên nhân gây ra chiến tranh, các cuộc xung đột sắc tộc… Thử hỏi có ai muốn sống trong thế giới đau khổ, bất hạnh ấy không?

Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương đã sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa. Ước mơ, khát vọng đã làm nên thành công của Bill Gate – người sáng lập ra tập đoàn Mycrosoft, ý chí nghị lực đã ghi danh nữ phi công Jessica, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và tình yêu thương đã cất lên bài ca về anh Trần Phước Hòa ở Bình Tân, Hồ Chí Minh – người xây dựng hệ thống cơm chay giá 5000đ để giúp đỡ những người khó khăn. Họ chính là những con người khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính phục.

Bên cạnh đó vẫn còn những kẻ không hiểu được ý nghĩa và giá trị của cuộc sống trọn vẹn, sống buông lơi, bất cần đời, không biết yêu thương, sẻ chia, tâm hồn tàn lụi ngay khi còn sống. Cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng bắt đầu từ những bước đi nhỏ bé đầu tiên. Ta hay chê cuộc đời méo mó, sao ta không tròn tự trong tâm? Thay vì than trách số phận thì hãy học cách thấm thía những khó khăn, sóng gió để biết vươn lên, biến ước mơ thành hiện thực. Sớm muộn gì con người cũng nhận ra họ chính là người làm vườn cho tâm hồn và là đạo diễn cho cuộc đời. Thành công và hạnh phúc luôn đi liền với nhau, sống cao cả, lớn lao nhưng cũng phải ý nghĩa, tốt đẹp. Sống phải biết yêu thương bản thân thì mới có thể yêu thương người khác. Hãy bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, một nụ cười, một lời chào, một câu cảm ơn hay xin lỗi chân thành cũng đã góp phần cải tạo thế giới loài người thêm tốt đẹp hơn.

Sống trọng vẹn nhất là như vậy, ước mơ hoài bão, ý chí nghị lực, yêu thương sẻ chia. Hãy đối xử với bản thân bằng lí trí và đối xử với người khác bằng tấm lòng, hãy xem đó là kim chỉ nam dẫn đường dạy bạn những bước đi ý nghĩa đầu tiên.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Có một quan niệm sống mà nhà văn Lưu Quang Vũ đã đưa ra cho chúng ta vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt là: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Vậy thực chất câu nói của Lưu Quang Vũ như thế nào? Quan niệm sống mà ông muốn đưa ra là quan niệm sống mà nhà văn muốn nói đến chính là hãy sống thành thật với chính mình, sống để giữa tinh thần và thể xác của mình là một sự thống nhất. Bên trong, bên ngoài, ở đây chính là bên trong tâm hồn, về mặt tinh thần. Còn bên ngoài là những cư xử, về mặt thể xác. “Một đằng, một nẻo” chỉ trái ngược nhau. “Bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” chỉ sự trái nhau giữa tinh thần và thể xác. “Toàn vẹn” là sự trọn vẹn hoàn toàn, sự thống nhất chung.

Do vậy, điều đầu tiên mà Quang Vũ muốn đặt ra ở đây là: Con người luôn có một sự thống nhất chung giữa bên trong và bên ngoài. Thật vậy, điều đó là thực sự quan trọng cần có đối với mỗi người chúng ta bởi con người là thực thể thống nhất giữa hai mặt tinh thần và thể xác. Nếu như sự thống nhất đó không còn thì ta không còn là chính ta nữa. Ví dụ đơn giản là nếu như một con người quyết tâm nhưng lại có những hành động trái ngược với quyết tâm đó thì ta không còn là một người quyết tâm như ta muốn nữa. Điều thứ hai mà nhà văn muốn nói đến đó là: Con người phải sống thật với mình. Song để sống thật với bản thân mình chính là điều xuất phát từ tìm, hiểu những gì mà mình cần và hãy là chính mình. Nếu không sống với chính mình thì con người sẽ đau khổ và sẽ gây ra đau khổ, tai họa cho mọi người Bởi vì khi đó ta đang tự lừa dối chính bản thân mình, lừa dối người khác, rồi sự lừa dối đó sẽ làm chính bản thân mình dằn vặt, đau khổ, mọi người sẽ nhìn nhận người đó là một người khác chứ không phải là chính bản thân họ. Chẳng hạn có một ai đó với vẻ bề ngoài rất đỗi hiền thục, tốt bụng nhưng bên trong lại độc ác, suy tính những chuyện có hại cho người khác dựa vào bề ngoài của mình thì khi đó chính người đó đã gây ra sự đau khổ, tai hại cho người khác.

Sống trọn vẹn giúp cho chúng ta cảm nhận được sự hạnh phúc và vui vẻ xuất phát từ chính tâm hồn, không phải băn khoăn day dứt vì bản thân làm trái với suy nghĩ, với con tim. Tôi từng nghe một câu thể hiện gần như hết cái lối sống trọn vẹn ấy rằng: “Bất kể bạn học chuyên ngành gì, nhất định khi tìm việc phải tìm 1 công việc mình yêu thích. Như vậy bạn mới có thể vui vẻ từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối được. Thêm nữa, hãy tìm một người bạn yêu để ở bên cạnh người đó, như vậy bạn mới có thể hạnh phúc từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Đó chính là cuộc sống!”. Như vậy một khi chọn được những thứ phù hợp, ta được sống theo đúng với những gì mà mình mong đợi, thể xác và tâm hồn không phải gồng lên để tranh đấu, bạn có thể hoàn toàn vui vẻ với cuộc sống mà chẳng có gì phải phiền não, mệt mỏi. Ngược lại, những con người giữa thể xác và tâm hồn, giữa con tim và lý trí không hề có sự thống nhất và hòa hợp, thì sẽ luôn phải gồng mình chịu đựng sự tranh đấu không ngừng giữa con tim và lý, luôn cảm thấy cuộc sống mệt mỏi, áp lực và nhàm chán. Ví dụ như có người thích công việc này nhưng vì tiền lương công việc kia cao hơn, thế là cắn răng chấp nhận hàng ngày, hàng tháng thậm chí là cả đời làm một việc mà mình không thích.

Có người luôn sống một cách mà tôi hay gọi là “chấp nhận” số phận, họ không hề có ý chí vươn lên, thay đổi bản thân, thay đổi cuộc sống, cứ chấp nhận chịu đựng cái số phận khốn khổ ấy, nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn hoàn khổ, chán nản lại càng thêm chán nản, thế là tồn tại lay lắt chứ không phải cuộc sống đúng nghĩa nữa rồi. Lại có người nghĩ một kiểu nhưng lời ra miệng lại một kiểu khác, rõ ràng chẳng mấy ưa người đối diện, nhưng vẫn xởi lởi, nịnh hót, làm ra vẻ thân thiết thật lòng, không biết rằng làm như vậy về nhà suy nghĩ lại họ sẽ có cảm giác như thế nào. Đáng sợ hơn là những người “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, ngoài mặt tỏ ra hiền lành, nhưng lại ngấm ngầm chơi xấu sau lưng người khác, kiểu người này là đáng ghê tởm nhất. Sống mà một bụng mưu mô tính toán, suốt ngày nghĩ cách sống sao cho vừa lòng tất cả mọi người trong thiên hạ, thử hỏi lúc nào là bạn sống cho bản thân mình? Cuộc đời mà bị phân năm xẻ bảy cho những thứ không đâu ấy, có phải rất mệt mỏi không? Thế rồi có người cả đời chỉ lao đầu vào làm việc bất kể đêm ngày, chẳng có thú vui nào khác, cuộc sống toàn là những con số, những dòng chữ chằng chịt, họ gạt gia đình, bạn bè qua một bên, để rồi cuối cùng nhìn lại họ đã tự tay gạt mình ra khỏi cuộc sống, tự đưa mình vào cô độc, thật sự rất đau khổ. Hãy nhớ rằng phấn đấu nỗ lực hết mình vì đam mê, lý tưởng không có nghĩa là gạt bỏ mọi điều tốt đẹp khác trong cuộc sống sang bên, có lao động thì phải có tận hưởng, nếu không khi đã già yếu, gần đất xa trời mới phát hiện ra bản thân mình thiếu thốn đến nhường nào thì đã muộn lắm rồi.

Chung quy lại, đời người không dài không ngắn, nhưng có hạn mức, chúng ta không nên sống một cuộc đời mà mình luôn phải gồng lên để chịu đựng, phải đóng vai những người hoàn mỹ tuyệt vời trong mắt người khác. Hãy sống là chính bản thân mình, thích thì nó là thích, ghét thì cứ mạnh dạn bày tỏ, nghiêm túc với ước mơ, phấn đấu hết mình vì lý tưởng, yêu trọn con tim, dành những tình cảm ấm áp nhất cho những người quan trọng nhất, miễn đừng làm tổn thương người khác là được. Đó mới thực sự là sống, sống trọn vẹn một cuộc đời không nuối tiếc, mà chỉ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 12

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button