Nghị luận xã hội về hiện tượng hiệu ứng đám đông là một chủ đề hay nằm trong chương trình Ngữ văn 12. Nhằm giúp các em làm quen với chủ đề này, Trường Tiểu học Thủ Lệ xin gửi đến các em bài văn mẫu chi tiết bên dưới nhé! Bên cạnh đó, bài văn mẫu này còn giúp các em nâng cao kĩ năng viết văn Nghị luận xã hội để đạt điểm cao trong các kì thi sắp tới, đặc biệt là kì thi THPT Quốc gia. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận xã hội về tình yêu thiên nhiên.
Bạn đang xem: Nghị luận xã hội về hiện tượng hiệu ứng đám đông
Contents
1. Sơ đồ gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
– Giới thiệu được vấn đề nghị luận: hiện tượng hiệu ứng đám đông trong xã hội
b. Thân bài:
* Giải thích
– Hiệu ứng đám đông là gì?
- Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng tâm lý xã hội tồn tại trong mọi cộng đồng con người.
- Hiệu ứng đám đông có thể được hiểu là những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc.
- Tâm lý học gọi hiện tượng đi theo số đông về nhận thức và hành động dưới sức ép của dư luận là “hiệu ứng đám đông”.
* Biểu hiện của hiện tượng hiệu ứng đám đông:
– Hành động và nhận thức theo sức ép của dư luận, của số đông nhằm phù hợp với tâm lý chung của đại đa số. Nhiều người chạy theo đám đông, thích a dua, cùng tham gia một sự việc nhưng hoàn toàn không có chính kiến, không hiểu bản chất của sự việc.
– Những người suy nghĩ và hành động ngược với số đông dễ bị dư luận gây sức ép, kỳ thị và có thể phải ra khỏi tập thể.
* Tác hại của tâm lý đám đông:
– Hiệu ứng đám đông tạo ra một bộ phận chiếm ưu thế về số lượng nhưng không có sự liên kết thực sự nên không tạo nên sức mạnh bền vững mà chỉ là sức mạnh nhất thời, mặt khác còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
– Thường cho rằng phán đoán của đám đông bao giờ cũng đúng hơn phán đoán của từng cá nhân riêng lẻ, từ đó dẫn đến những sai lầm trong nhận thức vấn đề.
– Đôi khi ý kiến, suy nghĩ, hành động đơn lẻ của cá nhân vấp phải dư luận áp lực tập thể, khiến họ phải chịu khuất phục nếu không sẽ bị đào thải khỏi đám đông. Thậm chí nguy hiểm cho tính mạng của cá nhân đó.
– Do sự thiếu thông tin, mập mờ trong nhận thức nên con người thường theo số đông nhằm tránh sự lúng túng và tạo sự thống nhất an toàn bên trong tập thể.
– Hình thành thói quen xấu chỉ biết làm theo người khác, biến con người thành những người thiếu bản lĩnh, dễ bị lôi kéo, kích động, mất đi cá tính riêng, thiếu tính tiên phong.
– Đối với các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm sống và kiến thức xã hội về các vấn đề mà các bạn bất ngờ gặp phải, dễ bị cuốn theo “tâm lý đám đông”, “hùa theo” những vấn đề nóng của xã hội một cách vô thức mà không hiểu bản chất vấn đề.
* Giải pháp giải quyết vấn đề hiệu ứng đám đông:
– Cần trau dồi kiến thức, có sự trải nghiệm thực tế để bản thân có những hiểu biết, không ngừng nâng cao nhân phẩm, đạo đức, từ đó phân biệt rõ phải trái trước mọi vấn đề trong cuộc sống.
– Cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng “một chiều” của đám đông, chúng ta không coi thường nhưng cũng đừng quá coi trọng đến sự đánh giá của dư luận.
– Bên cạnh tác động xấu, hiệu ứng đám đông cũng có những ý nghĩa tích cực nhất định. Có thể khai thác những mặt tích cực của hiệu ứng đám đông, đặc biệt là trong kinh doanh và tâm lý học giáo dục.
* Bài học hành động và liên hệ bản thân
– Một hành động của bạn cho dù rất nhỏ bé, nhưng khi nó đã có tương tác với cộng đồng, khi nó hòa mình vào vô số những hành động khác. Vì vậy, hãy đủ tỉnh táo để ý thức được bản thân mình đang làm gì và sẽ có hệ quả ra sao.
– Khi bạn làm một việc gì mà không quan tâm đến những lời chỉ trích hay vì cần lời khen tặng của đám đông, họ lại kính nể bạn, vì bạn có chính kiến, dám sống, dám cống hiến và sẵn sàng đem sức mình xây dựng xã hội.
c. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy nêu suy nghĩ của em về hiện tượng hiệu ứng đám đông bằng một bài văn ngắn.
GỢI Ý LÀM BÀI
3.1. Bài văn mẫu số 1
Hiệu ứng đám đông là những tác động của đám đông đến suy nghĩ và hành vi của con người, khiến con người phải làm theo những điều mà số đông cho là hay, là đúng và sáng suốt mà bản thân lại không có suy nghĩ, chính kiến về điều đó.
Biểu hiện của hiệu ứng đám đông là nỗi sợ hãi bị đám đông phán xét và bị loại ra khỏi nhóm; là những người không quen biết cùng hùa nhau phán xét, “ném đá” một người dẫu chưa hiểu ngọn nguồn sự việc; ăn mặc theo trào lưu, nói năng theo số đông dẫu điều đó chưa hẳn có nghĩa và chưa hẳn đúng phong cách của bản thân; là những hành vi phản cảm trên mạng dễ dàng nhận hàng nghìn like và lượt share vì được đám đông cổ vũ… Đây là hiện tượng rất phổ biến, có thể thấy ở bất cứ đâu, cần cảnh báo về sự nguy hại của nó.
Con người sống trong xã hội nên luôn chịu sự tác động, chi phối của quy luật chung, của số đông. Do tâm lý chủ quan “số đông luôn đúng”.
Do đám đông có những quyền lực đáng sợ, có thể kiểm soát và định hướng hành vi con người. Do bản thân mỗi người thiếu thông tin, mơ hồ trong nhận thức, thiếu chính kiến, yếu đuối, không suy nghĩ chín chắn … nên dễ bị đám đông chi phối, lôi kéo.
Hiệu ứng đám đông tích cực sẽ giúp con người kết nối với nhau; bắt kịp trào lưu, xu hướng để tránh lạc hậu; được tham vấn và định hướng hành động đúng đắn; tập hợp đông đảo mọi người hưởng ứng các phong trào tích cực của xã hội…
Hiệu ứng đám đông tiêu cực làm mỗi người bị thủ tiêu chính kiến, tư duy độc lập, sự sáng tạo vì mải chạy theo điều đám đông nghĩ và làm. Điều này tất yếu sẽ khiến mỗi người trở thành cái bóng, không dám sống thật với chính mình, không làm chủ được bản thân và cuộc đời của mình, không biết mình thực sự muốn gì và cần phải làm gì, khiến cho mọi người không hiểu, không nắm bắt được bản chất cốt lõi của sự việc, sự vật vì nó luôn bị che lấp bởi ý kiến của đám đông. Lúc đó lời đánh giá của số đông trở thành tiêu chuẩn của chân lý.
Thực tế đã chứng minh trong nhiều trường hợp số đông chưa chắc đã đúng. / Gây ra những hậu quả đáng tiếc, khôn lường đối với người xung quanh và xã hội: nhiều người phải chạy trốn, trầm cảm hoặc tự sát vì bị đám đông lên án; nhiều vụ phạm tội tập thể diễn ra; tệ nạn xã hội gia tăng…
Đám động luôn xuất hiện trong cuộc sống và có tác động ít nhiều đối với mỗi con người. Hãy biết khai thác mặt tích cực từ hiệu ứng đám đông một cách thông minh nhưng cần phải sống luôn là chính mình.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Có lẽ, hiệu ứng đám đông là cụm từ thường được mọi người nhắc đến khi nhiều người cùng thực hiện một công việc, với một thái độ giống nhau. Chúng ta có ta có giải thích rằng đây là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài, sự tác động đó lớn tới mức cá nhân có thể “đánh mất chính mình”, có những cảm xúc, thái độ, hành vi mà lúc ở một mình họ không thể nào có được.
Trong số hàng nghìn thanh niên chen lấn, xô đẩy để vào ăn một món nào đó, chắc gì tất cả đều thích món ăn đó, song thấy người ta “túm đen tím đỏ”, nghĩ là có điều gì đó thú vị, nên cũng ùa vào theo. Có hàng nghìn những lời bình luận (comments) trên mạng sau một bài viết nào đó hay một câu status trên facebook của một ai đó, chắc gì tất cả đã đọc bài viết hay hiểu ý nghĩa của câu status đó, song thấy người ta phê phán, chê bai hay khen ngợi, mình cũng phải “vào hùa” khen ngợi hay chê bai. Không ít người khen, chê dựa vào thái độ của những người trước đó. Có nhiều trường hợp xảy ra bút chiến giữa các nhóm thanh niên vì những lời nhận xét khác nhau, đi quá xa so với những gì bài viết đề cập.
Trong thực tế, khi cần biểu quyết một vấn đề quan trọng nào đó, người ta ít dùng biện pháp “giơ tay”, bởi trong đám đông (hội trường, hội nghị,…), nhiều người giơ tay sau khi đã quan sát xem “đa số người ta làm gì thì mình làm thế …”, chứ thực ra không có chính kiến cá nhân. Hình thức bỏ phiếu kín vẫn đáng tin cậy hơn biểu quyết giơ tay, vì ít chịu tác động của tâm lý đám đông.
Đứng trong đám đông reo hò, người vốn nhút nhát có thể mạnh dạn hò reo khản cổ. Đang đi đường, thấy một đám đông làm một việc gì đó, không ít người ban đầu dừng lại tò mò, sau bị tâm lý đám đông cuốn đi, nhập cuộc luôn, khiến đám đông trở nên đông hơn. Đi trong biển người hô vang khẩu hiệu yêu nước, ta thấy lòng rạo rực, lâng lâng cảm xúc, rồi cùng sẽ góp thêm một tiếng hô. Đi trong dòng người đưa tang đang nức nở, tự nhiên ta thấy sống mũi cay cay, nước mắt chỉ trực trào ra, dù thật lòng ta chẳng có quan hệ thân thiết gì với người đã khuất, thậm chí không biết đó là ai.
Tâm lý đám đông cũng để lại những tác hại nghiêm trọng nhất là với những bạn trẻ. Nhiều bạn chạy theo đám đông thích a dua, nhiều người cùng tham gia một sự việc nhưng hoàn toàn không có chính kiến, không hiểu bản chất của sự việc. Họ chiếm ưu thế về số lượng nhưng không có sự liên kết thực sự nên không tạo nên sức mạnh bền vững mà chỉ là sức mạnh nhất thời, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Tác hại của lối sống chạy theo đám đông: hình thành thói quen xấu chỉ biết làm theo người khác, biến con người thành những người thiếu bản lĩnh, dễ bị lôi kéo, kích động, mất đi cá tính riêng, thiếu tính tiên phong. Có thể do các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm sống và kiến thức xã hội về các vấn đề mà các bạn bất ngờ gặp phải. Sự bùng nổ thông tin như hiện nay, nhất là mạng xã hội cũng góp phần tiếp tay cho các bạn thể hiện cảm xúc của mình trong tích tắc. Vì vậy, các bạn dễ bị cuốn theo “tâm lý đám đông”, “hùa theo” những vấn đề nóng của xã hội một cách vô thức. Nhưng khi đã phân biệt rõ phải trái với lương tâm trong sáng, bạn hãy can đảm thực thi những giá trị nhân bản, hãy sống sao cho bản thân được tôn trọng và không ngừng nâng cao nhân phẩm, đạo đức. Và để dám nghĩ, dám nói, dám tin, dám làm, bạn hãy cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng “một chiều” của đám đông, chúng ta không coi thường nhưng cũng đừng quá coi trọng đến sự đánh giá của dư luận. Khi bạn làm một việc gì mà không quan tâm đến những lời chỉ trích hay vì cần lời khen tặng của đám đông, họ lại kính nể bạn, vì bạn có chính kiến, dám sống, dám cống hiến và sẵn sàng đem sức mình xây dựng xã hội.
Hiệu ứng đám đông có thể được hiểu là những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác. Người ta thường chạy theo những cái mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc.
Đây là trạng thái tâm lý khá phổ biến ở mọi lứa tuổi tại Việt Nam. Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng thường gặp trong hoạt động thị trường của nhiều doanh nghiệp. Do không nắm bắt được đầy đủ thông tin, nhà đầu tư rất khó đưa ra lời dự đoán hợp lý về tính bất xác định của thị trường trong tương lai. Chính vì thế, họ thường thông qua việc quan sát hành vi của mọi người xung quanh để chắt lọc thông tin, vì luồng thông tin này được “truyền thông” liên tục; thông tin được mọi người nắm bắt về cơ bản là giống nhau, từ đó nảy sinh hành vi a dua theo đám đông.
Trong nền kinh tế, những thay đổi về cung cầu một phần cũng do hiệu ứng đám đông mà ra. Chẳng hạn, khi một công ty quyết định đầu tư vào một lĩnh vực, ngành hàng nào đó và kết quả kinh doanh là sự tăng trưởng đến chóng mặt của doanh thu và lợi nhuận. Tất yếu, điều này sẽ khiến cho rất nhiều những công ty khác cũng nhảy vào lĩnh vực này đầu tư kinh doanh. Đây chính là yếu tố căn bản làm đảo ngược cán cân cung cầu trên thị trường cũng như tính hấp dẫn của các ngành nghề kinh doanh.
Trong giới học sinh, sinh viên, tâm lý đám đông cũng là hiện tượng khá phổ biến từ sinh hoạt, học tập đến cả vui chơi giải trí. Thế mới có cụm từ “trào lưu”. Từ trào lưu thời trang Hàn Quốc, đến trào lưu chụp ảnh selfie,….Ngay cả chuyện học hành cũng trở thành trào lưu! Chẳng hạn cách đây vài năm việc hiệu ứng đám đông làm ngành ngân hàng đã khiến cho không ít sinh viên đổ xô đăng ký học ngành ngân hàng. Và đến nay lại đang có hiệu ứng đám đông học y dược và thế là số điểm chuẩn đầu vào ngành này bị đẩy tăng vọt!
Trong giới các nhà đầu tư tài chính tiền tệ, hiệu ứng đám đông cũng là một yếu tố ảnh hưởng không ít đến sự chao đảo của thị trường tài chính. Với việc một nhóm người cùng loạt chuyển sang mua cổ phiếu của công ty này đã khiến hàng những nhóm người khác bắt chước theo, mọi người đổ xô đi mua vàng làm giá vàng tăng vọt….
Rõ ràng hiệu ứng đám đông đã chi phối không ít đến các lĩnh vực ngành nghề khác nhau và Marketing cũng không phải là trường hợp cá biệt. Các nhà làm Marketing của doanh nghiệp đã lợi dụng tâm lý này để tác động đến khách hàng, xóa bỏ mọi nghi ngờ đắn đo cũng như rút ngắn thời gian ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hiệu ứng đám đông còn giúp doanh nghiệp có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong mua sắm để gia tăng số lượng khách hàng mới tạo đà cho sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và cả thị phần. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, bản thân hiệu ứng đám đông cũng được xem là một thách thức không nhỏ đối với các công ty trong việc tạo dựng lòng trung thành và duy trì mức tăng trưởng bền vững. Bởi lẽ, có thể khách hàng mua sản phẩm của công ty một cách mù quáng, chỉ vì thấy nhiều người mua mà coi nhẹ việc nghiên cứu bản thân sản phẩm. Hành vi mua này rất dễ khiến khách hàng cảm thấy hối hận sau khi bình tĩnh trở lại. Điều này chắc chắn sẽ là những rắc rối không nhỏ cho công ty và nhân viên tiếp thị.
–
Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ