Giáo DụcLớp 12

Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân ái

Đoạn văn mẫu nghị luận xã hội bàn về lòng nhân ái mà Trường Tiểu học Thủ Lệ giới thiệu sau đây giúp các em hiểu được: Lòng nhân ái là gì? Đồng thời phân tích làm rõ vì sao sống phải có lòng nhân ái, rồi tiến tới phản đề: Nếu như không có lòng nhân ái thì sẽ như thế nào? Để từ đó rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân. Thông qua tài liệu này, giúp ôn lại và củng cố kiến thức, kĩ năng làm dạng đề nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lý cho các em.

Bạn đang xem: Nghị luận xã hội bàn về lòng nhân ái

A. Sơ đồ gợi ý

Sơ đồ tư duy - Nghị luận về lòng nhân ái, bao dung trong xã hội

B. Dàn bài chi tiết

1. Mở đoạn

  • Giới thiệu ngắn gọn vấn đề cần nghị luận: Lòng nhân ái, bao dung vẫn luôn là truyền thống tốt đẹp của đất nước ta từ ngàn đời nay.

2. Thân đoạn

a. Giải thích

  • “Nhân ái” là tình yêu thương giữa con người với con người.
  • “Lòng nhân ái” là cách con người trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp mà không hề có vụ lợi, không mong muốn được nhận lại gì từ người kia.

b. Phân tích, chứng minh

  • Tại sao sống cần phải có lòng nhân ái?
    • Chiếc cầu nối các tâm hồn với nhau.
    • Truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
    • Lòng nhân ái không chỉ giúp con người khắc phục được phần nào khó khăn mà còn khiến cho trái tim ta được rộng mở hơn.
    • Ví dụ: Trong chiến tranh,  thực tế xã hội ngày nay…

c. Mở rộng

  • Vẫn còn nhiều người có thái độ sống vô cảm, ích kỉ, chỉ nghĩ tới bản thân, lo nghĩ tới quyền lợi cá nhân.

⇒ Thái độ sống cần được lên án và phê phán gay gắt.

d. Bài học và liên hệ bản thân

  • Lòng nhân ái khiến con người xích lại gần nhau hơn. Là một cách làm giàu đẹp cho tâm hồn chính bản thân mình.
  • Thế hệ trẻ ngày nay cần phải không ngừng học tập, rèn luyện để trở thành một người có ích.

3. Kết đoạn

Khẳng định lại vấn đề : Sống trên đời cần phải có lòng nhân ái cuộc sống của con người ta mới thật sự ý nghĩa.


Đoạn văn mẫu

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu  ý kiến của anh (chị) về lòng nhân ái.

Gợi ý làm bài

       Nếu như Steve Godier đã từng cho rằng: “Lòng nhân ái là biểu hiện cao đẹp nhất của con người” thì ở nước ta cũng có câu nói: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – người trong một nước phải thương nhau cùng”. Lòng nhân ái vẫn luôn là truyền thống tốt đẹp của đất nước ta từ ngàn đời nay. Những truyền thống ấy vẫn tồn tại và không ngừng phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau.  Vậy “nhân ái” là gì? Nếu phân tích nghĩa của từng từ thì “nhân” có nghĩa là người, “ái” có nghĩa là yêu. “Nhân ái” là tình yêu thương giữa con người với con người. “Lòng nhân ái” là cách con người trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp mà không hề có vụ lợi, không mong muốn được nhận lại gì từ người kia. Trong xã hội, mỗi một cá nhân là một cá thể riêng biệt, độc lập. Tuy nhiên, lòng nhân ái giống như chiếc cầu nối các tâm hồn với nhau, giúp cho mọi người được gắn kết, thắt chặt với nhau. Ông cha ta đã đúc kết chúng thành những câu thành ngữ, tục ngữ như một bài học để răn dạy và nhắc nhở con cháu sau này như “lá lành đùm lá rách” hay “thương người như thể thương thân”. Trong chiến tranh, chính tình yêu thương đã đem lại sức mạnh đoàn kết dẫn tới thắng lợi vẻ vang cho dân tộc, giành lại độc lập cho quê hương đất nước. Ngày nay, đất nước đã hòa bình, nhưng vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Người già không nơi nương tựa, trẻ em lang thang cơ nhỡ…thực sự cần mọi người dành sự quan tâm đặc biệt. Hay như hàng năm, bão lũ triền miên kéo theo nhiều gia đình bị mất nhà, gia sản, thậm chí cả người thân. Nếu không có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, thực sự rất khó để họ có thể quay lại cuộc sống bình thường. Lòng nhân ái không chỉ giúp cho họ khắc phục được phần nào khó khăn mà còn khiến cho trái tim ta được rộng mở hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người có thái độ sống vô cảm, ích kỉ, chỉ nghĩ tới bản thân, lo nghĩ tới quyền lợi các nhân. Họ không quan tâm đến những người xung quanh đang nghĩ gì hay cảm thấy thế nào. Không có sự cảm thông trước những nỗi đau của người khác. Đó là thái độ sống cần được lên án và phê phán gay gắt. Thế hệ trẻ ngày nay cần phải không ngừng học tập, rèn luyện để trở thành một người có ích, để đem sức mình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Để luôn gìn giữ và phát huy truyền thống tương thân tương ái của cha ông ta. Sống trên đời cần phải có lòng nhân ái, cần yêu thương người khác như yêu chính bản thân mình. Bởi có thế cuộc sống của con người mới thật sự ý nghĩa. Bởi “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Trên đây là sơ đồ tư duy, dàn bài chi tiết và đoạn văn mẫu bàn về lòng nhân ái. Tài liệu này sẽ giúp các em làm quen với cấu trúc đề thi THPT Quốc gia năm 2017 phần nghị luận xã hội. Bên cạnh đó, tài liệu còn giúp các em ôn lại kiến thức và kĩ năng giải quyết dạng đề này để có bước chuẩn bị thật tốt và đạt được kết quả thật cao trong kì thi quan trọng sắp tới.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý để củng cố kiến thức và kĩ năng một cách khái quát hơn đối với dạng đề này.

–MOD Ngữ văn Trường Tiểu học Thủ Lệ (tổng hợp và biên soạn)

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 12

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button