Trường Tiểu học Thủ Lệ xin giới thiệu đến các em bài văn mẫu Nghị luận về lòng yêu nước nhằm giúp các em có ý thức hơn trong vấn đề xây dựng và bảo vệ đất nước. Hy vọng rằng bài văn mẫu này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng theo dõi nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về trang phục của giới trẻ hiện nay.
Bạn đang xem: Nghị luận về lòng yêu nước
Contents
1. Sơ đồ gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
– Dẫn dắt từ truyền thống yêu nước của dân tộc ta được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ
– Đặt ra câu hỏi: Liệu tinh thần yêu nước xưa và nay có thay đổi, có khác biệt hay không.
b. Thân bài:
* Giải thích về lòng yêu nước:
– Lòng yêu nước là tình yêu đối với quê hương, đất nước, là hành động, là không ngừng nỗ lực để xây dựng và phát triển đất nước.
– Lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng, cao quý của mỗi người dành cho đất nước mình.
* Biểu hiện của lòng yêu nước:
– Thời kỳ chiến tranh:
+ Đứng lên, cầm súng ra chiến trường để chiến đấu chống lại kẻ thù. Không ngại khó khăn, gian khổ mà xông lên giành độc lập cho dân tộc.
+ Ở hậu phương thì không ngừng tăng gia sản xuất, chắt chiu lương thực, thực phẩm để chi viện cho chiến trường
+ Lòng yêu nước ở giai đoạn này là một tình cảm quyết liệt mà mạnh mẽ.
+ Lấy ví dụ, lòng yêu nước thể hiện qua một số câu nói nổi tiếng như: “Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh” hay “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
+ Các tấm gương hy sinh anh dũng cho độc lập dân tộc: Võ Thị Sáu, Kim Đồng, Nguyễn Văn Thạc…
+ Sức mạnh của lòng yêu nước vô cùng lớn, như Bác Hồ đã nói: “Lòng yêu nước có thể nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”
– Thời kỳ hòa bình:
+ Thể hiện ở nhưng hoạt động nhằm hướng tới con đường Xã hội chủ nghĩa . Với mong muốn mang lại cuộc sống no đủ, đầm ấm cho nhân dân và sự phát triển bền vững.
+ Thể hiện trong công việc và trong cuộc sống. Là không ngừng nỗ lực để góp phần đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
+ Ngoài ra, lòng yêu nước còn thể hiện qua những tình cảm giản dị, gần gũi: tình yêu gia đình, tình yêu thiên nhiên, tình yêu thương giữa con người với con người…
+ Lòng yêu nước còn là niềm trăn trở trước những vấn đề của đất nước, dùng hành động thực tế để giải quyết những vấn đề đó.
+ Lòng yêu nước còn được thể hiện ở lòng tự hào dân tộc: biểu hiện cụ thể qua các áng thơ văn ngợi ca tinh thần ngoan cường của dân tộc; các bảo tàng lưu giữ những kỷ vật khắc ghi chiến công của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.
* Vai trò của lòng yêu nước:
– Là bệ đỡ tinh thần cho con người: là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ; giúp đồng bào luôn vững tâm tiến bước (Kiều bào luôn hướng về tổ quốc; Con người khi về già đều muốn trở về nơi chôn rau cắt rốn). Chính lòng yêu nước đã bồi dưỡng tâm hồn những con người nước Việt trở nên vững vàng, mạnh mẽ trong hành trình sống khắc nghiệt.
– Là động lực giúp con người sống có trách nhiệm hơn với gia đình, quê hương, đất nước, cộng đồng hay đơn giản nhất là đối với chính bản thân mình.
* Trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam đối với đất nước:
– Lòng yêu nước không phải là lời nói suông mà phải được thể hiện bằng hành động cụ thể:
– Không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức để trở thành con người đủ sức, đủ tài.
– Nghiêm túc, tự giác thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước, các nội quy, quy định của nhà trường, cơ quan công tác…
– Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu một cách chính đáng
– Bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật…
– Dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.
c. Kết bài:
– Khẳng định lòng yêu nước của mỗi công dân Việt Nam
– Kêu gọi mọi người hãy quên đi sự ích kỷ bản thân, “cái tôi” cá nhân để cùng hướng về tổ quốc.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận về lòng yêu nước.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta được lưu truyền và phát huy từ đời này qua đời khác. Nó không những không bị mai một đi mà ngày càng được phát huy một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong xã hội hiện nay.
Lòng yêu nước chính là lòng yêu quê hương, xóm làng, yêu núi sông, yêu Tổ quốc hay yêu những thứ nhỏ bé, bình dị nhất xung quanh cuộc sống của mỗi chúng ta. Lòng yêu nước còn là khát vọng dựng xây, phát triển đất nước ngày một giàu mạnh hơn, rạng rỡ hơn.
Đâu đó vẫn còn đọng lại đến ngày nay, là những tấm gương sáng chói cho thế hệ trẻ noi theo, những người mẹ Việt Nam anh hùng, những Trưng Trắc, Trưng Nhị; hay những Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân chèn pháo như anh hùng Tô Vĩnh Diện… sẽ là những câu chuyện còn vang mãi đến thế hệ mai sau, mai sau nữa.
Đó là lòng yêu nước của dân tộc ta khi đất nước còn gian khổ, thế còn ngày nay, lòng yêu nước được thể hiện ra sao khi đất nước đang sống trong thời bình nhờ sự hy sinh thân mình của những thế hệ đi trước? Với câu hỏi này, sẽ có rất nhiều bạn trẻ nói rằng, ngày xưa chiến tranh thì còn thể hiện được lòng yêu nước, chứ thời nay thể hiện thế nào? Và ra sao?
Có thể nói, tình yêu nước được thể hiện với muôn hình vạn trạng. Ở mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh khác nhau thì tình yêu nước lại có những biểu hiện ngời sáng khác nhau. Trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt của dân tộc thì lòng yêu nước chính là tinh thần bất khuất, lòng khao khát độc lập tự do đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm và bè lũ bán nước. Là tinh thần đoàn kết đùm bọc lẫn nhau qua những năm tháng mưa bom bão đạn. Là sự nhiệt thành cách mạng, là sự hi sinh quên mình của những người lính nơi đầu sóng ngọn gió, là sự hi sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương… Lớp lớp những thế hệ hi sinh quên mình vì Tổ quốc mà lịch sử còn nhắc tên họ mãi. Chúng ta làm sao có thể quên một anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thấy mình chèn pháo, một Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai… và hàng ngàn những người con đã ngã xuống vì màu cờ đỏ thắm, vì độc lập tự do, vì lòng yêu nước sáng ngời.
Nếu như trong thời chiến lòng yêu nước là sự quả cảm, anh dũng chiến đấu thì trong thời bình tinh thần yêu nước lại chính là sự đoàn kết, sự giúp đỡ lẫn nhau để dựng xây lên một đất nước ngày một giàu mạnh hơn. Lòng yêu nước là không ngừng học hỏi, không ngừng phấn đấu để làm rạng danh dân tộc, rạng danh 2 tiếng Việt Nam. Một giáo sư Ngô Bảo Châu với giải thưởng về toán học danh giá. Một vận động viên Ánh Viên với những kỉ lục liên tiếp được phá vỡ với môn bơi lội… Đó chỉ là một số trong rất nhiều tấm gương những người Việt đang không ngừng phấn đấu để làm rạng danh Tổ quốc.
Nhưng không, các bạn đã hoàn toàn nhầm lẫn rất lớn trong suy nghĩ. Lòng yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay, thể hiện ở từng cá nhân qua những đóng góp của các bạn cho đất nước. Các bạn đi học, đi làm, có được một công việc tốt, đóng góp cho sự phát triển của nước nhà, đã là lòng yêu nước. Các bạn giúp đỡ những con người ở xung quanh, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, giúp đỡ mọi người qua cơn hoạn nạn, đó chính là lòng yêu nước. Hay đơn giản hơn nữa, mỗi một cử chỉ, một lời nói đẹp, một tình yêu giữa người với người, với cảnh vật xung quanh, với từng nhành cây ngọn cỏ nơi chúng ta sinh ra…đó chính là lòng yêu nước. Có gì lớn lao đâu, khi mà chúng ta thể hiện được tình yêu thương bao la với mọi thứ trên đời, thể hiện được tấm lòng nhân hậu, sự bao dung với mọi thứ xung quanh, mỗi một cá thể như vậy, sẽ góp phần tô điểm thêm cho truyền thống, lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc ta.
Bên cạnh những tấm gương, những con người yêu nước đó, thì cũng có những “ con sâu làm rầu nồi canh”. Những người cậy có chức có quyền tham ô tham nhũng, những cá nhân vi phạm pháp luật, hay những người tổ chức, kêu gọi chống phá nhà nước… đều làm xấu đi hình ảnh của đất nước ta trong mắt bạn bè quốc tế.
Nhận thức được sức mạnh của tình yêu đất nước, mỗi chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định cho mình ý thức bồi dưỡng tình cảm đó. Với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, anh “tự nguyện” dâng hiến cuộc đời mình: “Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương. Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm. Là người tôi sẽ chết cho quê hương. Tất nhiên, chết cho quê hương là cách nói hình ảnh, thể hiện sự cống hiến trọn vẹn cho đất nước, cho dân tộc. Thế hệ trẻ chúng ta có muôn vàn cách để chứng tỏ tình yêu quê hương, tổ quốc trong mình. Vũ khí trong tay chúng ta là sức mạnh tuổi trẻ, nhiệt huyết thanh xuân, là tri thức vững vàng, là nhân cách đạo đức trong sáng. Không có lý do gì để chúng ta không noi gương tinh thần yêu nước của cha anh. Không có lý do gì để chúng ta không hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ học tập của mình. Không có lý do gì để chúng ta không làm giàu cho quê hương, đất nước bằng sức lao động chân chính. Và càng không có lý do gì để chúng ta không thể đối diện chiến đấu với những tệ nạn đang nảy nở trong cuộc sống hôm nay.
Chắc chắn mỗi người dân Việt Nam ai cũng mang trong mình tình yêu đất nước. Nhưng làm thế nào để tình yêu đó ngày càng nồng nàn, tha thiết, ngày càng mãnh liệt hơn – đó là điều ai cũng cần tự giác nhận thức và tìm cho ra câu trả lời. “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” – lời ca ấy cũng chính là thông điệp nhắc nhở chúng ta nên quên đi “cái tôi” ích kỷ của mình để sum vầy cùng dựng xây đất nước.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Dân tộc Việt Nam ta đã trải qua hơn 4000 năm lịch sử, với không biết bao nhiêu đổi thay, thăng trầm. Từ những ngày tháng bị đô hộ, áp bức bóc lột, đến khi có được hòa bình như ngày hôm nay. Để có được nền hòa bình độc lập đó, chúng ta phải đánh đổi bằng rất nhiều thứ, mà thứ quan trọng hơn cả cần có ở mỗi cá nhân, chính là lòng yêu nước.
Lòng yêu nước của cha ông chúng ta xưa kia được thể hiện rất rõ nét qua tinh thần chiến đấu quật cường. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ thanh niên trai tráng đến những người phụ nữ chân yếu tay mềm, ai ai cũng có chung một điều, đó là lòng yêu nước, hướng đến những tháng ngày đất nước được giải phóng.
Biểu hiện của lòng yêu nước không phải là những thứ quá cao xa, nó nằm ngay ở ý thức và hành động của mỗi người. Trong thời kỳ kháng chiến, lòng yêu nước chính là đứng lên, cầm súng ra trận chiến đấu với kẻ thù. Mọi khó khăn, gian khổ đều không ngần ngại, xông lên phía trước giành lại độc lập tự do cho nhân dân. Lòng yêu nước lúc đó mạnh mẽ và quyết liệt. Đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân tương ái, cùng nhau chống lại kẻ thù. Chiến tranh ác liệt nhưng như Bác Hồ từng nó thì “lòng yêu nước có thể nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước”.
Lòng yêu nước lúc đó chính là cố gắng không ngừng nghỉ, cố gắng ngày và đêm để giữ lấy độc lập của đất nước. Quân thù hung ác nhưng ý chí chiến đấu của nhân dân càng phải quyết tâm. Tình yêu nước nồng nàn và tha thiết đó là vũ khí để chiến thắng kẻ thù.
Tình cảm ấy gần gũi, bình dị và thân thuộc vô cùng. Nó đến với tư tưởng mỗi người một cách rất tự nhiên, trong ý thức và những hành động bộc phát nhưng rất lý tính của con người. Dân tộc ta luôn tự hào là một dân tộc anh hùng. Lịch sử bốn nghìn năm dựng nước thì quá nửa chìm đắm trong nạn binh đao với những sự chết chóc, biệt ly, tang thương vô cùng. Tuy nhiên, đau khổ đến bao nhiêu cũng không khiến cho nhân dân ta lùi bước, bằng tinh thần đoàn kết và sức mạnh tinh thần. Như trong tác phẩm “Tình thần yêu nước của nhân dân ta”, bác Hồ kính yêu, vị cha già vĩ đại của dân tộc ta đã có nhiều lời khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc”.
Thật vậy, biểu hiện của tình yêu nước, tinh thần yêu nước của nhân dân ta được hiển hiện rất rõ nét trong đời sống, nó nằm ngay trong ý thức và hành động của mỗi con người Việt. Trong thời chiến, đó là hàng triệu trái tim từ các cụ già tóc bạc phơ đến những đứa trẻ tuổi đời còn rất nhỏ, thanh niên, kiều bào nước ngoài ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, một lòng hướng tới lý tưởng kiên quyết đấu tranh vì lý tưởng độc lập, hòa bình cho đất nước. Hậu phương có những người phụ nữ bản lĩnh với tám chữ vàng “ Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” thi đua tăng gia sản xuất, góp công sức sản xuất lương thực, thực phẩm gửi vào hậu phương chi viện cho bộ đội. Trên khắp các chiến trường, là những chiến sĩ anh hùng, quả cảm, luôn suy nghĩ về lợi ích cộng đồng hơn là những tình cảm cá nhân. Lòng yêu nước ấy mang giá trị to lớn vô cùng, sức mạnh của nó thật sự rất khủng khiếp, chính điều đó đã làm nên thương hiệu của một dân tộc anh hùng khi một đất nước nhỏ bé và lạc hậu đã đánh thắng, đã chiến thắng một cách oanh liệt kẻ thù hung bạo với vũ khí trang bị tối tân, hiện đại vô cùng.
Quê hương đất nước là bàn đạp giúp con người đạt được những thành công. Ngay từ khi còn bé, mỗi người dân Việt Nam đều đã được cha mẹ xây dựng và phát triển tinh thần yêu nước từ những giai điệu, lời hát, lời ru à ơi… Ngày nay cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cùng với sự du nhập của những giá trị văn hóa trên thế giới, những truyền thống dân tộc bị mai một và bị biến đổi; nhưng truyền thống yêu nước của dân tộc sẽ không bao giờ bị thay đổi, nó như một ngọn lửa âm ỉ cháy trong tâm hồn mỗi con người và khi có điều kiện hoàn cảnh, thử thách sẽ được bùng cháy. Trong thời gian vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, những người con đất Việt ở khắp mọi miền đất nước và ở hải ngoại đã bộc lộ rõ lòng yêu nước luôn luôn bùng cháy trong tâm hồn họ. Họ đoàn kết lại, chung lòng phản đối mãnh liệt hành động sai trái và tư tưởng lệch lạc của Trung Quốc.
Thế nhưng ở đâu đó vẫn còn những con người không có lòng yêu nước. Những con người này chỉ vì lợi ích cá nhân, mờ mắt vì tiền của, bị mua chuộc, bị dụ dỗ, ý thức bản thân chưa cao mà có những hành động phản bội lại đất nước của mình như: kích động người dân phản đối các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta, phát tờ truyền đơn phản động, gây mất an ninh trật tự công cộng,… gây bất ổn trong lòng dân. Những kẻ này cần phải bị lên án, trừng trị đích đáng theo pháp luật.
Nói tóm lại, trong mỗi con người Việt Nam ta đều sẵn sàng một lòng yêu nước sâu sắc. Chỉ có một số ít người vì hám lợi mà bán rẻ đất nước. Riêng bản thân tôi, tôi sẽ học tập thật tốt, là con ngoan trò giỏi để mai sau thành tài góp công xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh để xứng danh với các cường quốc năm châu bốn bể.
–
Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ