Giáo DụcLớp 12

Nghị luận về giá trị của bản thân

Trường Tiểu học Thủ Lệ mời các em cùng tham khảo tài liệu Nghị luận về giá trị của bản thân dưới đây. Qua tài liệu này các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới khi viết văn, đồng thời biết cách làm bài văn nghị luận xã hội ngày một hay hơn. Chúc các bạn học tốt. Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về thái độ sống tích cực.

Bạn đang xem: Nghị luận về giá trị của bản thân

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

– Dẫn dắt vào vấn đề: Sống giữa cuộc đời, mỗi người đều có giá trị của riêng mình, giá trị là điều cốt lõi tạo nên con người bạn.

b. Thân bài:

* Giải thích:

– Giá trị của bản thân chính là ý nghĩa của sự tồn tại của mỗi con người, là nội lực riêng trong mỗi con người. Đó là yếu tố để mỗi người khẳng định được vị trí trong cuộc đời.

* Phân tích:

– Giá trị của bản thân là ưu điểm, điểm mạnh vượt trội của mỗi người so với những người khác khiến mình có một cá tính riêng, dấu ấn riêng không trộn lẫn với đám đông. Ví dụ: Bạn là một doanh nhân tài giỏi, có tầm nhìn sâu rộng, luôn thành công trong công việc, giá trị của bạn chính là tài năng kinh doanh.

– Ai cũng có những ưu khuyết điểm riêng, không mạnh về mặt này sẽ mạnh về mặt kia, bởi vậy mỗi người lại có giá trị khác nhau, không thể đem so sánh giữa người này với người khác.

– Giá trị của bản thân không đơn thuần là điểm mạnh của bản thân mà còn là sự đóng góp, là vai trò của mỗi người với mọi người xung quanh. VD: Bạn không cần là một đứa trẻ xuất sắc mọi mặt, những bạn vẫn là niềm tự hào, là nguồn động lực của cha mẹ. Đấy chính một phần giá trị con người bạn.

– Giá trị của mỗi con người luôn được soi chiếu trên những trục giá trị chung của nhân loại, mà trong đó trục giá trị mang ý nghĩa quyết định chính là nhân cách. Nghĩa là điều kiện tiên quyết để khẳng định giá trị là bạn phải sống đúng với nghĩa một con người (biết yêu thương, chia sẻ, nỗ lực, luôn hướng đến cái đẹp, cái thiện, …)

* Ý nghĩa của giá trị bản thân:

– Biết được giá trị bản thân sẽ biết được điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để hạn chế, như vậy sẽ đạt nhiều thành công trong cuộc sống.

– Mỗi người đều có giá trị của riêng mình, nhiều người trong xã hội cùng hòa vào sẽ tạo ra giá trị cuộc sống, xã hội ngày càng phát triển.

* Bình luận và phản đề:

– Giá trị đó dù lớn lao hay nhỏ bé cũng cần được tôn trọng.

– Nếu bản thân mỗi người không biết cách trau dồi để tự tạo ra giá trị cho mình thì cuộc sống không còn có ý nghĩa, chỉ là sự tồn tại trên cuộc đời.

– Có những người vốn có nội lực nhưng không tự nhận thức được giá trị của mình, thiếu tự tin về bản thân, sống không có quan điểm riêng, nên đánh mất nhiều cơ hội.

– Giá trị bản thân mỗi người không phụ thuộc vào địa vị hay tiền bạc họ có trong tay mà phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người trong cuộc sống.

* Bài học nhận thức:

– Cần cố gắng bộc lộ hết khả năng của mình để khẳng định mình nhưng không tự tin thái quá về năng lực của bản thân, tự tin thái quá dễ dẫn đến thất bại vì không chịu học hỏi từ người xung quanh.

– Cần nỗ lực học tập rèn luyện để làm tăng giá trị bản thân, trở thành người có ích cho xã hội.

– Không được “định giá” cho người khác khi chưa thấu hiểu họ bởi giá trị là sự tích lũy dài lâu, không phải ngày một ngày hai mà tạo ra.

c. Kết bài:

– Mỗi người hãy sống là chính mình, dám khẳng định mình và sống yêu thương giữa cuộc đời.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Trình bày suy nghĩ của em về giá trị bản thân của mỗi người.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Cuộc sống của chúng ta là một hành trình dài tìm kiếm và khẳng định giá trị của bản thân. Liệu bạn đã hiểu đúng giá trị của bản thân mình, liệu giá trị bản thân là ở vẻ ngoài hào nhoáng. Nhưng “Cái giá trị của một người không đo bằng địa vị, bằng cấp mà đo bằng sự ích lợi của người đó đối với đồng bào, xã hội ngoài công việc mà người đó làm để mưu sinh”.

Giá trị bản con người là ở những nội lực sẵn có trong mỗi cá nhân, là trí tuệ, sắc đẹp, nhân cách… Giá trị của một con người còn là những việc làm cụ thể mà con người đó dùng để phục vụ cộng đồng, xã hội. Giá trị của con người không phải chỉ toát lên ở sắc đẹp, những khối tài sản khổng lồ người đó sở hữu mà quan trọng nhất vẫn là toát lên ở nhân cách cao đẹp, lối sống vị tha, sẵn sàng hy sinh, phục vụ cho cộng đồng, dân tộc.

Vì sao giá trị của mỗi người lại do chính chúng ta quyết định? Mỗi chúng ta sinh ra, chưa ai định sẵn một giá trị, đều giống nhau. Bạn đừng nghĩ rằng mình sinh ra trong một gia đình giàu có, gia thế hiển hách thì khi ấy giá trị của bạn đã được định lượng. Cùng đừng nghĩ khi bạn sinh ra trong một gia đình nghèo khó thì vĩnh viễn bạn sẽ không có giá trị. Đó đều là những suy nghĩ sai lầm. Bởi vốn sinh ra bạn chưa xác lập giá trị, mà giá trị của mỗi người được xác lập qua thời gian, qua trải nghiệm, qua nỗ lực và cố gắng.

Mỗi chúng ta ai chẳng có khuyết điểm chẳng có lỗi lầm. Bạn có thể không xinh đẹp, không thông minh, không giỏi giang… nhưng bạn lại có tấm lòng đôn hậu, lại có trái tim nồng nhiệt, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Đó chính là giá trị của bạn. Nếu bạn giỏi giang, thành đạt, lại đem những điều mình làm được phục vụ cho cộng đồng, xã hội, ấy chính là giá trị của bạn. Giá trị của bạn không phân biệt nhỏ bé, hay to lớn, chỉ cần nó do bạn tạo ra, làm cho tâm bạn hạnh phúc, thanh thản, làm cho người khác có cuộc sống tốt hơn. Đó chính là giá trị lớn nhất của mỗi con người. Khi chúng ta hiểu được ưu điểm, nhược điểm của bản thân, biết chế ngự, khắc phục những nhược điểm, phát huy những ưu điểm, điều đó cũng khiến cho chúng ta thêm phần tự tin vào chính mình. Chỉ khi bạn tin vào chính mình, tin vào những điều mình làm thì khi ấy bản thân mới thực sự có giá trị.

Giá trị bản thân không nằm ở việc bạn làm gì, có chức tước gì hay là kiếm được bao nhiêu tiền, nó cũng không nằm ở một kết quả nhất thời mà chính quá trình ta chinh phục cái đích mới là sự thể hiện rõ ràng nhất của giá trị con người. Có những người sinh ra không có trí thông minh cực đỉnh nhưng suốt quãng đường học tập họ luôn chăm chỉ, chịu khó vươn lên. Chính sự miệt mài không quản khó khăn đã để lại trong lòng người khác một sự kính nể và tôn trọng. Có những người, làm chức to, ông này bà kia nhưng lại không nhận được sự tôn trọng của người khác. Bởi vì sao? Chức tước đó là do họ mua chuộc bằng tình, bằng tiền và do những mối quan hệ không sòng phẳng. Thực chất thì họ không có đủ khả năng và trí tuệ để có thể làm được công việc đó. Ở một địa vị cao sang nhưng không thanh liêm thì người khác cũng nhìn vào bằng con mắt khinh thường, chế giễu.

Giá trị của bản thân được gây dựng bằng chính đôi bàn tay của chủ thể. Chẳng ai quan tâm bạn bắt đầu, xuất phát ở chỗ nào và cái đích bạn đạt được có cao hay không, chỉ cần quá trình bạn đi đến mục đích nó được xây dựng trên chính nỗ lực và ý chí của bạn. Con đường đi đến thành công chưa bao giờ là bằng phẳng và dễ dàng, nó đầy rẫy những gian nan và thử thách. Chính quá trình vượt qua khó khăn ấy con người mới bộc lộ phẩm chất và giá trị bản thân mình. Đừng đánh giá một ai đó qua cái nhìn mà bạn thấy trước mắt, hãy suy xét thật kỹ lưỡng thực chất bên trong của chúng, bởi vì giá trị sẽ chẳng bao giờ là kết quả ở một thời điểm nhất định, nó là cả một quá trình, một con đường dài mà con người phải trải qua bằng chính sức lực và đôi chân của mình.

Giá trị của mỗi con người không nằm ở việc bạn được sinh ra ở đâu, do ai sinh ra, mà là ở chính các bạn. Nếu ta không ngừng nỗ lực chăm chỉ, kiên trì dù không quá thông minh, nhưng chắc chắn cũng sẽ đạt được ước nguyện. Dù bạn còn nhiều khuyết điểm, đôi khi còn phạm sai lầm nhưng chỉ cần bạn nhận ra khuyết điểm và sửa chữa lỗi lầm sẽ giúp bản thân mình có giá trị. Giá trị thực sự của bản thân là không ngừng nỗ lực, cố gắng, kiên gan. Giá trị của chúng ta do chính chúng ta tạo nên, không có muộn, không có sớm, chỉ có bắt đầu và không bao giờ kết thúc. Giá trị của mỗi người đôi khi không được bộc lộ, bởi vậy khi nhìn nhận đánh giá bất cứ ai cũng cần có cái nhìn sâu sắc, toàn diện.

Mỗi cá nhân là một thực thể riêng biệt, độc đáo, mỗi người có giá trị riêng. Có những người ngay từ khi sinh ra đã có những ưu điểm nổi trội, nhưng lại có những người cần rèn luyện, phấn đấu để tạo ra giá trị đích thực của mình. Dù là giá trị sẵn có hay cố gắng xây dựng thì mỗi chúng ta hàng ngày hàng giờ vẫn phải không ngừng nỗ lực, cố gắng, rèn rũa bản thân để khẳng định được giá trị của chính mình.

Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, cách để các bạn tạo ra giá trị bản thân không gì khác chính là học tập, tu dưỡng đạo đức. Hãy là con ngoan, trò giỏi, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ, hăng hái tham gia các hoạt động phong trào để trau dồi kỹ năng cho chính mình. Rèn luyện bản thân ở thời điểm hiện tại chính là cách để bạn khẳng định giá trị của mình ở tương lai.

Hiểu được giá trị của mình, những sai lầm, khuyết thiếu sẽ giúp chúng ta không ngừng nỗ lực cố gắng. Đừng quá tự kiêu, cũng đừng quá tự ti, hãy tự tin bộc lộ cá tính của chính mình, nhưng cũng phải biết lắng nghe và thấu hiểu những người xung quanh. Hãy sống một cuộc đời đầy bản lĩnh, đầy yêu thương và vị tha.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Con người sinh ra không có ai là hoàn hảo, có người tài giỏi, có người kém hơn nhưng ai cũng có trong mình những giá trị bản thân cần được tôn trọng. Giá trị bản thân dù lớn lao hay nhỏ bé thì nó cũng là yếu tố cốt lõi tạo nên con người bạn, không lẫn với bất kì một ai. Và chúng ta, ai cũng cần tự tin và tôn trọng chính bản thân mình cũng như tôn trọng những người xung quanh dù họ có là ai đi nữa.

Có một sự thật mà ai cũng phải thừa nhận rằng, con người ai cũng có khuyết điểm, chẳng có ai là tốt đẹp về mọi mặt, được cái này thì mất cái kia, đó là quy luật của cuộc sống không ai có thể phủ nhận. Vậy nên chúng ta không được mặc cảm khi bản thân mình không phải là một người tài giỏi, vĩ đại. Chúng ta có thể không xinh đẹp nhưng ta lại là một đứa con ngoan, ta có thể không hát hay nhưng ta lại nấu ăn giỏi, cũng có thể ta không học giỏi nhưng ta là chịu khó, siêng năng… Ai cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng, hiểu được điều này, con người sẽ thêm tự tin hơn về bản thân mình cũng như nhìn người khác bằng ánh mắt tôn trọng, dù họ có nhiều khuyết điểm cũng không được phép chê bai, khinh thường. Vì chúng ta biết rằng, dù là ai, dù lớn lao hay nhỏ bé cũng đều có những giá trị riêng của bản thân để ta tôn trọng họ hơn. Ta sẽ thấy được những điểm giống nhau của một danh nhân tài ba với một cậu bé bán vé số hay một bà thím bán cá ở chợ. Mỗi người một nghề nghiệp, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ đều có chung giá trị của bản thân mình để ai cũng phải tôn trọng, ai cũng phải công nhận.

Theo tôi, giá trị của mỗi con người không nói lên qua chức vụ, tài sản, nghề nghiệp mà nó nằm ở nhân cách, thể hiện qua hành động. Giá trị còn người được tỏa sáng bằng sự thiện lương trong tâm hồn. Bạn quen biết ai không quan trọng, dù bạn xuất thân ra sao hay có địa vị như thế nào trong xã hội, nếu không có nhân cách thì giá trị của bạn cũng sẽ không tồn tại. Giá trị của con người nằm ở việc chúng ta làm được gì cho bản thân mình để ngày một trở nên hoàn thiện hơn, ta làm được gì để giúp ích cho xã hội? Một tên địa chủ giàu có bằng bóc lột sức lao động của nhân dân, một nhà chức trách, một cán bộ nhũng nhiễu, tham ô… thì chính ta tự mất đi giá trị. Một bác đạp xích lô ngày ngày kiếm sống vẫn sẵn lòng dang tay giúp đỡ những kiếp người khốn khổ hơn mình. Một cậu bé nhặt ve chai không quản mưa nắng vẫn miệt mài trên từng ngõ phố để có tiền mua từng suất cơm nhỏ mỗi tuần, mang tặng những bệnh nhân nghèo đang phải nằm trong bệnh viện. Hành động, nhân cách đã nâng giá trị con người.

Giá trị mỗi người cũng không phải nằm ở ngoại hình. Dù đẹp hay xấu, dù sinh ra may mắn có một cơ thể khoẻ mạnh hay bị khiếm khuyết một bộ phận nào đó thì cũng không làm mất đi giá trị của con người. Cái quan trọng là người đó nỗ lực đến đâu, phấn đấu như thế nào và sống cuộc sống ra sao. Một cậu bé sinh ra bị liệt cả tay lẫn chân quyết tâm trở thành một nhà diễn thuyết tràn đầy năng lượng, truyền nhiệt huyết sống cho mọi người. Một em bé khuyết tật vẫn không ngừng nỗ lực thực hiện ước mơ của mình để trở thành cô giáo, một cô bé bị khiếm thị vẫn miệt mài bên những trang sách chữ dẫu biết rất khó khăn. Trong khi một người may mắn lành lặn, được học tập tử tế lại lầm đường lạc lối thành một kẻ phạm tội truy nã, một ca sĩ xinh đẹp hát hay lại lâm vào đường dây ma túy, mại dâm. Một hoa hậu khiến người người trầm trồ đại diện cho quốc gia lại trở thành kẻ bán dâm quốc tế. Bởi vậy, giá trị còn người là ở ý chí, ở nghị lực và tinh thần hướng thiện, hướng đến những điều tốt đẹp cho chính bản thân họ và cho cuộc sống xung quanh.

Hơn ai hết, chúng ta luôn cần tự hào, luôn cần xem mình là một cá thể khác biệt tạo nên màu sắc cho khung vải của cuộc sống. Chúng ta đang tự tập cho mình một tự tin đáng có, tập cho mình một mơ ước để trở nên thành công, và sau hơn thế chúng ta cần tập cho bản thân cách trao gửi giá trị của bản thân mình trong cuộc sống. Bởi: “Bàn tay biết tặng hoa cho người khác, là bàn tay lưu giữ mãi hương thơm” (Hada Bejar). Ra xa hơn, hẳn các bạn còn nhớ tới Nick Vujicic “người không tay không chân”. Tuy nhiên, nhờ sự tự tin, thấu hiểu giá trị thực sự của bản thân mình, anh đã trở thành người hạnh phúc nhất khi: tốt nghiệp trường Đại học mơ ước, trở thành người truyền động lực trên toàn thế giới; anh được hàng ngàn người ngưỡng mộ và anh có một cuộc sống mà nhiều người hằng mơ ước. Như vậy, nhờ sự tự tin, trân trọng vào giá trị của bản thân trong cuộc sống Nick Vujicic là tấm gương tươi đẹp, tỏa sáng cả một bầu trời đang ngủ quên – đối với những người không nhận ra được giá trị của bản thân.

Bên cạnh những người luôn tự tin vào giá trị của bản thân, vẫn có những kẻ luôn tự cao, tự đại vào bản thân, họ không dám phát huy giá trị, luôn khiến mình trở lên lùi bước trong xã hội. Họ không tự tin để vượt qua khó khăn khiến giá trị của họ không được tỏa sáng. Những người như vậy cần phải tự tin hơn, tôn trọng giá trị của mình, để có thể tỏa sáng được giá trị và đưa bản thân vươn tới thành công. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta cần phải nghĩ đến việc thay đổi thế giới cũng như việc thay đổi chính mình. Bởi hạnh phúc là một loại nước hoa. Bạn không thể rót tràn nó lên những người khác mà không làm vương lại vài giọt trên chính con người mình. Ngay từ bây giờ khi còn ngồi trên hàng ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần phải sáng tạo, tự tin, tôn trọng giá trị của bản thân mình. Để sau này chúng ta sẽ trở thành một tấm gương sáng cho người khác noi theo.

Với một học sinh như tôi, những học sinh cuối cấp thì việc cố gắng không ngừng học tập nâng cao kiến thức để hoàn thành tốt kì thi quan trọng sắp tới chính là mục tiêu hàng đầu. Cùng với đó, tôi cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện: ủng hộ vì người nghèo, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn… Như vậy, mỗi học sinh sẽ trở thành những con người có ích cho xã hội, xứng đáng với cương vị chủ nhân tương lai của đất nước.

Tóm lại, con người trong cuộc sống đều có những giá trị của riêng mình. Chúng ta cần phải hiểu được điều đó và tự tin để cống hiến và hưởng thụ. 

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 12

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button