Giáo DụcLớp 12

Nghị luận về câu nói Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm

Bài văn mẫu Nghị luận về câu nói Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 12 rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội hay và sáng tạo nhất. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Nghị luận về giá trị của bản thân.

Bạn đang xem: Nghị luận về câu nói Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm

Contents

1. Sơ đồ gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

– Trong xã hội hiện đại, con người ngày càng thờ ơ với nhau, việc cho đi nhận lại trở nên xa xỉ hơn.

– Có một câu châm ngôn mà tôi thường vẫn rất tâm đắc: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”, mang một tầng nghĩa ẩn dụ rất sâu sắc về việc cho đi mà chưa cần hồi đáp.

b. Thân bài:

* Ý nghĩa câu châm ngôn:

– Hoa hồng: Tượng trưng cho những gì tốt đẹp, trân quý, hạnh phúc nhất trong cuộc sống mà con người dành tặng cho nhau

– Bàn tay trao hoa hồng là một hình ảnh ẩn dụ về hành động cho đi những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống mà xuất phát là từ tấm lòng con người chân thành đối xử với nhau.

– Đơn thuần chỉ là cho đi, trao tặng niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác mà chưa cần đến sự hồi đáp, sự cho đi xuất phát từ lòng yêu thương, lòng nhân hậu, lòng yêu thương giữa người với người.

– Cái bạn nhận được là hương thơm – chính là niềm hạnh phúc từ tâm hồn bạn, đồng thời cũng là lòng biết ơn từ người được nhận.

* Ý nghĩa của việc cho đi trong cuộc sống:

– Mỗi một con người là một cá thể độc lập, có tâm hồn, có suy nghĩ có tâm tư khác biệt làm nên sự đa dạng trong quần thể xã hội. Tuy nhiên, con người không thể sống tách biệt với thế giới bên ngoài mà phải tìm cách hòa nhập, chung sống hòa bình với những cá thể khác để cùng tồn tại và phát triển.

– Việc cho đi là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp con người gây dựng khối đoàn kết trong xã hội, bởi đơn thuần việc cho đi không chỉ giúp nuôi dưỡng tâm hồn, tạo niềm vui niềm hạnh phúc mà nó còn là một trong những cách hay và tinh tế gắn kết con người với nhau bằng tình cảm, bằng tấm lòng chân thành.

– Những con người với tấm lòng ích kỷ, chỉ thích nhận nhưng lại ki bo chẳng muốn bỏ ra bất cứ một thứ gì thì sẽ khó có thể tồn tại lâu trong xã hội, nếu có cũng là một cá thể yếu đuối tách biệt, bị xã hội cô lập mà thôi.

– Việc cho đi nuôi dưỡng tâm hồn, giúp con người trở nên hạnh phúc, thấy cuộc sống có ý nghĩa vì được cống hiến cho cuộc đời một phần công sức nhỏ nhoi.

– Việc cho đi phải xuất phát từ lòng chân thành, không vụ lợi, là hoàn toàn tự nguyện thế thì mới thực sự có ý nghĩa.

c. Kết bài:

– Mỗi chúng ta hãy cố gắng vun trồng cho mình một khóm hồng thật đẹp, thật thơm và cũng đừng ngại ngần ngắt những bông hoa ấy đem trao tặng cho những người xứng đáng.

– Nhiệm vụ của hoa là tô điểm cho cuộc sống thêm màu sắc, nhiệm vụ của chúng ta là đưa những đóa hoa tươi đẹp ấy đến từng đôi tay đang mở rộng chào đón, đừng tiếc công vun trồng bạn nhé!

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của em về câu nói Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Thượng đế đã trao cho loài người một thứ vũ khí để chống lại mọi khó khăn, khắt nghiệt của cuộc sống: đó là trái tim. Có một trái tim để đón nhận yêu thương, có một trái tim để cảm nhận được yêu thương, và yêu thương sẽ trở thành sức mạnh. Thế nhưng có ai đó chỉ thích đón nhận yêu thương chỉ từ một phía. Sự ích kỷ nhỏ nhen sẽ khiến không ít người có thể hiểu được rằng khi ta trao tặng cũng là ta đón nhận một điều gì đấy, bởi lẽ: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”.

Trong đời sống hằng ngày, bàn tay ta trao tặng bao nhiêu là thứ khác nhau cho những người xung quanh. Và hương thơm là hệ quả của việc trao tặng hoa hồng. Đóa hoa hồng ngát hương khi được trao đi thì bàn tay ta vẫn còn phảng phất cái hương thơm ngào ngạt của nó. Hoa hồng đây chính là ẩn dụ cho tình yêu thương. Còn hương thơm chính là điều tốt đẹp mà ta đón nhận được khi ta trao đi tình yêu thương đó. Nói một cách khái quát, khi ta trao tình yêu cho người khác, khi lòng ta rộng mở, tình yêu thương của ta sẽ trở thành sức mạnh. Như trong lời đề tựa cho cuốn sách Chichen soup for the soul của Karl Menninger: “Tình yêu thương là phương thuốc nhiệm mầu cho cho tất cả chúng ta, cho cả người trao lẫn người nhận nó”.

Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống. Câu chuyện trong Chiếc lá cuối cùng của O’ Henry thật cảm động; khi mà tình yêu thương được lên ngôi nơi một phố trọ nghèo, cái phố trọ ấy thật gần gũi bởi cuộc đời đã bước vào văn chương. Cụ Berhman hi sinh cả sự sống của mình để đem lại cho Giônxi niềm tin vào cuộc sống – đúng hơn là sự sống của chính cô. Cô gái ấy đã chiến thắng được cái chết và lại tiếp tục thực hiện những ước mơ của mình. Chính là nhờ từ “đóa hồng” của cụ Berhman. Điều kỳ diệu ấy đã khiến cho sự ra đi của cụ mới nhẹ nhàng, thanh thản vô cùng. Ông họa sĩ già ra đi trong sự mãn nguyện bởi tình cảm yêu thương, lòng biết ơn của Giônxi và Xiu dành cho cụ mãi là đoá hồng ngát hương giữa đời. Vâng! Hương thơm đóa hồng của lòng yêu thương trắc ẩn kia là mãi mãi.

Vậy mà, một điều đáng buồn là không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của yêu thương, ý nghĩa của trao tặng: “Dù thiên đường cũng sẽ chẳng là gì nếu nơi ấy không có chỗ cho trái tim ngự trị”. Người ta thích đón nhận, người ta thích tích lũy cho bản thân. Cái bản ngã nhỏ nhen đôi khi chi phối và mang đến cho con người những quan niệm sống sai lệch. Nếu trong xã hội này ai cũng thích giữ khư khư những thứ tốt đẹp cho riêng mình thì xã hội ấy mới thật đáng sợ. Người ta không nhận ra rằng những điều tốt đẹp chỉ giữ được khi nó được trao đi. Khi ta trao tức là ta đã nhận được một được một điều gì đấy. Câu nói: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm” là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cho con người về một quan niệm nhân sinh. Hãy trao tặng tất cả những gì bạn có, đừng chần chừ hay e ngại bởi những gì bạn nhận được còn nhiều hơn thế nữa. Ai cũng có quyền trao đi hoa hồng, ai cũng có quyền nhận lấy hương thơm… Hãy mở lòng ra với mọi người, với cuộc đời. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Khi trao đi bông hồng, ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhõm vì mình đã có đôi chút cống hiến cho con người và xã hội, chứ không phải chỉ là một kẻ ăn không ngồi rồi. tình yêu thương trao đi, tấm lòng thêm rộng mở. Niềm vui trao đi sự hạnh phúc càng được trọn vẹn, nhân đôi. Bông hồng ấy cũng có thể là nỗi buồn, sự đau khổ biết sẻ chia với mọi người để kịp đón nhận sự thấu cảm, không rơi vào bế tắc, bi kịch đến cô độc cùng đường. Bông hồng trao đi, là một tấm lòng không vị kỉ, không chỉ cầu thì cá nhân đã có ý thức hướng đến cộng đồng. Hãy thử nghĩ xem, nếu xã hội này chỉ biết giữ mãi bông hồng thì chẳng phải sớm muộn gì chúng cũng sẽ héo úa, tàn phai đó ư.

Nhưng không phải cứ trao đi bông hồng một cách hờ hững, vô tâm vô cảm là xong. Vấn đề là ở sự chân thành và yêu thương thành thật, là ở khát vọng muốn cống hiến cho đời chứ không phải là việc cố gắng chứng tỏ ta là người tốt, để hãnh tiến với đời. Cuộc sống cần sự chân thành, và hơn thế tiếng nói của trái tim càng cần thành thật, có như vậy tâm hồn ta mới không bị giày xéo bởi những sự lối dừa mà ta đã tạo ra. Thành thật trao đi bông hồng, mùi hương là phần thưởng xứng đáng cho bạn, mùi hương tỏa ra từ chính tâm hồn thân yêu và đáng quý của bạn. khi ấy, tự nhiên tâm hồn bạn là một bông hồng cho đời, chẳng cần tìm kiếm đâu xa.

Và bạn làm điều ấy bằng cách nào, trước hết là từ bỏ cái tôi to đùng của mình, biết sống hài hòa, nhân ái. Sống yêu thương, nhân ái với cộng đồng. không giữ sự ích kỉ, không có thái độ sợ hơn thua, thiệt hơn để mong dành nhiều lợi ích về phần mình. Chỉ một lần vậy thôi, ta có còn là người tốt?

3.2. Bài văn mẫu số 2

Chúng ta đã được học rất nhiều những bài học về cho và nhận nhưng đâu phải ai trong chúng ta cũng có thể cho đi bất cứ điều gì một cách dễ dàng bởi cho đi tức là chịu mất đi một điều gì đó. Nhưng bạn à, bàn tay ta tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm, cho đi một thứ, ta có thể mất đi thứ ấy nhưng thứ được nhận lại còn đáng quý hơn nhiều.

Sự thật đó là khi ta cầm bông hồng của mình trong tay dù có trao tặng nó cho một người mà ta yêu quý thì trên tay ta, mùi hương hoa hồng để lại không hề mất đi cho dù ta không còn giữ hoa hồng đó nữa. Bông hồng là biểu tượng cho cái đẹp, ở đây nó để chỉ những điều đẹp đẽ nhất mà con người có thể làm cho nhau. Hành động trao đi là hành động vô cùng cao thượng, là hành động cho trong Cho và Nhận. Trao đi bông hồng nghĩa là hành động cao thượng trao yêu thương, hạnh phúc đến mọi người. Và khi ta trao đi tình cảm, yêu thương, trao đi một điều gì đó của bản thân ta để mong muốn đem đến một điều tốt đẹp cho một người khác thì ta không hề mất đi một thứ gì mà còn nhận được cảm giác hạnh phúc khi làm điều tốt, niềm vui khi giúp đỡ người khác, niềm hân hoan khi trở thành một người thực sự có ích cho xã hội. Vậy, cả câu nói này có nghĩa là, khi ta trao đi yêu thương, trao đi những điều mà nhằm mục đích đem lại hạnh phúc cho người khác thì ngay bản thân ta cũng vì việc tốt mà mình đã làm mà có được những điều hạnh phúc từ đó.

Hoa hồng là một loài hoa rất đẹp, lại mang một mùi hương thật nồng nàn quyến rũ, hầu như ai nhìn thấy hoa hồng đều bị thu hút bởi vẻ đẹp rất đỗi hấp dẫn ấy. Hoa hồng ở trong câu châm ngôn trên là tượng trưng cho những gì tốt đẹp, trân quý, hạnh phúc nhất trong cuộc sống mà con người dành tặng cho nhau. Bàn tay tặng hoa hồng, với tôi trước hết đó chắc chắn là bàn tay đẹp, người có bàn tay ấy là người có tấm lòng cao thượng, tựa một bông hoa đang tỏa ra một thứ hương thơm ngào ngạt, đó là hương thơm của một tâm hồn đầy nhân hậu và cao thượng. Bàn tay trao hoa hồng là một hình ảnh ẩn dụ về hành động cho đi những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống mà xuất phát từ tấm lòng con người chân thành đối xử với nhau. Ở đây chưa đề cập đến việc nhận lại mà đơn thuần chỉ là cho đi, trao tặng niềm vui, niềm hạnh phúc cho người khác mà chưa cần đến sự hồi đáp, sự cho đi xuất phát từ lòng nhân hậu, lòng yêu thương giữa người với người trong xã hội vốn xô bồ phức tạp này. Vậy có phải rằng khi bạn tặng hoa hồng cho người khác thì bạn hoàn toàn không nhận lại được gì không? Không phải, bạn vẫn nhận được đấy chứ, đôi tay cầm đóa hoa thơm ấy vẫn còn lưu lại chút mùi hương nồng nàn của bông hồng tươi đẹp bạn đã trao tặng cho người khác. Đó chính là niềm hạnh phúc, niềm vui khi bản thân bạn được cho đi, được cống hiến cho xã hội. Đó là lúc bạn nhận ra cuộc sống nào đôi lúc được cho đi, được làm cho người khác vui vẻ, hạnh phúc cũng là một điều tuyệt vời và hân hạnh biết bao. Và chẳng phải ai cũng có đủ nhân ái và tấm lòng vị tha để sẵn sàng cho đi mà không nhận lại, bởi đơn giản tâm hồn họ không có đủ tình yêu, tình thương mến thương, họ còn sống trong cái vỏ bọc của mình, còn quá vị kỷ, sợ rằng lỡ cho đi rồi, người chịu thiệt cuối cùng lại là bản thân mình. Nhưng đó là quan điểm thiển cận và sai lầm, bởi vì như câu châm ngôn đã bày tỏ, tặng hoa hồng chẳng phải tay vẫn lưu lại hương thơm hay sao, hương thơm ấy là niềm hạnh phúc, ý nghĩa từ tâm hồn bạn, đồng thời cũng là lòng biết ơn từ người được nhận. Vì vậy hãy cố gắng cho đi thật nhiều khi còn có thể, còn việc nhận lại là ở chính tâm hồn của mỗi chúng ta có đủ rộng lượng để nhận ra được hay không mà thôi.

Vậy tại sao lại nói: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”? Bởi người biết cho đi bằng thái độ chân thành là người có tâm hồn đẹp, nhân cách đẹp. Khi cho đi những điều thiện lành chúng ta sẽ nhận lại những điều thienj lành như thế. Những giá trị được trao đi không phải là mất đi mà nó còn ở lại với chúng ta mãi mãi. Cho đi ở đây không đơn thuần là cho đi vật chất: cái bánh, miếng cơm, tiền bạc… Mà nó còn là sự cho đi của những tấm lòng thơm thảo. Cảm thông với những hoàn cảnh éo le, bất hạnh của người dân miền Trung gặp thiên tai, mỗi người góp một chút tiền bạc, quần áo để người dân thêm ấm lòng. Những con người gặp khó khăn ấy sẽ nhớ về những người giúp đỡ họ bởi tấm lòng chứ không thể so bì bằng vật chất. Người giàu có nhất trên thế giới không phải là người có nhiều của cải nhất mà là người có nhiều tình yêu thương nhất, tạo được nhiều giá trị cho bản thân và người khác nhất từ việc cho đi mà không cần nhận lại. Những người biết cho đi yêu thương là những người đang được nhận lại. Nhận lại yêu thương, nhận lại lời chúc tốt đẹp, tình cảm sáng trong… của mọi người. Họ góp phần làm cho cuộc sống trở nên ấm áp, đẹp đẽ hơn và vì thế cuộc sống của họ cũng trở nên ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, hiện nay có một số người giúp đỡ người khác nhưng không xuất phát từ sự chân thành. Có thể họ giúp đỡ người vì muốn nổi tiếng, muốn tạo ấn tượng trong mắt người khác. Một số người lại ích kỉ, tham lam, chẳng bao giờ muốn cho đi mà chỉ muốn nhận lại, chỉ muốn người khác đem lại lợi ích cho bản thân mình. Lối sống đó cần nên án, phê phán và loại trừ để cuộc sống thêm đẹp hơn. Mặc dù vậy, khi cho đi mọi người cũng cần thực hiện đúng cách, cho đi không toan tính sẽ được nhận nhiều hơn là cho đi và ngược lại.

Ngày hôm nay có thể trở thành một ngày đầy sinh lực với bạn – và với người khác – nếu bạn bỏ thời gian để trao cho ai đó nụ cười để thốt lên một lời tử tế, để chìa tay ra cho người đang cần giúp đỡ. để viết một lời cảm ơn. để cho đi một lời khuyến khích với người đang cố gắng vượt qua rắc rối, để chia sẻ một phần tài sản vật chất với những người xung quanh. Bàn tay tặng hoa hồng, nhất định sẽ ngan ngát hương thơm. Cuộc sống rất cần có lòng khoan dung và độ lượng để không phải khinh chê hay lạnh nhạt với con người. Hãy sống bằng lòng yêu thương và vị tha, bạn sẽ thấy cuộc đời này thật đẹp.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 12

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button