Tổng hợp

Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử)- Bức tranh xuân đang độ chín, căng mọng

mùa xuân chín

Bạn đang xem: Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử)- Bức tranh xuân đang độ chín, căng mọng

Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử là sự miêu tả vẻ đẹp của khung cảnh mùa xuân đang ở độ chín, tràn đầy sự căng mọng, tràn đầy hương thơm của sự viên mãn. Thiên nhiên, tạo vật, trời đất, vũ trụ và con người trong Mùa xuân chín tràn ngập với bao cảm xúc say nồng trong giấc xuân, đang rạng rỡ với khí xuân, sắc trời. Với lời thơ trong trẻo, nhẹ nhàng như chính hương thơm của mùa xuân, hương thơm của trái chín.. mang đến cho người đọc những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Hãy cùng chúng tôi theo dõi ngay bây giờ nhé!

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
– “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

mùa xuân chín

Bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử là một bài thơ tả cảnh mùa xuân, nhưng thật đặc biệt và thật mới lạ. Khi tả cảnh mùa xuân ta thường thấy đó là vẻ đẹp của xuân xanh, xuân mơn mởn, hay mùa xuân thắm của muôn hoa, của lộc biếc, của chồi non, của sức sống căng tràn…Nhưng với thi sĩ Hàn Mặc Tử mùa xuân trong thơ ông là mùa xuân chín, mùa xuân của sự căng mọng tràn trề, mùa xuân đang độ chín.

Vẻ đẹp của một mùa xuân chín xuất hiện ngay từ đầu bài thơ:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Những câu thơ mở đầu thật nhẹ nhàng, đưa người đọc đến với một thế giới của mùa xuân với sắc àng mơ, vàng xanh thật khiến cho người đọc cảm thấy lạ lẫm. Khổ thơ đầu mở ra với những hình ảnh đẹp, tươi mới, trong trẻo. Nó tạo một ấn tượng thị giác mạnh mẽ về màu sắc.

“Làn nắng ửng” – làn nắng của mùa xuân có màu vàng ươm, hòa quyện với khí trời “khói mơ tan”. Một không gian mùa xuân thật lung linh và nhiều sắc màu. Hình ảnh mùa xuân không chỉ được miêu tả ở cảnh vật, ánh nắng mà nó còn được thể hiện ở ” đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Với từ láy “lấm tấm” ta như cảm nhận được sự rơi rớt của ánh nắng, tạo nên sắc thái đọng cho cảnh vật.

Những ánh nắng như được rắc từ từ trên mái nhà tranh. Cái khung cảnh ấy, cái ánh nắng vàng ửng ấy như tạo nên một không gian mùa xuân thật mới, một mùa xuân chín đang về. Trong thơ Hàn Mặc tử hình ảnh mái nhà tranh – hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt nam trở nên thật đẹp, thật thơ khiến lòng người say đắm.

Mùa xuân chín còn được thể hiện ở làn “gió sột soạt trên tà áo”, trên “giàn thiên lý”. Mùa xuân của Hàn Mặc Tử không phải là tả cảnh nụ non đâm chồi nảy lộc, là màu xanh biếc của ruộng lúa. Mà mùa xuân của Hàn Mặc Tử xuất hiện với những hình ảnh thật bình dị, thật tươi mới.

Cái sắc xanh được nhuộm đầy nắng vàng mang một màu lơ, sáng, ngời lên sức sống thanh tân, vẻ non tơ, óng ả, đầy quyến rũ và khêu gợi của nàng xuân. Những nét mỹ miều mang độ chín ấy đã hớp hồn bao kẻ đa tình. Bởi xuân sắc là sự biểu hiện, thăng hoa của xuân tình dồn ứa, căng tràn.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
– Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…

Tình xuân, sắc xuân trong khổ thơ thứ 2 của bài thơ được mở ra theo một chiều hướng mới. Theo ánh mắt dõi nhìn, theo tâm hồn thi sĩ của khách đường xa, không gian xuân đang trở về với một màu xanh mát. Câu thơ “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời” mang đến cho người đọc những cảm nhận bất tận về sắc xanh ngút ngát của đám cỏ cũng là sức sống, vẻ đẹp phồn thịnh của xuân chín, xuân thì

Màu xuân xanh ở đây cộng hưởng với sắc xuân vàng ở khổ thơ thứ nhất tạo nên một mùa xuân vô cùng mới mẻ, mà chỉ trong thơ Hàn Mặc Tử mới có.

Cái động thái “gợn” của sóng cỏ chính là sự rung động bên trong của cỏ trước vẻ đẹp mướt mà, toàn thiện của xuân – tức xuân tình. Những rung động đó khởi phát tự thân, từ bên trong thôi thúc mà ra rồi vươn lên cao tới trời. Sóng cỏ đó cũng là sóng lòng, là sóng tình của con người trước xuân sắc, xuân thì, xuân tươi, xuân non tơ.

Cảnh xuân tràn trề, sức xuân ứa tràn làm lòng người lai láng tình yêu đời, chứa chan bao nỗi niềm, bao cảm xúc rưng rưng. Tình và cảnh đã chuyển hóa, hòa quyện, cùng tôn nhau lên, cùng đẩy tính chất lên đến cạn cùng. Cái nhìn của nhà thơ đã xuyên thấm vào tận đáy sâu của chân tâm sự vật để cảm nghe tất cả từ bên trong.

“Bao cô thôn nữ hát trên đồi”

Hình ảnh “Bao cô thôn nữ hát trên đồi” như một nét vẽ để hoàn thiện nên bức tranh phong cảnh mùa xuân chín thật đẹp và thật thơ. Tiếng hát của cô thôn nữ hòa lẫn với tiếng gió, tiếng gợn của làn cỏ… tạo nên một sắc thái tình xuân vô cùng trong veo.

Tiếng hát của bao cô gái xuân mang cái rạo rực muôn đời của vẻ đẹp, của sức sống, của khao khát tình yêu, của lòng ham sống mãnh liệt. Bởi mùa xuân luôn là mùa đẹp nhất của năm và tuổi trẻ là phần ngon nhất của cuộc đời. Do đó, hình ảnh cô gái xuân đi vào thơ ca như một hình ảnh biểu trưng cho vẻ đẹp, sức sống và tình yêu mùa xuân.

Viết về cô gái mùa xuân, nhà  Nguyễn Bính cũng có những câu thơ thật hay:

Em như cô gái hãy còn xuân,
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần,
Xuân đến, hoa mơ, hoa mận nở.
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân.
(Nguyễn Bính – Gái xuân)

Hai câu thơ

“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…”

ta thấy một giọng điệu nghẹn ngào, buồn vương, tiếc nuối thanh sắc, xuân sắc của thời tươi trẻ. Một khi sắc xuân qua đi, thì dấu hiệu bắt đầu của mùa xuân là sự rơi rụng. Cái tinh tế của thi sĩ Hàn là mượn cái quy luật của đời người để nói quy luật của tình cảm, của tạo vật.

Như thế là ở giữa mùa xuân chín mọng, giữa lúc vẻ đẹp viên mãn, lúc tiếng ca ngất ngây, rạo rực, nhà thơ đã thấy trước cái tương lai buồn, tàn, úa. Phải chăng đây là một trong những dự báo cho một mùa xuân chín bắt đầu hết. Qua câu thơ cho ta thấy cái tôi rạo rực, thiết tha của Hàn Mặc Tử khi còn trẻ, thanh xuân.

Có phải vì thế chăng mà tiếng ca cành cất cao, càng ngân vang thì càng não nề, càng se sót và nhiều u uẩn đến u uất:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây…
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây…

Khổ thơ giống như một sự cụ thể hóa cho những hoài tiếc về một xuân chín, xuân thì. Tất cả vẻ đẹp, sức sống và độ chín của mùa xuân được thể hiện qua tiếng hát. Tiếng hát trong trẻo của những cô gái xuân xanh vắt vẻo lưng chừng núi. Cách dùng động từ “vắt vẻo” rất độc đáo khiến câu thơ giàu chất tạo hình.

Tiếng hát xuân thì hiện ra như có hình, có sắc, đang vắt vẻo lưng chừng núi, hòa lẫn vào không gian làm say đắm, ngất ngây lòng người. Dường như lời ca ấy tự nó mang trong mình một sức quyến rũ không sao cưỡng lại được của xuân thì. Đây là cách miêu tả và cảm nhận rất quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử – mỗi sự vật đều ánh lên màu sắc dục trong vầng hào quang của xuân sắc, xuân thì.

Để rồi tiếng ca ấy thành lời tình tự, lời tỏ tình với cuộc đời:

Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây

Cái tình xuân ở đây được thể hiện vô cùng nhẹ nhàng, chỉ là “thầm thì” với người tình nhân đang ngồi dưới khóm trúc mà thôi. Một tình xuân e ấp, thơ ngây mà ta vẫn thường thấy trong thơ Hàn Mặc Tử.

 Và khác đường xa gặp mùa xuân chín cũng trả qua những phút giây rạo rực để rồi sực nhớ như thế:

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
– Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Ở khổ thơ cuối của bài thơ không còn cái rạo rực, thiết tha về mùa xuân nữa mà thay vào đó là cái bâng khuâng, xao xuyếnkhi nhớ làng, nhớ về mái nhà xưa, nhớ về một cố nhân xa. Điểm sáng chói lòa bừng lên trong nỗi niềm bâng khuâng sực nhớ ấy là hình ảnh của:

– Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Hai câu thơ cuối có lẽ là hai câu thơ hay nhất trong bài thơ. Câu thơ miêu tả hình ảnh người chị gánh thóc đi dọc bờ sông vào buổi trưa nắng chang chang. Một hình ảnh thơ thật mới, thật đẹp nhưng cũng có cái gì đó làm lòng tôi quặn lại. Hương nắng của mùa xuân tỏa khắp bờ sông, phủ lên hình ảnh người chị gánh thóc một màu sắc lãng mạn của cái đẹp huyền ảo, lung linh trong cõi nhớ. Đó là sự tỏa sáng của cái đẹp hài hòa, đan quyện phả ra từ xuân sắc, xuân tình, từ tạo vật và con người khi ở độ xuân chín.

Tuy nhiên, tất cả xuân sắc, xuân thì đẹp huy hoàng ấy chỉ là một ánh chớp kỷ niệm thoáng qua mà thôi. Đó là cái ký ức về xuân thì của “chị ấy” của ngày xa xưa. Cho nên, ở hiện tại, người khách xa sực nhớ cũng là để ngậm ngùi, tiếc thương – tiếc thương cho cái đẹp không biết bây giờ có còn không

Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử đưa người đọc đến với một cảnh xuân thật lạ nhưng cũng thật mới, vẻ đẹp của mùa xuân đang ở độ chín, như chính là vẻ đẹp của con người đang ở độ tuổi đẹp nhất, độ tuổi rạo rực nhất. Qua bài viết các bạn đã nắm được những ý nghĩa sâu sắc cùng phong cách sáng tác của nhà thơ rồi phải không nào! Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi nhé! 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button