Giáo DụcLớp 12

Nghị luận xã hội về ý kiến Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ

“Tự làm giàu mình” chính là tự nuôi dưỡng và bồi đắp nhân cách, tâm hồn bên trong. Có ba cách để giúp ta làm việc đó: “mỉm cười” – biểu hiện của niềm vui, sự lạc quan, yêu đời; “cho đi” là biết quan tâm, chia sẻ với mọi người và “tha thứ” là khi ta bao dung, độ lượng với lỗi lầm của người khác. Tài liệu Nghị luận xã hội về ý kiến Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ được Trường Tiểu học Thủ Lệ biên soạn và tổng hợp sẽ giúp các em hiểu thêm về quan niệm này. Chúc các em có những bài văn thật hay nhé!

Bạn đang xem: Nghị luận xã hội về ý kiến Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ

 Suy nghĩ của anh/chị về quan niệm “Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ” (Theo Hạt giống tâm hồn)

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

  1. Mở bài

-Nêu lên quan niệm cần bàn luận : quan niệm “Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ”

  1. Thân bài

1/ Giải thích:

– Tự làm giàu mình: tự nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn mình.

  Mỉm cười: biểu hiện của niềm vui, sự lạc quan, yêu đời.

  Cho đi: là biết quan tâm, chia sẻ với mọi người.

  Tha thứ: là sự bao dung, độ lượng với lỗi lầm của người khác.

 – Ý cả câu: Tâm hồn con người sẽ trở nên trong sáng, giàu đẹp hơn nếu biết lạc quan, sẻ chia và độ lượng với mọi người.

2/ Phân tích, chứng minh:

– Lạc quan, yêu đời giúp con người có sức mạnh để vượt lên những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, có niềm tin về bản thân và hướng đến một khát vọng sống tốt đẹp.

– Biết quan tâm, chia sẻ là con người đã chiến thắng sự vô cảm, ích kỷ để sống giàu trách nhiệm và yêu thương hơn. Mang lại niềm vui cho người khác ta cũng sẽ thấy thanh thản trong tâm hồn, được sự tin yêu, tôn trọng của mọi người và chắc chắn khi ta gặp khó khăn cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ của người khác.

– Biết bao dung, độ lượng, con người sẽ trút bỏ đau khổ và thù hận để sống thanh thản hơn và mang lại niềm vui cho mọi người.

– Ngoài sự lạc quan, sẻ chia, độ lượng con người còn có thể bồi đắp, và nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những ứng xử tốt đẹp khác.

Học sinh lấy ví dụ cụ thể để chứng minh.

3/ Bàn luận mở rộng, liên hệ bản thân:

– Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề.

– Phê phán những con người sống nhỏ nhen, ích kỉ, vô cảm.

– Bài học nhận thức và hành động:  Sự giàu có về tâm hồn có ý nghĩa quyết định sự hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Cần có ý thức gìn giữ và bồi đắp để đời sống tinh thần, tình cảm của bản thân không bị xói mòn và chai sạn bởi mặt trái của cuộc sống hiện đại. Để làm được điều đó, phải bắt đầu từ những thái độ sống tích cực, có ý nghĩa với mình và mọi người.

– Liên hệ bản thân.

III. Kết bài

-Kết luận lại vấn đề

C. BÀI VĂN MẪU

  1. Bài văn mẫu số 1

Sự giàu có của một người không phải chỉ được đong đếm bằng vật chất mà ở cả những giá trị tinh thần. Một kẻ dù có nhiều tiền bạc, của cải đến đâu mà nhân cách không có thì cũng chẳng có giá trị sống đích thực. Bởi vậy, cha ông ta thường có câu: “Có ba cách tự làm giàu cho chính mình chính là mỉm cười, cho đi và tha thứ”.

     Mỉm cười chính là tinh thần lạc quan trọng cuộc sống, là những niềm vui tìm thấy trong gian khó, nụ cười ẩn dụ cho những hạnh phúc, những điều tốt đẹp trong cách nhìn của bạn với cuộc sống. Cho đi chính là sự san sẻ, sẻ chia cả về vật chất và tinh thần của mình cho những người xung quanh mà không hề toan tính. Tha thứ là sự bao dung trong tâm hồn, không ích kỉ, nhỏ nhen, hờn giận những lỗi lầm, sai trái của người khác. Tha thứ, mỉm cười và cho đi là ba cách tự làm giàu bản thân tức là khi bạn có ba thứ ấy, tâm hồn bạn sẽ trở nên thật tuyệt vời và đẹp đẽ, được thanh lọc tất thảy để vươn tới chân, thiện , mỹ, những cảm quan tốt đẹp nhất sẽ đến với bạn. Đó còn như một lời nhắn nhủ bạn hãy sống trọn vẹn nhất cuộc sống của mình bằng cách: mỉm cười, cho đi và tha thứ.

     Những áp lực, bon chen, những khó khăn, thử thách của cuộc sống đôi khi khiến bạn mệt mỏi, tưởng chừng như gục ngã, nhưng chính nụ cười của ai đó sẽ khiến bạn trở nên có động lực hơn, và khi đó nếu bạn dành một nụ cười cho chính mình thì không gì tuyệt vời hơn nữa. Nụ cười như một liều thuốc tinh thần giúp ta thấy lòng nhẹ nhàng và an yên, khích lệ động viên ta tiến lên mỗi ngày. Nụ cười nở trên môi không chỉ cho chính chúng ta mà còn mang lại sự an tâm cho gia đình, sự yêu thương của xã hội, nó sẽ kết nối con người lại gần nhau hơn. Mỉm cười cũng giúp ta thấy được những ánh sáng ngay cả lúc tăm tối nhất, như một nguồn sống mà ai cũng cần có, cuộc sống mà không có nụ cười thì nhàm chán biết bao! Chẳng ai có thể sống mãi trong sự buồn phiền, than vãn, đau thương cả. Để đối diện với mọi điều trong cuộc sống, bạn hãy mỉm cười như một đứa trẻ vô lo để thấy đời nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu. Là nụ cười yêu thương, nụ cười bao dung thứ tha, nụ cười khích lệ, nụ cười mãn nguyện và cả những nụ cười trong khổ đau, có bao nhiêu bạn hãy dành trọn vẹn cho những nụ cười của chính mình để làm giàu chính bạn.

     Và hơn thế nữa, đó còn là sự cho đi, là những việc làm, hành động thể hiện tâm hồn cao đẹp, nghĩa khí và nhân văn của một con người. Trong cuộc sống, ai cũng muốn nhận cho riêng mình những điều tốt đẹp, nhưng nếu ai cũng chỉ muốn có được thì ai là người sẵn sàng cho đi. Bởi vậy, khi ta cho đi cũng chính là khi ta nhận lại, đó là hai quá trình tồn tại song song, bởi chỉ có tình yêu thương mới mang con người đến gần nhau hơn và hướng thiện lương tri mỗi người. Khi bạn cho đi tức là bạn đã làm giàu cho chính đời sống tâm hồn mình, bạn sẽ tìm thấy ở đó những niềm vui khi giúp đỡ được người khác vượt qua những gian nan, khó khăn trong cuộc đời. Cuộc sống là cho đi mà không cần nhận lại, cùng san sẻ yêu thương cho những người khác để họ cảm thấy mình được quan tâm, được chia sẻ, để họ luôn thấy mình không đơn độc giữa cuộc đời và vững niềm tin trước cuộc sống. Sự cho đi giúp ta nhận lại được sự yêu thương, quý trọng, lòng biết ơn từ người khác, đặc biệt tâm hồn ta sẽ thấy vui hơn, thanh thản hơn khi thấy mình thực sự có ích cho cuộc sống này.

     Tha thứ chính là cách thứ ba mà bạn làm giàu cho mình, ai cũng có những lỗi lầm trong cuộc sống bởi chẳng ai có thể hoàn hảo cả. Có khi người ta làm bạn thất vọng vì một lời hứa chưa thực hiện được, khi người khác lỡ buông lời chê bai bạn, khi ai đó sai lầm với bạn, điều đầu tiên bạn nên làm là suy nghĩ thật kỹ và trong mọi vấn đề nên có cái nhìn bao dung và thứ tha, nhân hậu. Đó là cách tốt nhất để bạn có được sự bình yên trong chính tâm hồn mình, không giận hờn, trách móc hay toan tính, hận thù, bởi điều đó càng khiến bạn trở nên ích kỷ hơn mà thôi. Tha thứ như một liều thuốc tốt nhất cho mọi lỗi lầm, cứu rỗi tâm hồn con người.

     Trong thực tế, ta thấy không ít những biểu hiện của sự mỉm cười, cho đi và tha thứ luôn mang lại những điều tốt đẹp. Đó là nụ cười lạc quan của Bác Hồ trong hoàn cảnh tù đày nơi đất khách quê người. Là những nụ cười đầy yêu thương của các mạnh thường quân dành cho những em nhỏ không may bị bệnh hiểm nghèo. Là những nụ cười chứa chan hy vọng ngập tràn trong ánh mắt của bạn nhỏ bị ung thư đang cận kề với giây phút sinh tử. Đó còn là nụ cười của những kiếp người mưu sinh giữa phố trong đêm mưa lạnh ánh lên sự vui vẻ, niềm nở khi có vị khách vội ghé qua, tất cả đều đẹp đẽ và đáng trân trọng biết bao. Và đâu đây, ta thấy thấy được những nghĩa cử đầy cao đẹp của con người trước những hoàn cảnh đáng thương. Là chiếc bánh mì nóng hổi cho cậu bé lượm ve chai, là sự hỗ trợ kịp thời cho những đồng bào đang gặp nạn trong bão lũ. Là lời động viên, ân cần hỏi han, quan tâm, trước những khó khăn của người khác, là cái nắm tay ấm áp, nụ cười yêu thương, là giọt nước mắt đồng cảm trước số phận đầy trớ trêu của những kiếp người bất hạnh. Và đó còn là sự thứ tha cho những lỗi lầm của người khác đã gây ra cho mình, là tấm lòng bao dung, rộng lượng trước những sai lầm của họ.

  1. Bài văn mẫu số 2

Đã có khi nào bạn thử hỏi liệu cuộc sống của mình giàu có hay không ? Và giàu có mà tôi muốn nói đến ở đây là giàu có về tinh thần. Có ý kiến cho rằng “Có ba cách để tự làm giàu mình: mỉm cười, cho đi và tha thứ” nhắn nhủ mỗi chúng ta về cách nuôi dưỡng tâm hồn.

   “Tự làm giàu mình” chính là tự nuôi dưỡng và bồi đắp nhân cách, tâm hồn bên trong. Và có ba cách để giúp ta làm việc đó: “mỉm cười” – biểu hiện của niềm vui, sự lạc quan, yêu đời; “cho đi” là biết quan tâm, chia sẻ với mọi người và “tha thứ” là khi ta bao dung, độ lượng với lỗi lầm của người khác. Tâm hồn con người sẽ trở nên trong sáng, giàu đẹp hơn nếu biết lạc quan, sống sẻ chia và rộng mở tấm lòng với mọi người. Ta vẫn quen với câu nói “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Lạc quan, yêu đời không chỉ giúp con người vượt lên khó khăn, thử thách mà còn tạo niềm tin về bản thân và giúp ta hướng đến khát vọng tốt đẹp. Và khi ta biết sẻ chia, quan tâm đến những người xung quanh là ta đã chiến thắng sự vô cảm, ích kỉ để sống giàu trách nhiệm và yêu thương hơn. Mang lại niềm vui cho người khác ta sẽ thấy thanh thản trong tâm hồn, được sự tin yêu, tôn trọng của mọi người và chắc chắn khi ta gặp khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ của người khác. Và nếu muốn trút bỏ đau khổ, thù hận để sống thanh thản và mang lại niềm vui cho mọi người thì hãy bao dung, độ lượng hơn. Ngoài sự lạc quan, sẻ chia, độ lượng, con người còn có thể bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những ứng xử tốt đẹp. Hãy xem cách dân tộc Việt Nam tha thứ cho kẻ thù xâm lược để thấy đưọc truyền thông nhân đạo, nhân ái của ông cha ta đáng khâm phục đến nhường nào. Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi viết: “Mã Kì, Phương Chính cấp cho 500 chiếc thuyền/Vương Thông, Mã Anh cấp cho hàng nghìn cỗ ngựa”. Trong “Tuyên ngôn độc lập” Bác đã khẳng định: “Tuy vậy, dân tộc Việt Nam trước sau vẫn giữ thái độ khoan hồng, nhân đạo với kẻ thù thất thế”… Hẳn là khi viết lại những hành động khoan dung, nhân đạo ấy của dân tộc ta, các tác giả phải tự hào biết bao! Sự giàu có về tâm hồn có ý nghĩa quyết định sự hoàn thiện nhân cách của mỗi người.

    Mỗi chúng ta cần có ý thức gìn giữ và bồi đắp để đời sống tinh thần, tình cảm của bản thân không bị xói mòn và chai sạn bởi mặt trái của cuộc sống hiện đại. Để làm được điều đó, hãy bắt đầu từ những thái độ sống tích cực, có ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 12

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button