Giáo Dục

Em hãy làm sáng tỏ tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ

Hãy làm sáng tỏ tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua Hịch tướng sĩ – Có thể nói tác phẩm Hịch tướng sĩ là một áng văn bất hủ thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân, căm thì giặc tột cùng của tác giả. Sau đây là mẫu dàn ý phân tích lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn qua bài Hịch tướng sĩ cùng các bài văn mẫu làm sáng tỏ tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ hay và chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi.

Bạn đang xem: Em hãy làm sáng tỏ tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ

1. Dàn ý phân tích lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn

I. Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

Nêu vấn đề: “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, là một tác phẩm thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của vị chủ tướng.

II. Thân bài:

1. Lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở lòng căm thù giặc.

Trần Quốc Tuấn đã vạch trần bản chất xâm lược của giặc phương Bắc qua hình ảnh tên sứ giặc: “đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”. Giặc đã xúc phạm đến quốc thể và niềm tự tôn dân tộc.

Hai hình ảnh ẩn dụ “lưỡi cú diều”, “thân dê chó” cùng với từ gợi tả “nghênh ngang” đã thể hiện thái độ ngạo mạn, hống hách của giặc đồng thời kín đáo bộc lộ lòng căm thù giặc và khinh bỉ đối với sứ giặc của Trần Quốc Tuấn, khơi gợi ý thức dân tộc đối với các tướng sĩ.
Giặc tìm đủ trăm phương ngàn kế mà “đòi”, mà “thu”, mà “vét” tài sản quý báu của ta, bóc lột dân ta đến tận xương tủy.

Tác giả gọi sứ giặc là “hổ đói”gợi tả sự tham tàn của bọn ngụy sứ. Qua đó cho ta thấy cái nhìn sáng suốt và cảnh giác của vị chủ tướng.

2. Lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn thể hiện ở nỗi lòng lo lắng trước vận mệnh đất nước, đau xót trước nỗi đau của nhân dân.

“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Vị chủ tướng đang trải qua những ngày đêm căng thẳng. Không lo nghĩ sao được khi vận mệnh đất nước đang treo đầu sợi tóc? Nghe tiếng quân Mông thiện chiến, hung tàn nên không tránh khỏi tâm lí hoang mang

Là vị chủ soái nên trách nhiệm của ông càng nặng. Vì vậy, nỗi lo cứ thường trực trong lòng, cứ nặng trĩu cả ngày lẫn đêm. Đó là lời tâm sự sâu kín nhất mà ông bày tỏ với các tướng sĩ, mong họ hiểu mình, chia sẻ nỗi lo cùng mình và có ý thức trách nhiệm giết giặc cứu nước.

Đó là thái độ căm phẫn, quyết không dung tha lũ giặc cướp nước “chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Các động từ mạnh kết hợp với phép tăng cấp, thậm xưng đã diễn tả sâu sắc lòng căm thù giặc, quyết không đội trời chung với bọn giặc.

Khép lại đoạn văn là lời nguyền của Trần Quốc Tuấn “dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng” đã nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hi sinh để rửa hận cho nước, rửa nhục cho dân, bảo vệ chủ quyền dân tộc, lấy lại danh dự cho triều đình.

3. Lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn thể hiện trong thái độ chăm sóc quan tâm đối với các tướng sĩ dưới quyền.

“Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu, không có… lương ít thì ta cấp bổng…” ông quan tâm đến họ về nhiều mặt, kịp thời, sống có thủy có chung, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với họ.

Để rồi từ đó tác giả phê phán thái độ bàng quan, vô trách nhiệm, ăn chơi hưởng lạc. Phê phán thật nghiêm khắc. Ông muốn họ hiểu rằng chiến đấu cho chính cuộc sống của họ.
Bài hịch chứa đựng tình cảm yêu nước và khí phách anh hùng, đồng thời còn mang tính nghệ thuật độc đáo, xứng đáng là áng văn thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học nước nhà.

III. Kết bài:

Ngày nay, đất nước đang bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc mà cha ông ta xưa kia đã tạo dựng. Đọc lại những áng văn bất hủ của người xưa như nhắc nhở người đời sau thừa kế và phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước và quyết tâm diệt thù của người xưa.

2. Làm sáng tỏ tinh thần yêu nước của Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ

Từ xưa tới nay, trong suốt 4000 năm văn hiến, nhân dân ta luôn có một tấm lòng yêu nước nồng nàn, thủy chung son sắt, từ thời bình đến thời chiến, ta chưa một ngày đánh mất hay làm phai mờ tấm lòng ấy. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Tình yêu nước được thể hiện trong nhiều khía cạnh, từ những người anh hùng đứng lên cầm súng, cầm gươm giết giặc, đến những nghệ sĩ với ngòi bút tinh tế điêu luyện, viết ra những tác phẩm thật sâu sắc, ẩn chứa lòng yêu nước thiết tha. Trần Quốc Tuấn là tổng hòa của cả hai yếu tố ấy, điều đó thể hiện trong lịch sử và bài Hịch tướng sĩ.

Trần Quốc Tuấn (1231-1300), tước là Hưng Đạo đại vương, ông có công lớn trong cuộc chiến chống quân Mông – Nguyên, là một vị tướng tài ba của nhà Trần trong những năm triều đình hưng thịnh. Hịch tướng sĩ thuộc thể loại hịch. Hịch thường do vua chúa, tướng lĩnh thủ lĩnh viết để cổ vũ, khích lệ tinh thần của quân sĩ tham gia chống giặc, giọng văn tình cảm, hùng hồn, mạnh mẽ thể hiện được tinh thần của người viết, có sức lan tỏa. Thường sử dụng các câu văn biền ngẫu, hoa mĩ, trang trọng.

Văn bản thể hiện tấm lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn rất sâu sắc, có phong thái của một vị chủ tướng thống lĩnh ba quân, có trách nhiệm. Vì yêu nước, vì muốn chiến thắng quân Mông-Nguyên nên ngài viết bài Hịch để kêu gọi, ủng hộ, củng cố tinh thần tướng sĩ. Sau khi nói về những tấm gương sáng về lòng yêu nước chiến đấu hết mình Tổ quốc trong lịch sử thời Xuân Thu chiến quốc, nói về tình hình địch ta. Trần Quốc Tuấn bắt đầu bày tỏ nỗi lòng của mình, từng câu từng chữ nghe thật thấm thía, ngậm ngùi. Trước hết là ở thái độ căm tức khi chứng kiến cảnh “Ngó thấy sự giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, vét của kho có hạn, thật khác nào đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai hoạ về sau!”. Sự so sánh thật gay gắt, ví quân giặc như lũ thú vật ác ôn là diều hâu, cú mèo, vốn là những thứ xui xẻo, bị người đời khinh ghét. Rồi lại coi chúng chẳng khác nào loài gia súc như dê chó, tất cả những điều đó đều nhằm thể hiện thái độ khinh ghét, lòng căm phẫn sự nghênh ngang, vô sỉ của quân cướp nước. Ông yêu nước lại thương dân nên khi gặp cảnh giặc thù giày xéo quê hương, thì thân là chủ tướng mà trước hết là con dân Đại Việt ông luôn có một mối trăn trở, day dứt đến nỗi “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa”. Đó là nỗi lo lắng đến mất ăn mất ngủ, nỗi đau xót khôn cùng khiến bậc đại trượng phu cũng phải khóc than. Là lòng căm thù quân giặc cùng cực “chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù”. Đó là tấm lòng nguyện hy sinh máu xương cho Tổ quốc “dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa cũng cam lòng”, đó là tấm lòng thật đáng quý trân trọng biết bao. Và hơn thế Trần Quốc Tuấn muốn lan tỏa tấm lòng ấy tình cảm ấy đến toàn thể các binh sĩ, khơi dậy trong họ lòng yêu nước, tinh thần hy sinh, lòng căm thù quân giặc. Ông dùng những lời lẽ động viên hết sức chân thành và thuyết phục “Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy rồi đây sau khi giặc đã dẹp yên, muôn đời để thẹn, há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa?”. Đánh đòn tâm lý, vào cái tinh thần yêu nước tiềm tàng của quân sĩ, vào cái lòng tự tôn dân tộc vốn đã tồn tại từ rất lâu chỉ đợi có người khơi gợi.

Hơn thế nữa, ông còn có một tấm lòng nhân hậu, yêu thương và quan tâm đến binh sĩ của mình mà nền tảng là tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Ông hết mực lưu tâm đến cuộc sống của họ, đối đãi công bằng, người có công thì được thưởng, cơm ăn áo mặc, thăng quan tiến chức đều đủ cả. Chủ tướng sát cánh cùng binh sĩ, sống chết có nhau, lúc thanh bình lại tán gẫu đàm đạo vui cười, quả thực là gần gũi thân thiết vô cùng. Rồi ông phê phán những kẻ bàng quan trước thế sự, không biết lo nghĩ, quên hết ân tình của chủ của đất nước, chỉ ham những thú vui chọi gà, đánh bạc tầm thường, ham vui thú đồng ruộng, vợ con, hay nghe hát kịch mà chẳng biết quân giặc đã mò đến tận cổng. Đó là không biết lo, không biết nhục. Ông vẽ ra viễn cảnh đất nước bị giặc thôn tính, nhân dân lầm than, mà trước hết là các binh lính sẽ chết trong nỗi nhục ê chề trăm năm, ngàn năm vì không bảo vệ được đất nước, được gia đình, “đau xót biết chừng nào!”. Sau đó ông vẽ ra viễn cảnh thái bình thịnh trị, vui vẻ nếu đánh bay quân giặc, câu nào cũng thật chí lý, thật hay, khiến người ta nghe mà hưng phấn và vui mừng, tinh thần binh lính lập tức được dâng cao hẳn, người người nhà nhà muốn ra sa trường bêu đầu giặc cho thỏa chí nam nhi.

Lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn còn thể hiện qua việc ông dồn hết tâm sức viết cuốn Binh thư yếu lược để cho binh sĩ đọc và học tập, để nâng cao binh pháp, tinh thần chiến đấu. Đó là tấm lòng chân thành tha thiết của người chủ tướng gửi gắm đến binh sĩ của mình. Ông chỉ có một mơ ước sao cho nước nhà sạch bóng quân thù, để muôn dân được ấm no, không phải chịu nỗi nhục mất nước, nỗi đau ly tán. Chỉ cần thế thì người chủ tướng như ông đã chẳng còn gì phải hối tiếc. Ôi một tấm lòng thật đẹp!

Qua tác phẩm Hịch tướng sĩ, với giọng văn vừa hùng hồn mạnh mẽ lại tràn đầy tình cảm có sức lay động tâm hồn của Trần Quốc Tuấn. Ta có thể thấy được tấm lòng yêu nước yêu dân của vị anh hùng đáng kính, ông tựa như một người cha, với những lời lẽ thật tâm huyết cho những đứa con còn nhỏ dại, còn mơ hồ về tình trạng đất nước. Qua đó thể hiện lòng yêu nước tha thiết, lòng căm thù quân thù sâu sắc cảu Trần Quốc Tuấn.

3. Làm sáng tỏ lòng yêu nước, căm thù giặc của Trần Quốc Tuấn thể hiện qua Hịch tướng sĩ

Tinh thần yêu nước từ lâu đã là một nét đẹp truyền thống trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Và lòng yêu nước ấy cũng được các nhà thơ, nhà văn mang vào văn học với những màu sắc mới mẻ mà chân tình, được biểu hiện trên nhiều mặt. Đó là tình yêu thiên nhiên, là lòng tự hào về gấm vóc non sông. Đó là tinh thần khâm phục trong ý chí chiến đấu anh dũng trước mũi súng quân thù. Đó là tình yêu của tiếng nói, của cội nguồn dân tộc. Và lòng yêu nước ấy được Trần Quốc Tuấn thể hiện sâu sắc một lần nữa trong bài “Hịch tướng sĩ”, bài hịch được ông viết vào thời điểm trước cuộc kháng chiến Mông – Nguyên nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân nhà Trần.

Bài hịch chứa chan tình thần yêu nước và ý chí quật cường của một tướng lĩnh tài ba. Thứ nhất, tình yêu nước được thể hiện ở niềm tự hào, khâm phục trước những tên tuổi của cha anh đi trước với bao chiến công oanh liệt. Đó là lòng hết mình, trung tín phục vụ chúa của những vị anh hùng . Đó là những gương chiến đấu hào hùng với quân của bao anh hùng hi sinh vì đất nước thân yêu. Họ là những gương để ta soi sáng, để ta lấy đó làm động lực mà nuôi ý chí chiến đấu. Đó là tinh thần trung quân ái quốc từ bao đời. “Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có?” . Chí anh hùng phải lập nên những thành công vĩ đại, những công danh hiển hách để lưu danh sử sách, đời đời mong nhớ. Bằng việc nêu ra gương các vị anh hùng, Trần Quốc Tuấn đã khiến cho quân sĩ phải suy ngẫm, tự nhìn lại chính mình, xem có xứng đáng với những truyền thống bất khuất mà thế hệ đi trước đã để lại.

Thứ hai, tình yêu nước được Hưng Đạo Vương thể hiện ở lòng căm thù giặc. Ngọn lửa yêu nước mãnh liệt, cháy bỏng bao nhiêu thì lòng căm phẫn trước quân giặc tàn độc càng lớn lao bấy nhiêu. Ông đã vạch trần tội ác, ngang ngược, huênh hoang của quân thù. Quân gian tà hống hách, nham hiểm và tham lam. Hành động như những tên cầm thú, gian mãnh, hung tàn: “ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau”.

Tinh thần ấy còn được thể hiện ở nỗi lòng của một vị tướng ngày đêm lo cho vận mệnh của dân tộc đang lâm vào cơn nguy kịch, hiểm hoạ đang đứng trước mắt, Tổ quốc khó lòng giữ trọn vẹn. Tác giả đã rất đau khổ, thương xót và lo lắng, trăn trở cho tình hình đất nước lúc này. Quân giặc phá phách trên quê hương, dân chúng lầm than, chết chóc thảm hại, khiến nỗi lòng kẻ sĩ không yên. “ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Nỗi căm tức biến thành hành động, mạnh mẽ và dứt khoát: “dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”. Một nỗi căm phẫn đến tột cùng của một trái tim thấm đẫm tình yêu nước, yêu nhân dân. Một ý chí quyết tâm tột độ, dẫu cho phải có hi sinh tất cả cũng phải giết được lũ giặc bất nhân, phi nghĩa.

Thứ ba, lòng yêu nước được thể hiện ở tinh thần đoàn kết, khích lệ nghĩa sĩ anh em trên dưới một lòng chống giặc cứu nước. Những lời lẽ chân tình thắm thiết được viết ra rất đỗi cảm động về tình cảm vua-tôi:

“Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười.”

Đó còn là những lời lẽ thấu tình đạt lý, nghiêm khắc mà thấu đáo của ông khi nhận thấy những tướng sĩ tài giỏi của mình đang vì lòng riêng mà quên mất việc lớn. Trần Quốc Tuấn đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm còn tồn tại của chính quân sĩ mình: đó là sự thờ ơ trước nỗi đau của nhân dân, trước mũi gươm của giặc mặc sức giằng xéo quê hương. Đất nước đang cảnh lâm nguy” ngàn cân treo sợi tóc” mà vẫn ham những thú vui tầm thường, không đáng: “Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm.” Vì vậy, Trần Quốc tuấn đã căn dặn, khuyến khích tướng sĩ hãy hành động, nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần anh dũng cảm quật cường, cảnh giác cao độ, chăm lo tập dượt binh thư yếu lược, thà chết vinh rửa nhục quân thù còn hơn sống mà chịu cảnh nước mất lầm than.

“Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù.”.

Bài hịch đã thể hiện rõ lòng yêu nước của một vị lãnh tướng tài ba. Còn thôi thúc trong lòng mỗi chúng em, những thế hệ trẻ tương lai ý thức về độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trần Quốc Tuấn như một gương sáng mãi về tình yêu nước, dạy cho mỗi người lòng tự hào, ý thức và trách nhiệm công dân, sẵn sàng đứng lên khi đất nước có ngoại xâm và trân quý hòa bình của nước nhà hiện tại.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học – Tài liệu của Trường Tiểu học Thủ Lệ.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button