Hỏi Đáp

Điều kiện để có quyền nuôi con khi ly hôn

Điều kiện để có quyền nuôi con khi ly hôn 2022. Điều kiện để có quyền nuôi con khi ly hôn là vấn đề quan tâm lớn nhất của các cặp vợ chồng khi đã quyết định chia tay, tuy đã có Luật pháp quy định cụ thể nhưng còn tùy thuộc vào tình hình thực tế, điều kiện kinh tế, ý muốn của trẻ,…với nhiều yếu tố chi phối. Trường Tiểu học Thủ Lệ xin được gửi tới các bạn tài liệu tham khảo sau đây để nghiên cứu cụ thể về quyền nuôi con khi ly hôn và trường hợp nào mẹ không được nuôi con.

Bạn đang xem: Điều kiện để có quyền nuôi con khi ly hôn

1. Điều kiện để có quyền nuôi con khi ly hôn?

Hỏi: Tôi kết hôn với chồng năm 2014. Thời kỳ đầu chúng tôi chung sống hạnh phúc và đã có một con gái sinh năm 2016. Tuy nhiên, khi tôi mang thai đứa con thứ hai được 3 tháng thì chồng tôi có những biểu hiện không bình thường, thường xuyên về muộn, thậm chí có nhiều lần viện cớ công tác qua đêm không về nhà.

Tôi đã nhiều lần gạn hỏi, thậm chí làm căng nhưng chồng tôi không chịu nói. Cho tới một lần tôi trực tiếp bắt gặp chồng tôi cặp kè với một cô gái khác, và anh ta thú nhận đã quan hệ với cô gái đó hơn một năm nay, đồng thời xin tôi tha thứ. Vì nghĩ đến con còn nhỏ và cả đứa con trong bụng, tôi đã cắn răng nhẫn nhịn bỏ qua, tuy nhiên anh ta dường như vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí còn công khai hơn.

Điều kiện để có quyền nuôi con khi ly hôn

Đến khi tôi có mang tháng thứ 6 thì toàn bộ tiền lương, thu nhập anh ta không hề đóng góp vào để nuôi con và lo việc gia đình. Anh ta còn tàn nhẫn tuyên bố muốn ly hôn với tôi và đòi nuôi đứa con lớn. Hiện tôi đang mang thai đứa con thứ hai đến tháng thứ 8. Tôi muốn được biết trong trường hợp này nếu tôi không đồng ý ly hôn thì liệu Tòa án có giải quyết không? Nếu tôi đồng ý ly hôn thì tôi có được quyền nuôi cả hai con không? Chồng tôi có nghĩa vụ gì nếu tôi được quyền nuôi cả hai con? Điều kiện nào để tôi được nuôi cả hai con?

Trả lời:

Chào bạn!

Chúng tôi xin tư vấn pháp luật như sau:

Căn cứ vào quy định của pháp luật, các vấn đề chị hỏi sẽ được giải quyết theo các trường hợp như dưới đây:

a) Trường hợp người chồng nhất quyết đơn phương xin ly hôn mặc dù người vợ không đồng ý

Khoản 2, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ) quy định:

Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nếu chồng chị vẫn kiên quyết đơn phương xin ly hôn và nộp đơn thì Tòa án sẽ trả lại đơn hoặc giải thích cho chồng chị về việc anh chưa có quyền yêu cầu ly hôn để anh tự nguyện rút đơn về. Sau khi được giải thích, nếu chồng chị vẫn kiên quyết không rút đơn thì Tòa án sẽ giải quyết theo thủ tục chung và quyết định bác đơn yêu cầu xin ly hôn của chồng chị. Trong trường hợp bị Toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn.

Vì vậy, nếu chị không đồng ý ly hôn (tức là không thuận tình ly hôn) thì chồng chị sẽ không có quyền đơn phương xin ly hôn cho đến khi đứa con thứ hai của chị được tròn 12 tháng tuổi. Do vậy cũng không phát sinh các vấn đề mà chị thắc mắc như quyền được trực tiếp nuôi hai con và nghĩa vụ của chồng sau khi ly hôn.

b) Trường hợp người vợ đồng thuận ly hôn

Nếu chị cân nhắc và quyết định đồng ý ly hôn với chồng, đồng ý ký vào đơn xin ly hôn, Tòa án sẽ thụ lý đơn và giải quyết cho anh chị ly hôn nếu có đủ căn theo quy định tại Điều 90 Luật HNGĐ về thuân tình ly hôn, khi đó sẽ phát sinh ba vấn đề sau:

Thứ nhất, về quyền trực tiếp nuôi con

Căn cứ Khoản 2 Điều 81 Luật HNGĐ quy định:

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.

Nếu đứa con đầu tiên của chị tính đến thời điểm xét xử chưa đầy 3 tuổi thì chị sẽ được nuôi cháu và đứa con thứ hai sau khi sinh chị cũng sẽ được nuôi. Tất nhiên, chị cũng cần chứng minh với Tòa án khả năng của mình về việc có thể nuôi dưỡng và chăm sóc cả hai con như: tình hình sức khỏe, điều kiện về chỗ ở, việc làm, thu nhập hàng tháng, điều kiện chăm sóc, giáo dục,…

Thứ hai, về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn:

Điều 81 và 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.

Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Thứ ba, Về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn

Điều 82 Luật HNGĐ quy định: Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà Tòa án quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý. Phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Như vậy, nếu chị giành được quyền trực tiếp nuôi cả hai con thì chồng chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho chị để chị có thêm điều kiện nuôi con. Vì đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, chồng chị phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

2. Điều kiện để giành quyền nuôi con sau ly hôn?

Một trong những vấn đề mà các cặp vợ chồng thường tranh cãi nhiều nhất trong các vụ án ly hôn là việc giành quyền nuôi con. Mặc dù pháp luật về hôn nhân và gia đình đã có những quy định cụ thể về khía cạnh này tuy nhiên còn có khá nhiều yếu tố quyết định đến khả năng được nuôi con của mỗi người. Vậy đó là những yếu tố nào? Và đâu là điều kiện cần thiết để giành được quyền nuôi con sau ly hôn?

Về nguyên tắc, quyền nuôi con sau ly hôn có thể được các bên đương sự (vợ, chồng) tự thỏa thuận với nhau và được tòa án ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, người được quyền nuôi con có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi nhân sự, hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (mức cấp dưỡng tùy theo điều kiện kinh tế hoặc theo thỏa thuận) để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành.

Trong trường hợp, hai vợ chồng không thể thỏa thuận được ai sẽ nuôi dưỡng con cái thì lúc này Tòa án sẽ có quyền phán xét, giao quyền nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng. Quyết định của tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt và hướng tới tương lai tốt đẹp của con. Một số quyền lợi được xét đến như: điều kiện học tập, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, đi lại…

Như vậy, xét một cách cơ bản thì người nào có điều kiện tốt hơn về thu nhập, tài sản, công việc sẽ giành được quyền nuôi con. Thông thường điều đó phần lớn nghiêng về khả năng người chồng.

Nhưng thực sự người mẹ lại giành được lợi thế về mặt tình cảm, đạo đức và phương pháp nuôi dạy con cái.

  • Trong trường hợp, con cái trên 7 tuổi thì tòa sẽ hỏi ý kiến và nguyện vọng của con.
  • Trong trường hợp, con cái dưới 3 tuổi thì quyền nuôi con sẽ thuộc về người mẹ ngoại trừ trường hợp người mẹ không muốn nuôi con.

Tuy nhiên, sau khi giành được quyền nuôi con, nếu phát hiện trong quá trình nuôi con, người đó không hoàn thành trách nhiệm của mình thì người kia có quyền nộp đơn yêu cầu thay đổi người nuôi con.

3. Trường hợp nào mẹ không được nuôi con

Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có thể thấy, không phải mọi trường hợp người mẹ sẽ được nuôi con. Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ ra hai trường hợp người mẹ không được nuôi con gồm:

– Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

– Cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Người mẹ đủ điều kiện nuôi con phải đáp ứng các yêu cầu về người giám hộ được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự.

Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.

Vì vậy nếu người mẹ thuộc các trường hợp như: mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, bị tòa tuyên bố hạn chế quyền đối với con, không đủ điều kiện chăm sóc giáo dục con cái, có nhân cách không tốt… thì được cho là không đủ điều kiện để nuôi con.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, việc cho con có một tuổi thơ đẹp, tràn đầy tình yêu thương với sự có mặt của cha mẹ ở bên để dạy dỗ, chỉ bảo, giáo dục con cái là quan trọng hơn cả. Đây cũng là nhân tố quyết định để con trẻ phát triển không chỉ về thể chất mà còn hoàn thiện về mặt tâm hồn, trẻ em sẽ phát triển tâm lý khỏe mạnh, hòa đồng, lớn lên trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Do đó, người giành được quyền nuôi con là người có thể đảm bảo đủ mọi điều kiện cho sự phát triển và tương lai của con trẻ bởi Pháp luật nhà nước Việt Nam luôn chú trọng vào quyền lợi và tương lai của người con. Pháp luật nước ta bên cạnh những lý lẽ, điều luật sắt thép cũng luôn chú trọng đến “cái tình”, bởi thế quyền nuôi con nhỏ ở mẹ luôn được ưu tiên. Dù cả hai bên cha mẹ bên nào có điều kiện hơn nhưng đối với con đã lớn trên 7 tuổi khi ra quyết định quyền nuôi con, Tòa án cũng sẽ căn cứ theo nguyện vọng của đứa trẻ.

Có thể thấy, nền pháp luật nước nhà, đặc biệt là trong vấn đề Luật hôn nhân và gia đình của nước ta ngày càng phát triển, bên cạnh sự khuôn phép nghiêm minh lại luôn chứa đựng những lý lẽ, tình cảm đời thường. Đó cũng là cơ sở để pháp luật từ trên văn bản, giấy tờ đi vào thực tiễn đời sống của người dân.

Bài viết này đã làm rõ cá vấn đề về điều kiện để có quyền nuôi con khi ly hôn và trường hợp mẹ không được nuôi con. Mời các bạn tham khảo các bài viết có liên quan tại mục Dân sự, Hôn nhân và gia đình mảng Hỏi đáp pháp luật và Phổ biến pháp luật của Trường Tiểu học Thủ Lệ.

    Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

    Chuyên mục: Hỏi Đáp

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Back to top button