Giáo Dục

Dàn ý bài viết số 6 lớp 7 (đủ 5 đề)

Viết bài tập làm văn số 6 lớp 7 là dạng bài viết văn lập luận giải thích bao gồm 5 đề riêng biệt. Trong bài viết này Trường Tiểu học Thủ Lệ sẽ hướng dẫn các em học sinh lập dàn ý bài viết số 6 lớp 7 để các em nắm được cách làm bài viết số 6 lớp 7 sao cho đúng trọng tâm, không bị lạc đề.

Bạn đang xem: Dàn ý bài viết số 6 lớp 7 (đủ 5 đề)

  • Top 13 bài giải thích câu tục ngữ Lá lành dùm lá rách lớp 7 siêu hay

Bài viết số 6 lớp 7 gồm 5 đề như sau:

Đề 1: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua 2 dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?

Đề 2: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Hãy tìm hiểu người xưa muốn nhắn nhủ điều gì qua câu ca dao ấy.

Đề 3: Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công.

Đề 4: Dân gian có câu: “Lời nói gói vàng”, đồng thời lại có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Qua hai câu trên, em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống.

Đề 5: Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

Sau đây là nội dung chi tiết mẫu dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 1, dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 2, dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 3, dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 4, dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 5. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 1

I. Mở bài

– Bác Hồ để lại cho chúng ta những lời khuyên, lời dặn dò vô cùng sâu sắc và thấm thìa.

– Một trong số đó là câu thơ:

“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

II. Thân bài

1. Lời khuyên của Bác qua hai dòng thơ

– Mùa xuân, khí hậu ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc. Mùa xuân cũng là mùa cây cối dễ trồng, dễ phát triển. Mùa xuân có Tết cổ truyền, mọi người, mọi nhà vui vẻ đón xuân. Đó chính là thời điểm trồng cây thích hợp nhất.

– Bác đã khởi xướng ra một phong trào rất có ý nghĩa là trồng cây vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc: “Mùa xuân là Tết trồng cây”. Từ đó, mọi người đều gọi là “Tết trồng cây”.

– Lời dạy của Bác vừa hợp với đất trời, vừa hợp với lòng người.

– Trồng cây không chỉ đem lại lợi ích trước mắt cho cuộc sống của con người mà còn đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

2. Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước

– Cây có tác dụng rất lớn, rất thiết thực cho cuộc sống của con người.

– Cây nói riêng rừng nói chung là “lá phổi xanh” cung cấp cho con người bao khí oxi quan trọng.

– Cây cho ta gỗ quý để làm nhà cửa, làm đồ dùng sinh hoạt trong gia đình như bàn ghế, giường, tủ…

– Khi cây mọc tự nhiên thành rừng hoặc khi cây được trồng nhiều thành rừng thì rừng giúp ta chống xói mòn đất, giữ độ ẩm, tạo nguồn nước cho suối, cho sông. Rừng là bức tường ngăn vững chắc không cho lũ đổ về sông. Rừng là môi trường sống của muôn loài vật. Rừng là kho thuốc đông y quý giá. Rừng cho ta cây cối để làm giấy phục vụ cho con người…

3. Chúng ta cần làm gì để thực hiện tốt lời dạy của Người?

– Hiểu được tầm quan trọng của cây cối đối với cuộc sống của con người. Từ đó, tích cực tham gia mọi hoạt động trồng cây gây rừng.

– Có ý thức bảo vệ cây cối, không ngắt lá, bẻ cành,..,

– Lên án những kẻ chặt cây phá rừng.

– Khuyên bảo, động viên, khuyến khích bạn bò, những người xung quanh tham gia “Tết trồng cây”.

III. Kết bài

– Tuy Bác đã đi xa nhưng lời khuyên của Bác về việc trồng cây vẫn mãi mãi còn vẹn nguyên ý nghĩa.

– Chúng ta vô cùng biết ơn Bác và luôn học tập và noi theo gương Bác

2. Bài viết số 6 lớp 7 đề 1

Mỗi khi Tết đến, xuân về, cây cối lại đâm chồi nảy lộc, hoa cỏ tốt tươi. Lòng mỗi người phơi phới đón mùa xuân về và không quên hưởng ứng phong trào “trồng cây xanh” theo lời dạy của Bác Hồ:

“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm, thời tiết ấm áp muôn hoa đua nở, cây cối tốt tươi chứ không còn nghèo nàn, khẳng khiu như mùa đông giá lạnh nữa. Thời tiết thuận lợi, kèm theo có những cơn mưa xuân đầu mùa là thời điểm thích hợp để trồng cây xanh, trồng cây vào mùa xuân cây cối sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển. Đó chính là lý do mà Bác cho rằng mùa xuân là mùa để trồng cây.

Nhưng ở câu thơ thứ hai từ “xuân” ở đây không còn là từ “xuân” để chỉ mùa bắt đầu của một năm nữa mà từ “xuân” trong “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” là để chỉ sự tươi đẹp, giàu có, tươi mới của đất nước. Vậy việc trồng cây vào mùa xuân có liên quan gì đến sự giàu đẹp của đất nước? Chúng ta cần tìm hiểu về vai trò của cây xanh trong đời sống con người và sự phát triển của đất nước. Cây xanh trong quá trình quang hợp đã thải ra khí ô-xi – một loại khí rất cần thiết cho sự sống của con người và hút vào khí các-bô-níc – một loại khí gây ô nhiễm môi trường nhờ vậy mà vai trò to lớn của cây xanh là giúp điều hòa khí hậu, con người luôn được sống và làm việc trong một bầu không khí trong lành.

Ở đây Bác muốn nhấn mạnh đất nước tươi đẹp không chỉ ở sự giàu có về cơ sở vật chất mà còn là sự trù phú của của muôn loài, là sự trong lành trong môi trường mà chúng ta đang sống. Vai trò của cây xanh không chỉ dừng lại ở đó, thực tiễn cho thấy những nơi nào việc chặt phá rừng xảy ra phổ biến thì những nơi đó hay xảy ra các thiên tai như lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người dân vùng đó. Vì vậy việc trồng nhiều cây xanh, đặc biệt là những nơi hay xảy ra lũ quét có ý nghĩa vô cùng to lớn, làm hạn chế các thiên tai vào đất liền. Trồng nhiều cây tạo thành rừng còn là nơi sinh sống, cư trú của rất nhiều loài động vật, đặc biệt là những động vật quý hiếm, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú của giới sinh vật nước ta. Không chỉ vậy cây xanh còn góp phần phát triển kinh tế đất nước thông qua việc cung cấp một lượng gỗ lớn để sản xuất các đồ dùng mĩ nghệ và công nghiệp sản xuất giấy. Phân tích vai trò của cây xanh ta mới hiểu rõ ý của Bác qua hai câu thơ.

Bác đã lấy việc trồng cây xanh vào mùa xuân làm cơ sở để tạo nên “mùa xuân” của đất nước. Đây là một lời dạy quý báu và ngày nay chúng ta vẫn ghi nhớ lời căn dặn ấy thông qua các hoạt động thực tiễn như ngày hội trồng cây xanh ở các cơ quan, trường học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo nên sự trong lành của bầu không khí.

Bác Hồ – vị cha già vĩ đại của cả dân tộc đã để lại cho chúng ta những lời dạy quý báu, một trong số đó là việc trồng cây vào mùa xuân để từ đó làm nên mùa xuân của đất nước.

3. Dàn ý bài viết số 6 lớp 7 đề 2

I. Mở bài

– Giới thiệu truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc: là truyền thống lâu đời, thể hiện những đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

– Giới thiệu, trích dẫn bài ca dao.

II. Thân bài

1. Giải thích

– Nghĩa đen: “nhiễu điều” tấm vải đỏ, nhiễu điều phủ lấy giá gương tấm vải đỏ che phủ, bao bọc, bảo vệ gương.

– Nghĩa bóng: Mọi người phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

2. Chứng minh

* Tại sao lại phải sống đoàn kết, thương yêu nhau?

– Đề cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống lao động: chống bão lũ, hạn hán….

– Để cùng chống giặc ngoại xâm…

– Để cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt: những người nghèo,nạn nhân chất độc màu da cam, những trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em ung thư… (Có thể dẫn một số câu tục ngữ, ca dao có nội dung tương tự)

* Cần phải làm gì để thực hiện lời dạy của người xưa?

– Thương yêu đùm bọc và sống có trách nhiệm với chính những người thân yêu trong gia đình, hàng xóm…

– Sống có trách nhiệm với cộng đồng: tham gia các phong trào ủng hộ, các hoạt động từ thiện….

3. Liên hệ bản thân

Là học sinh, em có thể làm gì để thực hiện lời khuyên của dân gian ( yêu thương đoàn kết với bạn bè trong lớp, tham gia các hoạt động ủng hộ, quyên góp…)

III. Kết bài

– Khẳng định giá trị của bài ca dao: thể hiện được truyền thống tương thân tương ái quý báu của dân tộc.

– Khẳng định rằng truyền thống tốt đẹp ấy sẽ được thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối và phát huy.

4. Bài viết số 6 lớp 7 đề 2

Dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Một trong số đó là tinh thần tương thân tương ái. Điều đó được thể hiện trong bài ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Ở vế câu đầu tiên, hình ảnh “nhiễu điều” có nghĩa là tấm vải đỏ. Vậy nên “nhiễu điều phủ lấy giá gương” ý chỉ lấy tấm vải đỏ che phủ, bao bọc, bảo vệ gương. Chính vì vậy mà “Người trong một nước phải thương nhau cùng” – những người cùng chung nòi giống, sống trong cùng một đất nước hãy yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Câu ca dao muốn khuyên nhủ con người cần phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

Có thể khẳng định đây là một cách sống tốt đẹp. Không phải ai sinh ra cũng được sống trong một hoàn cảnh tiện nghi, sung sướng. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì vậy, con người cần biết chia sẻ để giúp đỡ, cùng xây dựng một xã hội phát triển hơn.

Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống tương thân tương ái. Trong quá khứ, chúng ta đã đoàn kết lại, đùm bọc lẫn nhau vượt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1945, khi nhân dân ta phải đối mặt với “giặc đói”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một nắm khi đói, bằng một gói khi no” được nhân dân hưởng ứng. Các hũ gạo cứu đói đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Đến hiện tại, tinh thần đó lại càng được nêu cao. Nhiều chương trình từ thiện đã thể hiện được tinh thần nhân ái giữa con người. Có thể kể đến những cái tên quen thuộc như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”… của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ được biết bao mảnh đời khó khăn trong xã hội… Ngay trong những ngày đầy sóng gió của năm 2020 vừa qua, khi đất nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19 thì tinh thần ấy lại càng lớn mạnh. Đó là những điểm phát lương thực thực phẩm miễn phí cho những người khó khăn. Những chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước đến những người nghèo. Hay những y bác sĩ nguyện xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ không ngại phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh để có thể cứu chữa cho bệnh nhân của mình. Hình ảnh bác sĩ với những vết hằn đỏ trên mặt vì phải đeo khẩu trang liên tục ngày này qua ngày khác thật sự khiến chúng ta cảm thấy xúc động.

Là một chủ nhân tương lai của đất nước, những học sinh như tôi cần ý thức được bài học về tinh thần “Thương người như thể thương thân”. Chúng ta hãy biến tình yêu thành hành động cụ thể để giúp cho đất nước ngày càng phát triển. Đặc biệt là học sinh, sinh viên cần biết giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống. Giúp đỡ người khác cũng là giúp đỡ bản thân mình.

Như vậy, câu ca dao trên là một bài học đúng đắn dành cho con người. Mỗi người hãy ghi nhớ để có thể giữ cho mình một lối sống đẹp đẽ, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

5. Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 3

I. Mở bài

Giới thiệu câu tục ngữ: “ Thất bại là mẹ thành công”.

Trong cuộc sống mỗi chúng ta có ai chưa từng thất bại. Những thất bạn dù nhỏ hay lớn đều có một tác động rất lớn đến mỗi con người. Có người đã không thể tự đứng lên sau vấp ngã. Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ phải bỏ cuộc, thất bạn là gì mà đã làm bao người chán nản. Vậy để có những thành công đó hãy vượt qua những thất bại ấy ta phải làm những gì? Để khuyên chúng ta có động lực sau những lần thất bại để có được những thành công ông bà ta đã có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Chúng ta cùng đi tìm hiểu câu tục ngữ này.

II. Thân bài

1. Giải thích

* Nghĩa đen:

– “Thất bại” là những lần vấp ngã, khó khăn trong công việc và cuộc sống. Là những công việc ta vạch định không đạt được kết quả như mong muốn.

– “Thành công” là đạt được những kết quả đạt được theo ý ta muốn, và công việc đó được hoàn thành tốt đẹp, xuất sắc.

– “Mẹ”: Mẹ là người đã sinh ra, đã tạo nên con, vậy để có những thành công cần phải có thất bại.

* Nghĩa bóng: Mỗi người chúng ta ai cũng từng trải qua thất bại một lần. Vượt qua thất bại như thế nào mới là cách tốt, nhưng thất bại thường có hai loại người và hai phản ứng khác nhau:

– Có người bỏ cuộc như một con chim trúng tên thì tất yếu phải sợ cung

– Có những người quyết tâm để đạt được thành công. Khi thất bại họ đem vấn đề ra mổ xẻ, phân tích, tìm nguyên nhân để tiếp tục công việc của mình. Và đó là những người có những kinh nghiệm lớn, thành công lớn.

2. Tại sao “thất bại là mẹ thành công”?

– Sự mâu thuẫn của câu nói: “thành công” hoàn toàn trái ngược với “thất bại”.

– Nguyên nhân: Vì sau khi mỗi lần thất bại ta sẽ tìm được nguyên nhân dẫn đến sai sót của công việc, giúp ta có kinh nghiệm và giúp ta tránh được những sai lầm và bước tiếp đến thành công.

3. Tác động của thất bại

– Đối với người dễ nản chí: chấp nhận, sợ hãi khó khăn, thất bại.

– Đối với người có ý chí: vượt qua khó khăn, đối đầu với thử thách.

– Dẫn chứng:

Lúc nhỏ ta tập xe, sau mỗi lần té đau là ta sẽ biết đi.
Nhà bác học Edison đã thất bại hàng ngàn lần trước khi ông sáng tạo ra chiếc bóng đèn.

III. Kết bài

– Khẳng định tính đúng đắn của vấn đề.

– Từ những phân tích rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

6. Bài viết số 6 lớp 7 đề 3

Cuộc sống là một chặng hành trình đầy khó khăn và thử thách mà con người cần phải vượt qua. Ai cũng khao khát đạt được thành công. Và điều đó đã trở thành đích đến cho mọi nỗ lực của chúng ta. Ông cha ta đã có câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” để khuyên nhủ con người.

Thành công chính là kết quả, thành quả ngọt ngào mà một người gặt hái được sau những ngày tháng nỗ lực, cống hiến hết mình cho một công việc, mục đích nào đó. Nói một cách khác thành công chính là việc ta thực hiện được mục đích ban đầu mà ta đã đặt trong trong công việc, học tập, hay một lĩnh vực cụ thể nào đó. Thất bại là những lần ta vấp ngã, những lần ta không đạt được kết quả như mong muốn trong học tập, công việc hay cuộc sống. Còn hình ảnh “mẹ” chính là người phụ nữ đã sinh chúng ta ra đời, nuôi nấng và dạy dỗ cho chúng ta những nhiều bài học. Tóm lại cách nói “thất bại là mẹ thành công” nhằm khẳng định rằng mỗi thất bại trong cuộc đời con người sẽ trở thành một bài học bổ ích để chúng ta tiến đến thành công.

Cuộc sống là một cuộc hành trình gian nan với nhiều thử thách. Đôi khi vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà con người không thể có đạt được thành công, để rồi từ đó rơi vào thất bại. Nhưng chính từ những thất bại đó, chúng ta học được nhiều bài học khác nhau. Vì sau khi mỗi lần thất bại ta sẽ tìm được nguyên nhân dẫn đến sai sót của công việc, giúp ta có kinh nghiệm và giúp ta tránh được những sai lầm và bước tiếp đến thành công. Nhà bác học thiên tài, Thomas Edison đã phải trải qua hàng nghìn lần thất bại để tìm ra nguyên liệu để thắp sáng chiếc bóng đèn đầu tiên của nhân loại. Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua vô số những cuộc khởi nghĩa thất bại, sai lầm từ con đường cứu nước để rồi chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của đất nước đã tìm ra ánh sáng của lí tưởng cách mạng vô sản, lãnh đạo nhân dân đánh bại thực dân Pháp. Mọi thành công của hiện tại là kết quả của thất bại ở quá khứ.
Như vậy, câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” là vô cùng đúng đắn. Mỗi người hãy ghi nhớ để từ đó biết vượt lên mọi nghịch cảnh, hoàn thiện bản thân. Chắc chắn rằng, thành công luôn ở phía cuối con đường.

7. Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 4

I. Mở bài

– Vị trí và vai trò ngày càng quan trọng của việc giao tiếp trong đời sống hàng ngày: là hoạt động thường xuyên, thiết yếu của con người.

– Giới thiệu và trích dẫn hai câu tục ngữ, ca dao: “Lời nói gói vàng” và “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng sách”.

II. Thân bài

1. Giải thích

– Nghĩa đen:

“Lời nói gói vàng”: lời nói có giá trị lớn, quý giá như gói vàng.

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”: lời nói là thứ không mất tiền mua, không mất nhiều công sức, tiền bạc cũng có được nên cần lựa lời để nói làm vừa lòng nhau (vừa lòng: đẹp lòng, hài lòng, có ấn tượng tốt…)

– Nghĩa bóng:

Lời nói là thứ rất quý giá, cần được quý trọng đúng mức.

Lời nói rất quý giá nhưng cũng là phương tiện giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, ai cũng có thể sử dụng được nên cần sử dụng đúng với nội dung và hoàn cảnh để tạo nên hiệu quả giao tiếp tốt nhất (chọn lựa, tổ chức lời nói cho phù hợp với người nghe).

2. Vai trò của lời nói

– Để giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày; là phương tiện để trao đổi những thông tin, tâm tư, tình cảm,…

– Lời nói cũng thể hiện nhân cách của mỗi con người.

Lời nói điềm tĩnh, nhẹ nhàng, ngôn ngữ trong sáng thường thể hiện một con người lịch sự, văn minh, có học thức, có văn hóa…
Lời nói cộc cằn, thô lỗ… thường thể hiện một con người thiếu văn hóa, thô thiển…
– Câu tục ngữ và ca dao trên khẳng định vai trò của lời nói và cách thức nói năng trong cuộc sống.

3. Làm như thế nào để sử dụng lời nói đúng mực, hiệu quả?

– Trong giao tiếp phải bình tĩnh, cởi mở, suy nghĩ kĩ trước khi nói: cần phải nói gì, nói như thế nào để vừa đạt được mục đích nói vừa làm người nghe dễ tiếp thu.

– Phải hiểu các nguyên tắc ứng xử để sử dụng lời nói cho đúng mực và đạt hiệu quả giao tiếp.

III. Kết bài

– Khẳng định giá trị của hai câu tục ngữ và ca dao: thể hiện nhận thức đúng đắn của dân gian về ý nghĩa và vai trò của lời nói.

– Rút ra bài học cho bản thân: cần hiểu được vai trò quan trọng của lời nói và biết cách sử dụng lời nói một cách hiệu quả.

8. Bài viết số 6 lớp 7 đề 4

Tục ngữ Việt Nam có khá nhiều câu nêu kinh nghiệm về giá trị của lời nói và cách nói năng trong cuộc sống. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến hai câu sau đây: “Lời nói, gói vàng” và “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Khi mới đọc tưởng như hai câu tục ngữ trên có ý nghĩa trái ngược nhau bởi một câu để cao giá trị của lời nói qua phép so sánh kết hợp với phóng đại: lời nói như cả gói vàng, một câu lại khẳng định lời nói chẳng mất tiền mua, đó là phương tiện giao tiếp người ta sẵn có, tuỳ ý mình sử dụng. Nhưng thực ra hai câu này, tuy dài ngắn khác nhau, một câu ví von bóng bẩy, mang hàm ý, một câu giản dị trực tiếp nêu lời khuyên nhủ, song chúng đều có chung ý nghĩa sâu sắc là đề cao giá trị của lời nói và nêu kinh nghiệm khi giao tiếp bằng lời: phải lựa chọn từ ngữ sao cho chính xác, phù hợp, chọn cách nói sao cho tế nhị, dễ nghe.

Vì sao lời nói tuy “chẳng mất tiền mua” nhưng lại được so sánh với vàng – một thứ kim loại quý hiếm, có giá trị rất cao? Vì sao khi giao tiếp lại phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”? Ai cũng biết: người bình thường khi sinh ra sau “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, sẽ dần biết nói. Vốn từ ngữ tiếng mẹ đẻ của mỗi người sẽ ngày càng phong phú hơn theo thời gian, cùng với sự trưởng thành và quá trình học tập (nếu có) của từng người. Hằng ngày, con người chủ yếu dùng ngôn ngữ để giao tiếp. Bởi vậy, thật thiệt thòi cho những người mắc khuyết tật khiến không nghe được không nói được. Lời nói là cây cầu âm thanh rất quý giá nhưng loại công cụ này không chỉ có lợi mà còn có hại nếu như ta “ăn không nên đọi, nói không nên lời” hoặc nói ra những lời vô duyên, bậy bạ, không đúng sự thật hay “nói lời mà chẳng giữ lời…”. Thông thường, bằng thính giác, ta nhận ra sự có mặt của ai đó qua giọng nói của người ấy nhưng để đánh giá tính cách, trình độ, thái độ của người ấy thì phải dựa vào lời nói và việc làm của họ. Lời nói gồm nội dung, ý nghĩa câu chữ và giọng điệu của người nói. Nếu biết “lựa lời”, tức là biết chọn lọc từ ngữ, giọng điệu và thời điểm nói, thì lời nói ấy sẽ làm “vừa lòng” người nghe, cuộc đối thoại sẽ đi đến kết quả tốt đẹp. Ngay cả khi ai đó có sự khúc mắc, mâu thuẫn với người khác, nếu có được người biết khéo léo, hoà giải đôi bên bằng những lời lẽ thấu tình, đạt lý, sắc sảo, thấm thìa mà vẫn nhẹ nhàng; dễ tiếp thu thì hẳn là mâu thuẫn sẽ được giải quyết êm đẹp bởi “nói phải củ cải cũng nghe”. Ngược lại, nếu phát ngôn tuỳ tiện, tục tĩu, ba hoa khoác lác, hoặc vu khống, xuyên tạc thì người nói sẽ bị chê cười, khinh ghét, còn có thể gây nên những hiểu lầm ngoài ý muốn, thậm chí gây những xích mích, xô xát dẫn đến những hậu quả nặng nề. Báo chí đã từng đăng không ít thông tin về những vụ việc đánh, giết nhau chỉ vì một lời đùa cợt, một câu chửi thề vu vơ hoặc những lời đàm tiếu vô tâm hay ác ý…

Lời nói chỉ thực sự là “gói vàng” khi đó là những lời hay, ý đẹp được nói đúng lúc, đúng chỗ, là những lời chân thực, có trọng lượng, giàu sức thuyết phục, là lời nói đi đôi với việc làm. Lời nói đẹp không chỉ là những câu thơ, câu văn trau chuốt, bóng bảy của các nghệ sĩ ngôn từ hay những bài diễn thuyết hùng hồn của các nhà hùng biện. Đó có thể chỉ là những lời lẽ tự nhiên, giản dị mà vẫn đi vào lòng người. Câu hỏi rất đỗi ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi lễ đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” đã làm xúc động hàng triệu trái tim người dân Việt Nam. Ngay cả những tiếng chào hỏi, lời xin lỗi, câu cảm ơn hằng ngày chúng ta nói với người xung quanh cũng có thể khiến người khác thấy ấm lòng, vơi bớt sự nhọc nhằn, bực bội. Quả là:

“Chẳng được phẩm oản mâm xôi
Cũng được lời nói cho vui tấm lòng”

Mỗi người đều có thể tạo ra những câu nói đẹp, có văn hoá nếu có ý thức “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “nghĩ rồi hẵng nói” và “Lời nói đi đôi với việc làm”.

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”

Người khôn biết ăn nói dễ nghe, biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng cần phân biệt lời nói “dịu dàng”, thanh lịch với những lời đường mật, giả dối; phân biệt việc biết nói gì, nói vào lúc nào để đạt được mục đích giao tiếp với kiểu nói năng “ậm ừ cho qua”, “dĩ hoà vi quý”, né tránh tranh luận khi cần đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Nói sao cho vừa lòng nhau cũng không phải là sự tỉ tê, nịnh nọt, tâng bốc người khác để chuộc lợi cho bản thân. Chúng ta cần học cách nói năng, ứng xử của những “người khôn”, “người thanh” theo quan niệm dân gian về lờiăn tiếng nói. Đồng thời cũng không nên ngại nói thẳng, nói thật vì sợ mất lòng; cần nhắc nhở, phê phán những người ăn nói vô văn hoá, không hiểu biết mà cứ nói bừa; nhất là phải lên án thói xu nịnh, xuyên tạc, đặt điều… Có như vậy những lời nói “chẳng mất tiền mua” mới có thể trở thành phương tiện giao tiếp hữu hiệu, thành những âm thanh đẹp của cuộc đời.

Ngôn ngữ là tài sản chung của toàn xã hội, nhưng lời nói là tài sản riêng của mỗi cá nhân. Nhớ ghi những lời khuyên dạy của người xưa, mỗi chúng ta hãy luôn có ý thức làm giàu có thêm cho kho tài sản vô hình ấy. Đó chính là một biểu hiện cụ thể của sự, tiếp thu kinh nghiệm và tri ân người đi trước, phấn đấu tự hoàn thiện mình.

9. Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 5

I. Mở bài

– Phong trào học tập hiện nay.

– Nêu vấn đề giải thích: Phải không ngừng học tập.

– Trích dẫn lời khuyên Lênin.

II. Thân bài

1. Thế nào là “Học, học nữa, học mãi”?

– Học là tìm hiểu, lĩnh hội kiến thức để nâng cao kiến thức về mọi mặt.

– Học nữa là học thêm nâng cao bổ sung thêm vào những điều đã học.

– Học mãi là học không ngừng, học suốt đời.

2. Vì sao phải không ngừng học tập?

– Vì những kiến thức học ở trường chỉ là cơ bản. Muốn hoàn thành tốt công việc phải học mở rộng nâng cao để có kiến thức sâu rộng.

– Tri thức của nhân loại là vô hạn “biển học mênh mông” hiểu biết của con người là nhỏ bé. Để thỏa mãn sự ham hiểu biết, làm cho tâm hồn trí tuệ phong phú, nâng cao giá trị bản thân, con người cần phải không ngừng học tập.

– Xã hội phát triển, khoa học kĩ thuật cũng ngày một phát triển không ngừng, không học sẽ lạc hậu, sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bản thân và xã hội.

3. Làm thế nào để thực hiện được lời khuyên của Lênin?

– Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, phải nắm vững kiến thức cơ bản để có cơ sở học nâng cao.

– Biết lựa chọn kiến thức để học theo yêu cầu công việc hoặc sở thích.

– Có kế hoạch và ý chí thực hiện kế hoạch đó, áp dụng những điều đã học vào cuộc sống.

III. Kết bài

– Một vĩ nhân đã từng nói: “Đường đời là cái thang không nấc chót, việc học là quyển sách không trang cuối”.

– Mỗi người chúng ta hãy coi học tập là hạnh phúc, niềm vui của đời mình.

10. Bài viết số 6 lớp 7 đề 5

Học tập có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Chính vì vậy mà Lê-nin đã khuyên nhủ mỗi người cần phải: “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc.

Đầu tiên, học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Có rất nhiều hình thức học tập như học ở trên lớp, học thêm, học từ thầy cô, học từ bạn bè… Lê-nin đã nhắc lại ba lần chữ “học” đồng thời mở rộng về chiều “thời gian” cho động từ “học” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập. Tiếp đến là cụm từ “học nữa” tức là tiếp tục học không ngừng nghỉ cho đến “học mãi” tức là học đến hết cuộc đời. Như vậy, câu nói trên muốn khuyên nhủ con người luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức.

Trong một xã hội hiện đại, con người có thể học tập kiến thức ở bất kì nơi đâu. Những kiến thức học ở trường chỉ là cơ bản. Vốn tri thức của nhân loại là vô hạn “biển học mênh mông” hiểu biết của con người là nhỏ bé. Khi muốn hoàn thành tốt công việc phải học mở rộng nâng cao để có kiến thức sâu rộng. Để thỏa mãn sự ham hiểu biết, làm cho tâm hồn trí tuệ phong phú, nâng cao giá trị bản thân, con người cần phải không ngừng học tập. Nếu con người sống trong một xã hội đang phát triển nhưng không chịu học tập thì sẽ trở nên lạc hậu, sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bản thân và xã hội. Việc học tập cũng không giới hạn độ tuổi của con người, dù còn trẻ hay đã lớn tuổi thì việc học tập cũng vô cùng cần thiết.

Chắc hẳn ai cũng biết đến chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Suốt ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã tự mình học hỏi để rồi có được một vốn hiểu biết phong phú về văn hóa các nước. Cũng như am hiểu thông thạo nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nga… Kế thừa tinh thần đó của Bác, trong xã hội hiện tại, có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên tự mình học hỏi, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để có được kết quả cao trong học tập… Người luôn ý thức việc học không chỉ đối với học sinh, mà học tập là cả một quá trình suốt đời.

Việc học tập không ngừng nghỉ cũng cần phải có tinh thần tự giác trong học tập vì khối lượng kiến thức của nhân loại giống như một đại dương mênh mông vô tận. Mà những kiến thức học được ở trường lớp chỉ là một phần rất nhỏ của kho tàng tri thức nhân loại. Con người cũng chỉ học tập ở trường lớp cũng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, chúng ta cần phải tận dụng tối đa khoảng thời gian đó, tự giác học tập để nâng cao tri thức, rút ngắn khoảng cách đến với thành công. Học tập không phải là con đường duy nhất, nhưng lại là con đường ngắn nhất.

Đối với tôi – một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ luôn ý thức được trách nhiệm học tập của bản thân. Từ đó, tôi luôn cố gắng rèn luyện cho mình tinh thần học tập không ngừng, bằng cách xây dựng cho mình một kế hoạch tự học hiệu quả và nghiêm túc thực hiện.

Như vậy, câu nói “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin đã đem đến cho con người một bài học vô cùng ý nghĩa. Mỗi người hãy ý thức được tầm quan trọng của việc học tập trong cuộc sống.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Trường Tiểu học Thủ Lệ.

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button