Giáo DụcLớp 9

Cảm nhận của em về hình ảnh hàng tre trong khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác

Hình ảnh hàng tre xuất hiện rất nhiều trong bài Viếng Lăng Bác. Mỗi lần xuất hiện hình ảnh ấy lại mang một ý nghĩa khác nhau. Mời các em cùng tham khảo tài liệu văn mẫu Cảm nhận của em về hình ảnh hàng tre trong khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác dưới đây để hiểu thêm ý nghĩa về biểu tượng này. Chúc các em học tập vui vẻ!

Bạn đang xem: Cảm nhận của em về hình ảnh hàng tre trong khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ Viếng lăng Bác và hình ảnh hàng tre xanh trong khổ đầu bài thơ.

2.2. Thân bài

a. Hình ảnh thực

Hàng tre làm nên vẻ đẹp bình dị mà gần gũi cho khung cảnh lăng Bác.

b. Hình ảnh biểu tượng cho con người và những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam

+Từ láy “xanh xanh” gợi đến một vẻ đẹp của đất nước, của con người Việt Nam tràn đầy sức sống, vững bền.

+”Bão táp mưa sa” là tượng trưng cho lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đầy khó khăn, vất vả, hy sinh biết bao nhiêu xương máu của dân tộc.

+Hình ảnh “đứng thẳng hàng” lại chính là ẩn dụ cho những con người Việt Nam với vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, mạnh mẽ hiên ngang, bền bỉ.

c. Ý nghĩa

+Hàng tre bao quanh lăng Bác, khiến người ta liên tưởng đến hàng triệu người con Việt Nam ngày ngày túc trực, quây quần mong cho Bác có giấc ngủ an yên.

+Thiện tình cảm của nhà thơ, của đồng bào miền Nam Việt Nam, của toàn dân tộc dành cho Bác Hồ kính yêu!

2.3. Kết bài

Cảm nhận chung về hình ảnh hàng tre trong bài thơ.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Cảm nhận của em về hình ảnh hàng tre trong khổ thơ đầu bài thơ Viếng lăng Bác

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Là người Việt Nam, hẳn không ai không biết đế vị cha già kính yêu của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã cống hiến cả cuộc đời cho công cuộc giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Có rất nhiều bài thơ, bài văn viết về Bác với một tấm lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc, nhà thơ Viễn Phương cũng không ngoại lệ, ông đã viết bài thơ Viếng lăng Bác với bao cảm xúc nghẹn ngào, tiếc thương. Đặc biệt trong khổ thơ đầu, nhà văn đã tinh tế gợi nhắc đến hàng tre xanh, vốn là biểu tượng của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

Viễn Phương là một trong những mặt tiêu biểu nhất trong lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam, thơ của ông tập trung khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của nhân dân đất nước trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Thơ Viễn Phương cuốn hút người đọc bởi lối viết nhỏ nhẹ, trong sáng, giàu cảm xúc và lãng mạn.

Viếng lăng Bác được sáng tác năm 1976, sau 1 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lăng chủ tịch Hồ Chí Minh mới được khánh thành, Viễn Phương là một trong số đồng bào chiến sĩ miền Nam sớm được ra viếng lăng Bác. Bài thơ được in trong tập thơ Như mây mùa xuân xuất bản năm 1978. Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là niềm xúc động thiêng liêng, sự thành kính, lòng biết ơn, cảm xúc tự hào lẫn nỗi tiếc thương khi đứng trước lăng Bác. Giọng điệu của bài thơ là sự trầm lắng, thành kính và trang nghiêm phù hợp với tâm trạng của tác giả, phù hợp với không khí trong lăng Người.

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

Ở khổ thơ đầu tiên trước hết là cảm xúc bồi hồi, là nỗi xúc động sâu xa khi nhà thơ đứng trước lăng Người, cảm xúc ấy kết đọng trong câu thơ “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” như một lời kể nhỏ nhẹ, bằng lối xưng hô quen thuộc của người miền Nam “Con-Bác” để gợi sự gần gũi thân thiết. Ngoài ra, lối xưng hô ấy còn thể hiện sự tôn kính và tình cảm yêu thương như ruột thịt trong một gia đình dành cho bề trên tôn kính.

Khi đứng trước lăng Người, hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng sâu đậm nhất hiện lên trước mắt nhà thơ về quang cảnh ngoài lăng chính là hàng tre xanh mát, đang bao quanh lăng, canh cho Người giấc ngủ ngàn thu. Đây là một hình ảnh thực, làm nên vẻ đẹp của quang cảnh quanh lăng Bác, gợi sự gần gũi thân thương của làng quê đất nước Việt Nam, bởi từ xa xưa vốn dĩ tre đã thành biểu tượng cho tâm hồn người dân đất Việt, ở đâu tre cũng mọc, nhân dân ta sống và gắn bó với cây tre từ bao đời nay. Tre làm nhà ở, làm giường ghế, bàn tủ, tre làm cuốc xẻng để cày cấy lao động, tre còn làm vũ khí tham gia vào chống giặc ngoại xâm, có thể nói tre là người bạn lâu đời của nhân dân Việt Nam ta.

Ngoài ra, hàng tre xanh cũng là một hình ảnh mang nhiều lớp nghĩa biểu tượng, từ láy “xanh xanh” gợi đến một vẻ đẹp của đất nước, của con người Việt Nam tràn đầy sức sống, vững bền. Câu “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” cũng mang nhiều nét nghĩa, nếu “bão táp mưa sa” là tượng trưng cho lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đầy khó khăn, vất vả, hy sinh biết bao nhiêu xương máu của dân tộc, cùng với những thiên tai, lũ lụt mà con người Việt Nam phải gồng mình gánh chịu, thì hình ảnh “đứng thẳng hàng” lại chính là ẩn dụ cho những con người Việt Nam với vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, mạnh mẽ hiên ngang, bền bỉ sẵn sàng đối mặt với phong ba bão táp bởi sự đoàn kết, một lòng. Hàng tre bao quanh lăng Bác, khiến người ta liên tưởng đến hàng triệu người con Việt Nam ngày ngày túc trực, quây quần mong cho Bác có giấc ngủ an yên. Điều đó cũng thể hiện tình cảm của nhà thơ, của đồng bào miền Nam Việt Nam, của toàn dân tộc dành cho Bác Hồ kính yêu!

Với chỉ một đoạn thơ ngắn, một hình ảnh hàng tre xanh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, ta đã thấy được tình cảm sâu sắc, nỗi niềm xúc động mà nhà thơ Viễn Phương khi được đến thăm và đứng trước lăng Người, đó là nỗi bồi hồi, lòng tự hào, kính yêu đối với vị lãnh tụ kính mến của dân tộc.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Hình ảnh hàng tre là hình ảnh xuyên suốt trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của tác giả Viễn Phương. Nó xuất hiện ở khổ đầu và khổ cuối của bài thơ như sự minh chứng cho kết cấu chặt chẽ đầu cuối tương ứng. Hình ảnh xuất hiện ở mỗi khổ thơ lại mang ý nghĩa khác nhau.

Trong khổ thơ đầu:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy hàng tre trong sương bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp, mưa sa đứng thẳng hàng”

Hình ảnh hàng tre xuất hiện là ấn tượng đầu tiên của Viễn Phương khi lần đầu từ miền Nam đặt chân ra thăm lăng Bác. Hình ảnh hàng tre không phải là hình ảnh mới lạ bởi nó là biểu tượng của làng quê miền Bắc Việt Nam. Nhưng với Viễn Phương khi lần đầu được đến thăm Bác đã ấn tượng ngay loài cây “bát ngát” này. Và tác giả phải thốt lên rằng “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam”. “Xanh xanh” là màu của tre, của sự yên bình, lại được trồng ở lăng Bác – ngay tại thủ đô của đất nước. Bởi vậy mới thấy hết giá trị của nó. Hàng tre là ẩn dụ cho sự mộc mạc, giản dị, ngay thẳng như chính con người Bác vậy. “Bão táp, mưa sa đứng thẳng hàng” là đại diện cho phẩm chất của con người Việt Nam trong đấu tranh. Đó là phẩm chất cao cả của những người anh hùng trong chiến đấu: anh dũng, kiên cường với sức sống bền bỉ, dẻo dai.

Trong khổ thơ cuối, hình ảnh hàng tre vẫn xuất hiện trong nguyện vọng của nhà thơ :” Muốn làm hàng tre trung hiếu chốn này”. Đây là sự kết thúc tương ứng với khổ đầu làm cho bài thơ được trọn vẹn và thống nhất. Hình ảnh hàng tre “trung hiếu” là hình ảnh mới khác với hình ảnh hàng tre trong khổ đầu. Nếu khổ đầu nó là sự kiên cường bất khuất để vượt qua mọi gian lao, khổ cực thì khổ cuối, nó là sự “trung hiếu”, trung thành của mỗi người con đất Việt đối với vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta. Đó còn tượng chưng cho hình ảnh các anh chiến sĩ cận vệ ngày đêm canh giấc ngủ ngàn thu cho Bác.

Hình ảnh hàng tre đã quá quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Không chỉ trong đời sống hàng ngày mà còn trong cả các sáng tác văn chương. Các tác giả khi muốn nhắc đến sự kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, đều đưa hình ảnh hàng tre vào như một biểu tượng nghệ thuật. Ta từng biết một “tre xung phong vào xe tăng đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh…Tre anh hùng chiến đấu” của Thép Mới. Hay một “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy “Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh…”. Nhưng với Viễn Phương, không chỉ là hàng tre kiên cường trong bão táp mưa sa mà còn là hàng tre “trung hiếu” tận tình. Đó là phẩm chất cần có của mỗi một chiến sỹ. Đây là điểm mới làm nên hàng tre khác biệt của Viễn Phương.

–Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp—

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button