Giáo DụcLớp 12

Cảm hứng thiên nhiên của nhà thơ Quang Dũng trong Tây Tiến

Cảm hứng thiên nhiên trở thành một mạch nguồn xuyên suốt tác phẩm, là vẻ đẹp của tạo hoá ban tặng cho con người, thử thách những bước chân quả cảm và tinh thần kiên cường của người lính trẻ, Tây Tiến là một tác phẩm như thế. Để có thêm kiến thức về tác phẩm đồng thời hiểu được quan điểm nghệ thuật của tác giả mời các em cùng tham khảo tài liệu Cảm hứng thiên nhiên của nhà thơ Quang Dũng trong Tây Tiến dưới đây!

Bạn đang xem: Cảm hứng thiên nhiên của nhà thơ Quang Dũng trong Tây Tiến

Contents

Cảm hứng thiên nhiên của nhà thơ Quang Dũng trong Tây Tiến

1. Sơ đồ gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

Có lẽ, tình yêu thiên nhiên với núi rừng Tây Bắc, sự gắn bó giữa cỏ cây, đất trời nơi đây thấm vào máu thịt mình mà Quang Dũng đã viết nên bài thơ Tây Tiến thật đậm đà mà quá đỗi yêu thương đến thế. Cảm hứng thiên nhiên trở thành một mạch nguồn xuyên suốt tác phẩm, là vẻ đẹp của tạo hoá ban tặng cho con người, thử thách những bước chân quả cảm và tinh thần kiên cường của người lính trẻ.

2.2. Thân bài

– Nỗi nhớ da diết của tác giả dành cho vùng đất Tây Bắc gợi qua không gian: Sông Mã, núi rừng.

– Thiên nhiên Tây Bắc thật hùng vĩ, hoang vu và dữ dội:

+ Đường mây sương mù giăng lối, mịt mờ

+ Núi cao khúc khuỷu, gập ghềnh

+ Vực sâu hun hút, thăm thẳm

+ Núi rừng heo hút, hoang vu

– Thiên nhiên Tây Bắc thật thơ mộng, trữ tình:

+ Vẻ đẹp kiều diễm của những bông hoa của núi rừng hoang vu trong đêm hơi

+ Hoa về xua tan đi những màn sương lạnh lẽo, mang đến không gian thật nhẹ nhàng và đầy ấm áp.

+ Những cơn mưa rừng gợi nhớ, gợi thương

+ Trong một chiều sương mỏng, nơi dòng sông xa xôi có những cánh lau phất phơ mang như mang theo nỗi nhớ của người lính.

– Những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên đều được tác giả bắt kịp mà viết nên những vần thơ sinh động và hồn nhất.

→ Cảm hứng thiên nhiên là cội nguồn của nỗi nhớ, niềm thương.

2.3. Kết bài

Thật cảm ơn người lính trẻ tài năng Quang Dũng đã để lại cho thế hệ sau những vần thơ đẹp nhiều đến thế, để chúng em thêm hiểu và tự hào về một vùng đất Tây Bắc sơn thủy hữu tình.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Cảm hứng thiên nhiên của nhà thơ Quang Dũng trong Tây Tiến

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Quang Dũng tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Trước cách mạng, Quang Dũng làm nghề dạy học, sau cách mạng, ông gia nhập quân đội, trở thành một trong những phóng viên ưu tú của tờ báo chiến đấu. Là một nhà thơ, nhà văn cầm súng, ông hiểu hơn hết những vất vả, đau thương mà những người lính trẻ trải qua và dành tình yêu cho những vùng đất mà họ đi qua. Tây Bắc là một nơi như thế.

          Có lẽ, tình yêu thiên nhiên với núi rừng Tây Bắc, sự gắn bó giữa cỏ cây, đất trời nơi đây thấm vào máu thịt mình mà Quang Dũng đã viết nên bài thơ Tây Tiến thật đậm đà mà quá đỗi yêu thương đến thế. Cảm hứng thiên nhiên trở thành một mạch nguồn xuyên suốt tác phẩm, là vẻ đẹp của tạo hoá ban tặng cho con người, thử thách những bước chân quả cảm và tinh thần kiên cường của người lính trẻ. Bởi vậy mà thiên nhiên nơi đây trở thành cảm hứng bất tận của nhà thơ:

” Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

          Tiếng thơ cất lên nghe sao nặng lòng đến vậy. Sông Mã đã xa rồi, cả Tây Tiến cũng đã xa rồi, khoảnh khắc cận kề của những ngày xưa với bao kỉ niệm bên dòng sông chiến trận ấy giờ chỉ còn ẩn hiện trong nỗi nhớ khôn nguôi. Nỗi nhớ da diết, cồn cào, “chơi vơi” ấy càng khiến cho tác giả thêm thương, thêm mến vùng đất Tây Bắc thân yêu. Những ngọn núi, những cánh rừng mà bước chân người lính đi qua cứ dạt dào trong tâm tưởng, thật nhớ, thật thương. Bao địa danh của chốn núi rừng được Quang Dũng liệt kê đầy tinh tế, từng tên núi, tên làng được tác giả nhớ rất cụ thể, mỗi nơi dấu chân người lính đi qua đều được tác giả tái hiện qua nỗi nhớ thật đầy đặn và chân thực. Vừa hùng vĩ, dữ dội lại không kém phần lãng mạn, nên thơ:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

        Đoàn quân Tây Tiến chiến đấu chẳng ngại gian khổ, sương mù giày đặc chẳng làm chùn đi bước chân người lính trẻ, có mỏi mệt đấy thôi nhưng chân vẫn vững lòng, quyết chí. Đường dẫu mây sương mù giăng lối, dẫu mịt mờ thì các chiến sĩ vẫn miệt mài hành quân:

” Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

       Những đỉnh núi cao sâu gập ghềnh như hiển hiện trước mắt người đọc. Không gian có lớn lao, có bao la đấy thôi nhưng thật dữ dội, đầy rẫy những hiểm nguy trực chờ. Bức tranh núi rừng quá thơ như được vẽ nên thật hùng vĩ, hoang vu. Dốc “khúc khuỷu”, dốc “thăm thẳm” vừa cao chót vót lại vừa sâu đến tận cùng. Những từ láy được Quang Dũng sử dụng đã đặc tả cảnh núi non một cách khái quát mà cũng đầy cụ thể, cảnh thiên nhiên trong thơ tựa một nét chấm phá tuyệt vời để khắc hoạ nên hình ảnh những người lính trẻ Tây Tiến kiên cường, dũng cảm, không ngại gian khó, quyết chí vững lòng.

       Thiên nhiên trong cảm hứng của Quang Dũng còn rất mực thơ mộng, tươi tắn và đầy lãng mạn.

” Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

        Nếu như ở Sài Khao cảnh sương lấp khiến chặng đường hành quân khó khăn mịt mờ thì chốn Mường Lát lại khiến con người không khỏi thổn thức trước vẻ đẹp kiều diễm của những bông hoa của núi rừng hoang vu trong đêm hơi. Hoa về xua tan đi những màn sương lạnh lẽo, mang đến không gian thật nhẹ nhàng và đầy ấm áp.

” Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

         Dưới ngòi bút trữ tình của Quang Dũng, những cơn mưa rừng bất chợt về thật đẹp và lãng mạn. Trên đỉnh núi cao chót vót, ngắm nhìn những ngôi nhà Pha Luông phía xa kia thật khiến người chiến sĩ thêm nhớ da diết con người Tây Bắc, cũng là động lực để họ chiến đấu hết mình vì nhân dân, vì Tố quốc.

         Dường như thiên nhiên Tây Tiến trở thành một phần tốt đẹp không gì có thể thay thế được trong sâu thẳm trái tim người chiến sĩ. Mỗi dáng hình, mỗi vẻ đẹp của thiên nhiên đều được tác giả dành trọn tình thương mến, mỗi nỗi niềm bâng khuâng khôn tả:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

         Trong một chiều sương mỏng, nơi dòng sông xa xôi có những cánh lau phất phơ mang như mang theo nỗi nhớ của người lính. Những dòng nước, những con người, những cánh hoa,…tất cả đều rất đỗi dịu dàng, bình dị và đầy thương nhớ. Cảm hứng thiên nhiên là một mạch nguồn không bao giờ cạn trong trái tim mỗi người thi sĩ. Những khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên đều được tác giả bắt kịp mà viết nên những vần thơ sinh động và hồn nhất. Chính tình yêu thiên nhiên, chính nỗi nhớ tha thiết vùng đất Tây Bắc với những con người tình cảm và giàu yêu thương ấy mà Quang Dũng đã làm nên một tuyệt phẩm đầy tự hào trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt.

         Em vẫn từng nghe được ở đâu đó rằng thiên nhiên chính là cái hồn thi sĩ, và có lẽ, khi đọc Tây Tiến của Quang Dũng, em càng thấu hiểu hơn thêm câu nói đó, một con người dữ dội trong từng cảm xúc, tài hoa trong từng nét bút mà cũng chất chứa một tâm hồn lãng mạn, tin yêu. Thật cảm ơn người lính trẻ tài năng đã để lại cho thế hệ sau những vần thơ đẹp nhiều đến thế, để chúng em thêm hiểu và tự hào về một vùng đất Tây Bắc sơn thủy hữu tình.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Quang Dũng (1921-1988 ) là nghệ sĩ đa tài, có hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, đặc biệt khi ông viết về những người lính Tây Tiến và xứ Đoài quê mình. Tây Tiến là bài thơ xuất sắc nhất, tiêu biểu cho đời thơ, phong cách sáng tác của ông. Bài thơ bằng bút pháp lãng mạn, sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu đã bộc lộ một nỗi nhớ sâu sắc da diết của tác giả về những người lính Tây Tiến anh dũng hào hoa và núi rừng miền Tây hùng vĩ, mĩ lệ. Có thể nói, tinh hoa của hồn thơ Quang Dũng được lắng đọng trong tám câu thơ miêu tả cảnh đêm liên hoan và cảnh mộng mơ trên những con sông miền Tây.

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Bài thơ Tây Tiến được in trong tập thơ “Mây đầu ô” (xuất bản năm 1986 ) nhưng trước đó đã được bao thế hệ người yêu thơ truyền tay tìm đọc. Tác giả sáng tác bài thơ này từ năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh khi ông đã rời khỏi đoàn quân Tây Tiến chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Đơn vị quân đội Tây Tiến được thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao sinh lực Pháp tại Thượng Lào và miền Tây Bắc bộ Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quânTây Tiến khá rộng; chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có Quang Dũng. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan và chiến đấu anh dũng. Hoạt động được hơn một năm thì đơn vị Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Lúc đầu, nhà thơ đặt tên tác phẩm là Nhớ Tây Tiến, nhưng sau đó lại đổi lại là Tây Tiến. Bài thơ được sáng tác dựa trên nỗi nhớ, hồi ức, kỉ niệm của Quang Dũng về đơn vị cũ. Thế nên toàn bài thơ là một nỗi nhớ cồn cào, tha thiết.

Bài thơ được tác giả chia thành 4 đoạn. Đoạn 1 bộc lộ nỗi nhớ những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ. Đoạn 2 là những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong những đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng. Đoạn 3 tái hiện lại chân dung người lính Tây Tiến. Đoạn 4 là lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây. Toàn bài thơ in đậm dấu ấn tài hoa, lãng mạn, phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Với tài năng và tâm hồn ấy, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội, mĩ lệ.

Trong miền kí ức của Quang Dũng không chỉ có những ngày tháng gian khổ với đèo cao, mưa rừng, thú dữ, sương phủ mà còn có cả ánh sáng hội hè của những đêm liên hoan tưng bừng và những buổi chiều êm ả, mông lung.

Đoạn thơ thứ hai mở ra một thế giới khác của miền Tây:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu, nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Cảnh một đêm liên hoan văn nghệ của những người lính Tây Tiến có đồng bào địa phương đến góp vui được miêu tả bằng những chi tiết rất thực mà cũng rất thơ mộng. Từ “bừng lên” kết hợp với hình ảnh đẹp “đuốc hoa” miêu tả không khí sôi nổi, cả doanh trại bừng sáng, lung linh ánh lửa đuốc khi đêm văn nghệ bắt đầu. Tiếng reo “kìa em xiêm áo tự bao giờ” thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, say mê, vui sướng của các anh lính Tây Tiến trước vẻ lộng lẫy bất ngờ của các cô gái nơi núi rừng. Không khí của đêm liên hoan còn ngây ngất hơn bởi tiếng khèn rạo rực, réo rắt khiến cho cả con người, cảnh vật như bốc men say, trở nên phong phú, sinh động như muốn “xây hồn thơ” lãng mạn. Đây cũng chính là tâm hồn hào hoa, tinh tế của Quang Dũng.

Nếu cảnh đêm liên hoan đem đến cho người đọc không khí háo hức thì cảnh sông nước miền Tây lại gợi lên cảm giác mênh mang, mờ ảo:

” Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.”

Ngòi bút của Quang Dũng không tả mà chỉ gợi. Những hình ảnh “chiều sương ấy”, “hồn lau”, “nẻo bến bờ”, “hoa đong đưa” kết hợp với cách hỏi “có thấy”, “có nhớ” mở ra một khung cảnh buổi chiều sương trong kí ức. Sương mờ giăng mắc khắp không gian, bến bờ lặng lẽ hoang dại, trên sông xuất hiện một dáng người mềm mại, uyển chuyển của cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc, những bông hoa rừng đong đưa làm duyên tronng dòng nước. Cảnh như có hồn, có sự thiêng liêng của núi rừng, đậm màu sắc cổ tích và huyền thoại. Qua những nét vẽ hư ảo trên, ta như thấy trước mắt mình một bức tranh sơn thuỷ hữu tình mang dấu ấn của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lãng mạn, tài hoa, vô cùng yêu mến, gắn bó với mảnh đất miền Tây – tâm hồn Quang Dũng. Đồng thời ta cũng cảm nhận được tâm hồn rung động của các chiến sĩ Tây Tiến trước cái đẹp.

Trong hai đoạn thơ sau, nhà thơ không miêu tả cảnh thiên nhiên nữa mà tập trung vào khắc hoạ chân dung người lính tây tiến và nỗi nhớ miền tây bằng những nét vẽ khoẻ khoắn, mạnh bạo, gân guốc đạm chất bi tráng.

Tám câu thơ của khổ hai đã vẽ nên khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình.Chất nhạc, chất hoạ, chất mơ mộng hoà quyện chặt chẽ với nhau trong đoạn thơ tạo nên một thế giới của cái đẹp. Từng nét vẽ của Quang Dũng đều mềm mại, tinh tế, uyển chuyển. Đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng trong tổng thể bài thơ.

–Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp—

Đăng bởi: Trường Tiểu học Thủ Lệ

Chuyên mục: Giáo dục, Lớp 12

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button